Theo quy định hiện hành, mức đóng BHYT với sinh viên là 804.600 đồng/năm. Trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% mức đóng, sinh viên chỉ đóng 70% mức đóng, số tiền thực tế mỗi sinh viên đóng là 46.935 đồng/tháng, tương ứng 563.220 đồng/năm.
Về quyền lợi khi tham gia BHYT, sinh viên sẽ được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại nhà trường hoặc cơ sở y tế; Được Quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh; Được lựa chọn và thay đổi nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu vào tháng đầu mỗi quý...
Về mức hưởng, theo quy định hiện hành, khi sinh viên đi khám chữa bệnh tại cơ sở y tế theo đúng tuyến được Quỹ BHYT thanh toán 80% chi phí; trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến (hoặc không có giấy chuyển tuyến), vẫn được Quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí nội, ngoại trú tại bệnh viện tuyến huyện, hoặc nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh; được thanh toán 40% chi phí khám chữa bệnh nội trú tại bệnh viện tuyến trung ương.
Trường hợp sinh viên khám chữa bệnh tại nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu nhưng không xuất trình đầy đủ thủ tục theo quy định, cơ quan BHXH sẽ thanh toán chi phí khám chữa bệnh ngoại trú tối đa 0,15 lần mức lương cơ sở, tương đương 223.500 đồng; khám chữa bệnh nội trú được hưởng tối đa 0,5 lần mức lương cơ sở, tương đương 745.000 đồng.
Khi sinh viên khám chữa bệnh tại cơ sở y tế không có hợp đồng khám chữa bệnh BHYT với cơ quan BHXH, sẽ được thanh toán theo từng trường hợp.
Cụ thể, nếu khám chữa bệnh ngoại trú bệnh viện tuyến huyện được thanh toán tối đa 0,15 lần mức lương cơ sở (tương đương 223.500 đồng), khám nội trú được thanh toán tối đa 0,5 lần mức lương cơ sở (tương đương 745.000 đồng); Khám chữa bệnh nội trú bệnh viện tuyến tỉnh được hưởng tối đa 1 lần mức lương cơ sở (tương đương 1,49 triệu đồng); Khám chữa bệnh nội trú bệnh viện tuyến trung ương được hưởng tối đa 2,5 lần mức lương cơ sở (tương đương 3,725 triệu đồng).
Trường hợp cấp cứu, sinh viên được khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở y tế nào và phải xuất trình thẻ BHYT cùng giấy tờ tùy thân có ảnh trước khi ra viện để được hưởng quyền lợi BHYT theo quy định.