Sân khấu hóa Văn học: Khi lớp học hóa sân khấu và học trò thành 'diễn viên tài ba'

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Trong bối cảnh giáo dục đang đổi mới từng ngày, nhiều giáo viên đã mạnh dạn áp dụng những phương pháp giảng dạy sáng tạo để khơi gợi hứng thú và đam mê cho học sinh. Cô giáo Phạm Thị Cẩm Thùy - giáo viên Trường THPT Ngô Thì Nhậm (Thành phố Hà Nội), được học sinh ví von như là “Phù thủy văn học” khi cô đã biến bục giảng thành sân khấu nghệ thuật và học trò thành những “diễn viên tài ba”.

Hành trình gieo mầm tri thức

Với 24 năm tận tụy trên bục giảng, cô giáo Phạm Thị Cẩm Thùy luôn tâm niệm về chặng đường dài “gieo mầm tri thức” đầy vinh quang và thử thách. Với cô con đường đến với nghề được nhen nhóm từ ước mơ và lòng đam mê cháy bỏng. Nhưng cô không cho rằng chỉ dựa vào những yếu tố như thế thôi là đã đủ bởi để theo đuổi nghề nhà giáo - cái nghề cao quý này còn cần phải có sự dìu dắt bởi chữ “nhân” và tình thương học trò vô bờ bến, bằng không sẽ rất khó có thể bám trụ với công việc.

“Tôi đồng hành với nghề đến ngày hôm nay có lẽ là do duyên nghiệp, dẫu biết rằng hành trình trở thành người đi truyền thụ tri thức đầy rẫy khó khăn, trắc trở. Có những lúc tôi muốn chuyển nghề nhưng khi nghĩ đến từng giây phút quý báu được tiếp xúc với các trò thân yêu làm tâm hồn tôi luôn tươi trẻ, khiến tôi lại càng không nỡ rời xa chúng nó”, cô Thùy chia sẻ.

Sân khấu hóa Văn học: Khi lớp học hóa sân khấu và học trò thành 'diễn viên tài ba' ảnh 1

Cô giáo Phạm Thị Cẩm Thùy, giáo viên trường THPT Ngô Thì Nhậm (Thành phố Hà Nội).

Sân khấu hóa tác phẩm văn học - Hơi thở mới cho những tiết học Ngữ văn

Bước vào lớp học của cô Thùy, không chỉ choáng ngợp với không gian tràn ngập sắc màu sân khấu mà còn là bầu không khí hào hứng của học trò. Ở đây, các em được hóa thân thành những nhân vật trong tác phẩm, tự mình khám phá và trải nghiệm thế giới văn học một cách sinh động và gần gũi.

Sân khấu hóa Văn học: Khi lớp học hóa sân khấu và học trò thành 'diễn viên tài ba' ảnh 2
Cô Thùy cùng với học sinh đóng vai vào các nhân vật trong tác phẩm văn học.

Khi được hỏi về lý do áp dụng phương pháp mới này vào trong giáo án giảng dạy của mình, cô Thùy cho biết: “Tôi cảm nhận rằng học sinh thường cảm thấy nhàm chán với những bài giảng lý thuyết suông. Vì vậy, trong năm 2023 - 2024 theo định hướng đổi mới giáo dục năm 2018, tôi đã áp dụng phương pháp “Sân khấu hóa” để giúp các em tiếp thu kiến thức một cách hứng thú và hiệu quả hơn”.

Sân khấu hóa Văn học: Khi lớp học hóa sân khấu và học trò thành 'diễn viên tài ba' ảnh 3

Cô Thùy cùng với các đồng nghiệp tham gia chuyên đề: “Sân khấu hóa tác phẩm văn học Việt Nam”.

Theo cô giáo Phạm Thị Cẩm Thùy, “Sân khấu hóa” là hình thức dạy học hấp dẫn, thay vì tiếp nhận kiến thức theo lối truyền thống thì phương pháp này giúp học sinh được trải nghiệm thực tế thông qua quá trình nỗ lực nhập vai, các em được hóa thân vào nhân vật truyền thuyết, biết rung động, rung cảm về nhân vật nói riêng và về tác phẩm nói chung. Qua đó chủ động chiếm lĩnh kiến thức, đồng thời rèn luyện sự tự tin, kĩ năng làm việc nhóm, khả năng sáng tạo. Để văn học không còn là tác phẩm phải nhớ và học theo kiểu thuộc lòng.

Sân khấu hóa Văn học: Khi lớp học hóa sân khấu và học trò thành 'diễn viên tài ba' ảnh 4
Các em học sinh tham gia trình bày tác phẩm của mình trước sân khấu lớp học.

Với phương pháp này, học sinh được chia thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm sẽ lựa chọn một tác phẩm văn học yêu thích và tự mình chuyển thể thành kịch bản sân khấu. Sau đó, các em sẽ tập luyện và trình diễn tác phẩm của mình trước lớp học. Để giúp học sinh của mình hoàn thành tốt vai diễn, cô Thùy đóng vai trò như một đạo diễn tận tâm, hướng dẫn các em cách diễn xuất, phát âm, biểu đạt cảm xúc,... Cô cũng tạo điều kiện cho học sinh tự do sáng tạo, thể hiện cá tính riêng của mình trong mỗi vai diễn.

