Cơ hội để sống chậm lại
Trở về sau gần hai năm học tập tại Kansas (Mỹ), Trần Hồ Bảo Ngọc hiện là sinh viên năm thứ hai, ngành Quản trị du lịch và khách sạn, trường ĐH RMIT. Dịch bệnh bùng phát cũng như việc phải “du học online” chính là nguyên nhân cho quyết định về Việt Nam của cô.
Cảm thấy không có nhiều khác biệt về môi trường học, Bảo Ngọc thích nghi khá nhanh. Nhưng vì là người hoạt bát, thích giao lưu nên việc phải học online là một “điểm trừ” với Ngọc. Cô tâm sự: “Trở ngại lớn nhất của việc này là mất đi sự tương tác trong lớp học, khiến việc trao đổi, học tập của sinh viên không đạt được hiệu quả, nhất là khi tụi mình có nhiều dự án cần hoạt động cùng nhau”. Tuy nhiên, trong lúc học, giảng viên của Ngọc luôn cố gắng kết nối sinh viên, tạo không khí hứng thú bằng cách tổ chức trò chơi hoặc biểu diễn một hành động thực tế như hướng dẫn cách pha cà phê theo văn hóa phương Đông, phương Tây...
Bảo Ngọc dành thời gian nâng niu bản thân và yêu đời hơn. |
Bên cạnh đó, Ngọc dùng thời gian này để nhìn nhận cuộc sống ở những góc độ, nhịp điệu khác. “Mình có khoảng lặng để quan tâm đến nhiều điều nhỏ nhặt mà thường ngày mình không chú ý. Mình cảm thấy rất vui vì có thể chiêm nghiệm mọi thứ như xem một thước phim tua chậm, có cơ hội sống chậm lại, suy nghĩ tích cực hơn”, Ngọc chia sẻ.
Cũng quyết định trở về và học trong nước, Như Nguyệt (năm thứ nhất, ngành Kỹ thuật Hóa học, trường ĐH Bách khoa, ĐHQG TP. HCM) đang trong giai đoạn làm quen với môi trường mới. Nói về trải nghiệm du học hai năm THPT tại Canada, Nguyệt bộc bạch: “Đối với mình, du học là một việc không dễ dàng nhưng đó là một trải nghiệm tuyệt nhất mà mình từng có. Nhờ trải nghiệm này mà mình từ một người rụt rè, nhút nhát trở nên tự tin, độc lập”.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như để theo đuổi ngành học mơ ước, cô chọn về nước vào tháng 8/2020. Nguyệt cho biết: “Trước đó, mình đã trải qua nửa năm giãn cách tại Canada nên dịch bệnh ở Việt Nam không ảnh hưởng tiêu cực đến học tập, sinh hoạt”. Trở ngại duy nhất của Nguyệt lúc này là phải tiếp thu lượng lớn kiến thức vì chương trình THPT ở Việt Nam nặng hơn nhiều so với chương trình ở Canada.
Sau khi hết dịch, Như Nguyệt dự định sẽ thi lấy bằng tiếng Anh, học thêm một ngoại ngữ và thử sức với công việc trợ giảng tại trung tâm ngoại ngữ. |
Để lấp đầy sự chênh lệch đó, Nguyệt đã chủ động tìm tòi, đọc sách, nhờ sự giúp đỡ của bạn bè cũng như tập trung cao độ vào việc học. “Mình thích trải nghiệm, làm mới bản thân nên mình chọn chương trình chuyển tiếp của trường ĐH Bách khoa, hai năm đầu học tại Việt Nam và hai năm sau sẽ liên kết đi Úc học”, cô chia sẻ.
Tận hưởng hành trình đến vạch đích
Lê Thanh Trúc (năm thứ hai, ngành Quản trị Kinh doanh, trường ĐH Quốc tế Việt Đức) cũng từng là du học sinh tại Canada. Sau khoảng thời gian trải nghiệm, học tập ở nước ngoài, cô quyết định tiếp tục việc học của mình tại Việt Nam. Chia sẻ về điều này, Trúc bày tỏ: “Du học là ước mơ từ lâu của mình. Sau ba năm sống tại Canada, mình học được rất nhiều điều. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp nên vào tháng 10/2020, mình đã quyết định quay trở về với gia đình. Quan trọng hơn, mình rất yêu Việt Nam và mọi thứ ở đây”.
Hiện tại, cô bạn đang học online tại nhà. Đây là việc khá khó khăn đối với Trúc. Những trục trặc về đường truyền cũng như sự giảm tương tác trong lớp học là một trở ngại rất lớn. Nhưng nhờ việc chia nhóm để thực hiện các bài tập, dự án đã phần nào giúp cô cảm thấy gần gũi hơn với những người bạn chung lớp.
Thanh Trúc nói được thành thạo ba ngoại ngữ là tiếng Anh, tiếng Nhật, tiếng Đức cũng như có thể đọc, phát âm chuẩn tiếng Hàn và Tây Ban Nha. |
Thanh Trúc cho rằng, việc học ở Canada và Việt Nam rất khác nhau. Cô giải thích: “Chương trình học trong nước rất nặng và tụi mình thường được kì vọng về việc đạt thành tích cao. Do đó, mình không có nhiều thời gian để tham gia các hoạt động ngoài lề. Đối với mình, điều đó sẽ làm giảm sự năng động, sáng tạo của sinh viên cũng như khiến tụi mình có ít thời gian dành cho gia đình và bản thân”. Tuy nhiên, cô bạn lại thích cách truyền thụ kiến thức truyền cảm, tâm huyết của các thầy cô ở Việt Nam hơn.
Tranh thủ khoảng thời gian này, Trúc thường lên mạng tìm tòi, học nấu các món ăn cho gia đình. Bên cạnh đó, cô cũng mày mò nghiên cứu về mảng đầu tư và ấp ủ dự định kinh doanh trong tương lai. Ngoài ra, cô cũng dành thời gian để tập thể dục, nâng cao sức khỏe bản thân và tìm hiểu thêm cách chơi đàn guitar, piano...
Thanh Trúc cho biết, cô vẫn sẽ tiếp tục học ở Việt Nam cho tới khi tốt nghiệp. “Sau rất nhiều trải nghiệm, mình nhận ra, dù ở đâu, chỉ có mình mới có thể quyết định mình có đến vạch đích được hay không”, Trúc khẳng định.