Hoàn cảnh khốn khó nhưng thích giúp đỡ người khác
“Ông Bụt” chuyên giúp đỡ các bạn sinh viên tại khu vực Làng Đại học Thủ Đức là chú Nguyễn Văn Minh (57 tuổi). Chú sống một mình đã hơn 50 năm qua. Chú vá xe miễn phí cho sinh viên đã mười mấy năm và bắt đầu công việc chở đồ miễn phí cho sinh viên đã được vài năm nay. “Tôi bị lạc gia đình từ lúc 3 tuổi thời chiến tranh, hiện nay đã 54 năm sống một mình, không có gia đình. Lúc 3 tuổi, tôi sống lang thang ở Bắc Mỹ Thuận đến năm mười mấy tuổi, tôi ở Trường Bắn (phường Long Bình, Q. 9, TP. HCM) và sau đó tôi lên Thủ Đức sinh sống đã được 23 năm”, chú Minh nhớ lại.
Trước khi sống ở khu vực làng ĐH Thủ Đức, chú đã từng đi làm thuê, làm mướn nhiều công việc khác nhau để mưu sinh. Chú cũng đã từng liên hệ với chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” để tìm người thân nhưng vì lúc đi lạc tuổi còn quá nhỏ nên bây giờ vẫn chưa tìm thấy gia đình mình.
“Nguyễn Văn Minh” là họ tên mà những người ở Trường Bắn đã đặt cho chú khi chú còn nhỏ. Còn biệt danh thân thương “Minh cô đơn” là do các bạn sinh viên ở khu vực Làng Đại học Thủ Đức đã đặt cho chú. “Minh cô đơn là do sinh viên ghi trên chiếc xe cho tôi. Cái tên ấy các bạn sinh viên đã đặt cho tôi lâu rồi dùng để báo hiệu cho mọi người biết có thể nhận ra xe tôi”, chú Minh chia sẻ.
Chú thường làm việc mỗi ngày từ 4h sáng đến 5h chiều, vừa vá xe, vừa chở đồ miễn phí cho sinh viên. Chiếc xe ba gác mà chú đi thường ngày được các bạn sinh viên, mạnh thường quân, nhà hảo tâm, cơ quan nhà nước cùng quyên góp tặng chú. “Tôi tắm ở Hồ Đá vào lúc 11h đêm. Một ngày tôi chỉ ngủ chỉ 5 tiếng, lâu lâu thì nằm võng ngủ trưa ở chỗ vá xe. Khoảng 4h sáng mỗi ngày là tôi thức dậy để dọn đồ vá xe rồi. Ai gọi cho tôi thì tôi lấy xe ba gác để chở giúp”, chú Minh bộc bạch.
Chú gắn bó với công việc này mỗi ngày, ngay kể cả dịp Tết chú vẫn làm bình thường. Trừ khi dịch giãn cách xã hội, sinh viên không có thì chú lại chuyển qua chở đồ từ thiện cho các đoàn về Vũng Tàu, Bến Tre, Vĩnh Long…
Cho đi là còn mãi
Với niềm vui trên gương mặt, chú kể về những kỉ niệm gắn bó với các bạn sinh viên và những dự định những ngày tiếp theo. “Tôi sẽ thực hiện công việc này lâu dài, đến khi nào không làm nổi thì thôi. Nếu không làm nổi tôi sẽ đưa đồ nghề của mình cho Hội Sinh viên các trường chứ không bán và không giao cho một cá nhân nào khác. Hoàn cảnh của tôi đã quá khổ, ở trong rừng với tấm bạt, cơm nước người khác cho tôi ăn. Quan trọng giúp người khác được là quý, không quan trọng chỗ ăn, chỗ ngủ”, chú bộc bạch.
Chú cảm thấy thương quý những bạn sinh viên, cụ già tật nguyền và phụ nữ mang thai. Sau những chuyến đi xa, chú chỉ lấy tiền sinh viên khoảng 150.000 đến 200.000/chuyến. Còn những chuyến đi gần hoặc các bạn sinh viên khó khăn thì chú miễn phí cho các bạn. Chi phí lấy tượng trưng giúp chú có tiền đổ xăng và tiền mua thêm ít vỏ, ruột xe để tiếp tục công việc giúp cho những bạn sinh viên không may lúc cơ nhỡ. “Mình giúp người ta mình nhận được từ họ là lời cảm ơn và nụ cười chân thành, không quan trọng là vật chất. Mình sống quan trọng là đạo đức con người và lòng can đảm. Có nhiều người nói không lấy tiền thì kì lắm. Tôi nói với họ, nếu trả tiền thì đừng ghé vào đây”, chú Minh cười hiền trải lòng.
Không chỉ vá xe, chở đồ miễn phí cho sinh viên, chú còn thường xuyên phát bánh kẹo, mì gói, xe đạp… cho hộ gia đình khó khăn, sinh viên nghèo tỉnh lẻ sống ven các khu nhà trọ thuộc Làng Đại học Thủ Đức và khu vực trường ĐH Nông Lâm TP. HCM. “Xe cộ, tài sản của mình phải giữ, phải coi và quan sát cẩn thận. Đó là tài sản mà chính ba, mẹ mình vất vả làm ra nên hãy biết quý trọng nó. Chứ mất rồi thì có khóc cũng không tìm lại được”, chú Minh nhắn nhủ đến các bạn sinh viên.
Ngày 7/12, chú Minh bị trộm lấy mất xe ba gác ở chốt kiểm soát an ninh. Nhưng hiện tại, nhờ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, ngày 13/12 tới đây, chú sẽ có chiếc xe ba gác mới để tiếp tục công việc "nghĩa hiệp" của mình. “Số tiền mạnh thường quân ủng hộ, tôi nhất định sẽ đặt xe tốt, có thể đi 5 năm đến 10 năm. Xe ba gác mới tôi vẫn sẽ sơn màu xanh, vẫn ghi chữ "Minh cô đơn” kèm với số điện thoại và đặc biệt thêm chữ “Trúc Phương”, để có những kỉ niệm đẹp vì sự giúp đỡ của một mạnh thường quân đại diện cho nhóm bạn hữu dành cho tôi”, chú Minh chia sẻ.