Hơn cả kiến thức

Nhờ có phương pháp giảng dạy độc đáo này, các tiết học Ngữ Văn của cô Thùy hấp dẫn như những vở kịch trên sân khấu. Học sinh được thỏa sức sáng tạo, thể hiện khả năng và tỏa sáng trên sân khấu của lớp học. Các em không chỉ học văn để đạt điểm cao, mà còn để hoàn thiện nhân cách và trở thành những con người có ích cho xã hội. Hơn thế nữa các em được rèn luyện nhiều kỹ năng quan trọng như: làm việc nhóm, giao tiếp, thuyết trình,...

Đặc biệt, phương pháp “Sân khấu hóa” đã giúp học sinh có cái nhìn mới mẻ về tác phẩm văn học, từ đó đánh thức sự say mê văn chương trong giới trẻ, góp phần nuôi dưỡng tâm hồn nghệ thuật.

Bạn Ngọc Hà, học sinh trong lớp cô Thùy, chia sẻ: “Em rất thích học Ngữ Văn với cô Thùy vì các tiết học của cô rất vui vẻ và bổ ích. Nhờ phương pháp “Sân khấu hóa”, em có thêm nhiều trải nghiệm thực tế, giờ đây trong mắt em môn Ngữ Văn không còn là bộ môn khô khan chỉ có học thuộc nữa mà thay vào đó em cảm nhận Ngữ Văn đã được trao trả lại sự màu mỡ và giàu tính nghệ thuật vốn có của nó.

Bằng một cách thần kỳ phương pháp “Sân khấu hóa” như là chất keo gắn kết tình cảm giữa cô và trò, giữa học sinh với nhau. Chính những buổi học bổ ích như này đã giúp em mở lòng hơn với môn Ngữ Văn, em không còn sợ học Ngữ Văn nữa mà em yêu thích môn học này hơn rất nhiều.”

Sân khấu hóa Văn học: Khi lớp học hóa sân khấu và học trò thành 'diễn viên tài ba' ảnh 5

Bạn Ngọc Hà tặng hoa và tri ân đến người cô kính mến của mình

Với phương pháp giảng dạy sáng tạo và đầy tâm huyết, cô giáo Phạm Thị Cẩm Thùy đã biến những giờ học Ngữ Văn thành những tiết học nghệ thuật thú vị, giúp học sinh phát triển toàn diện và có niềm đam mê với môn học.

Thành công không chỉ đến từ phương pháp

“Thành công trong phương pháp giảng dạy mới là thành tích đáng tự hào nhất ư? Tôi nghĩ là chưa, vì tôi vẫn đang tiếp tục sự nghiệp trồng người. Câu hỏi này chỉ có thể trả lời khi tôi nhận quyết định về hưu”. Cô giáo Phạm Thị Cẩm Thùy chia sẻ với một nụ cười ấm áp. Có lẽ đối với cô điều mà cô tự hào nhất chính là sự nghiệp trồng người của mình. Mỗi học trò trưởng thành, mỗi ánh mắt sáng ngời đều là niềm tự hào và động lực to lớn để cô tiếp tục cống hiến.

Sân khấu hóa Văn học: Khi lớp học hóa sân khấu và học trò thành 'diễn viên tài ba' ảnh 6

Cô Thùy xuất sắc được trao thưởng và cấp giấy chứng nhận giáo viên luyện thi học sinh giỏi cấp thành phố.

Cô cho rằng thành công không chỉ đến từ phương pháp giảng dạy độc đáo mà còn đến từ sự tâm huyết và nhiệt tình của cô dành cho học sinh. Cô luôn dành thời gian để tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của từng học sinh và giúp đỡ các em vượt qua khó khăn. Với phương châm “Tình yêu thương và lòng nhân ái là chìa khóa giáo dục nhân cách”, cô Thùy luôn dành cho học trò sự quan tâm, thấu hiểu và niềm tin tưởng. Cô luôn ý thức được vai trò, trách nhiệm cũng như những yêu cầu về đạo đức nghề nghiệp của một người giáo viên.

Sân khấu hóa Văn học: Khi lớp học hóa sân khấu và học trò thành 'diễn viên tài ba' ảnh 7

Cô Thùy và những khoảnh khắc gần gũi bên các học trò cưng của mình.

Cô cho biết ngoài kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì một điều quan trọng nhất mà một giáo viên phải có đó chính là tình yêu thương và lòng nhân ái. Để giáo dục nhân cách tốt cho học sinh thì người giáo viên cũng phải có đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, trung thực, bác ái. Từng cử chỉ, từng lời nói, thái độ, cách ứng xử với đồng nghiệp, với phụ huynh đặc biệt là với học sinh phải chuẩn mực. Trong xã hội ngày nay đòi hỏi người giáo viên phải trang bị cho học sinh những kỹ năng sống và truyền lửa được cho nhiều thế hệ học trò sự nhiệt huyết, sự đam mê để các em biết ước mơ và làm sao để biến ước mơ đó thành hiện thực.

Sân khấu hóa Văn học: Khi lớp học hóa sân khấu và học trò thành 'diễn viên tài ba' ảnh 8

Cô Thùy với những đồng nghiệp của mình.

(Ảnh: NVCC)

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm