Phân đoạn hát chầu văn sân khấu Thượng thiên thánh mẫu. |
Vở diễn “Thượng thiên Thánh Mẫu” được xây dựng dựa trên những huyền tích dân gian về Mẫu Liễu Hạnh - đệ nhất Thánh mẫu trong tín ngưỡng thờ Mẫu của người dân Việt Nam, kịch bản được viết bởi tác giả Lê Thế Song và Xuân Hồng. Tác phẩm đem lại cho khán giả những hiểu biết đầy đủ hơn về hình tượng Thánh Mẫu và nguồn gốc tạo nên đạo Mẫu Việt Nam.
“Thượng thiên Thánh Mẫu” có sự độc đáo bởi sự kết hợp giữa hai loại hình hoàn toàn khác biệt đó là cải lương và xiếc. Sự kết hợp mang tới cách thưởng thức nghệ thuật có tính giải trí cao nhưng vẫn mang tính triết lý sâu sắc, tính trữ tình và tư duy bác học của sân khấu đương đại. Nếu như sân khấu cải lương có sự đằm thắm, đầy nét duyên mềm mại thì sân khấu xiếc chứa đựng sự mạo hiểm, mạnh mẽ. Khán giả sẽ được thưởng thức những phân đoạn ca cải lương: điệu lý, vọng cổ… mang sắc thái ước lệ đậm chất dân gian. Trong nhiều phân đoạn kịch cao trào, mâu thuẫn những màn diễn xiếc đầy thú vị kịch tính khiến khán giả thót tim và không thể rời mắt khỏi các nghệ sĩ.
Các bạn trẻ xuyên không về lịch sử. |
Vở diễn còn là sự kết hợp hài hòa và nhuần nhuyễn giữa những yếu tố dân gian, truyền thống và hơi thở đương đại. Để kết nối với hiện đại, mở đầu tác phẩm là phân cảnh các bạn trẻ hiện đại với phong cách hiphop phóng khoáng xuyên không về quá khứ để chứng kiến huyền sử về công chúa Liễu Hạnh. Khán giả sẽ có cảm nhân đầy đủ hơn về hình tượng Thánh mẫu và đạo Mẫu với tinh thần tôn vinh các vị danh tướng, danh thần, nữ thần có công đức trong quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta qua những lớp diễn đầy cảm xúc của các diễn viên, vừa mang tính huyền thoại, vừa mang tính hiện thực của sân khấu. Bên cạnh đó, tác phẩm cũng mở ra góc nhìn tích cực về tín ngưỡng thờ mẫu trong văn hóa của người Việt Nam.
Diễn viên cải lương Minh Lý trong vai Giáng Tiên. |
Những cảnh nghệ thuật xiếc kịch tính. |
Sân khấu được thiết kế bởi NSƯT Doãn Bằng có yếu tố kì ảo của Thiên Đình, vừa mang sắc thái lịch sử của thời Vua Lê - Chúa Trịnh, vừa mang hơi thở của cuộc sống đương đại qua lớp người trẻ. Ngoài ra, đạo diễn đã mạnh dạn đưa một số giá hầu đồng vào vở diễn và giới thiệu để khán giả cảm nhận được không gian và các nhân vật trong Tứ Phủ một cách mềm mại và sống động. Để các lớp khán giả đều có thể thưởng thức, những bài hát Văn đã được cắt giảm bớt, đây là cách mà ekip sáng tạo và nỗ lực truyền tải được tới giới trẻ Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của Việt Nam bằng ngôn ngữ nghệ thuật.
Trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, để trình diễn được sân khấu là sự cố gắng của cả ekip và những thành viên đến từ Nhà hát Cải Lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Đạo diễn NSND Triệu Trung Kiên, Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam chia sẻ: “Do dịch phức tạp nên mọi lễ hội đều phải dừng lại, để tổ chức những đêm diễn như này là cả một sự cố gắng, nỗ lực lớn của hai Nhà hát Liên đoàn Xiếc Việt Nam và Nhà hát Cải lương Việt Nam. Đây là một tác phẩm mà chúng tôi hướng đến khán giả và mong muốn đưa nhiều yếu tố giải trí vào trong một cái câu chuyện huyền thoại, vừa truyền đạt lại những huyền tích của dân tộc, nhưng đồng thời cũng lại vừa mong muốn hấp dẫn và thu hút khán giả, đặc biệt là giới trẻ đến với sân khấu cải lương cũng như với nghệ thuật xiếc và cùng thắp lên tình yêu với lịch sử và văn hóa dân tộc”.
Vở diễn “Thượng thiên Thánh Mẫu” mang đến cho khán giả sân khấu “độc lạ” mang giá trị tinh thần cao phù hợp với thị hiếu của khán giả hiện nay. Ngoài ra vở diễn còn có sự kết nối khán giả trẻ với những tích truyện huyền thoại và giá trị truyền thống của dân tộc.
Phân đoạn hát chầu văn đậm chất dân gian. |