Giáo dục giới tính nên là kỹ năng sống
Trước đây, giáo dục giới tính là vấn đề ít được quan tâm ở Việt Nam, chỉ đến những năm đầu thế kỉ 21, vấn đề này mới được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên giáo dục giới tính vẫn chưa thực sự được phổ biến rộng rãi, điển hình khi liên tục các sự việc đáng tiếc xảy ra như bé gái sinh con ở Phú Thọ khi mới 11 tuổi, hay 1 nữ sinh lớp 7 ở Bắc Giang tự sinh con trong nhà tắm mà không ai biết kể cả bố mẹ,… được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội gần đây cho thấy "lỗ hổng" về giáo dục giới tính.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc giáo dục giới tính (GDGT) trong thế hệ trẻ, chị Hà Phạm, hiện đang sinh sống tại Anh, là Thạc sĩ nghiên cứu chuyên sâu về GDGT, đã quyết định xây dựng fanpage She Talks để tạo ra con đường "ngắn nhất" tiếp cận với thế hệ trẻ trong thời đại số với mục đích chia sẻ những thông tin đúng đắn về GDGT dưới góc nhìn khoa học.
Chị Hà Phạm, hiện đang sinh sống tại Anh, là Thạc sĩ nghiên cứu chuyên sâu về Giáo dục Giới tính. |
Chị Hà chia sẻ: “Có thể nói, page She Talks là thành quả của những năm tháng đam mê tìm hiểu GDGT ở nước ngoài của chị. Khi còn là sinh viên đại học, mình có một người bạn không may mang thai ngoài ý muốn, gia đình đã "ép" bạn ấy phải phá thai vì cho rằng có bầu trước hôn nhân là không đúng đắn.
Rồi sau đó mình lại gặp một sự việc đáng tiếc khác, khi một cô bé chưa đủ 18 tuổi gặp điều tương tự và gia đình loay hoay không biết phải làm gì vì bỏ thai thì không nỡ, nhưng cũng chưa thể cho cưới vì chưa đủ tuổi.
Những sự việc đó khiến mình suy nghĩ, bắt đầu đặt nhiều câu hỏi liên quan đến GDGT, mình nhận ra mình không hiểu, không biết gì về nó cả, ngay cả những tiết học liên quan trên trường, mình và các bạn cũng được dạy rất ít về khía cạnh này.
Mình nhận thấy đây là vấn đề quan trọng, nên tìm hiểu càng sớm càng tốt, vì thế mình quyết định tìm tòi, nghiên cứu về nó. Sau đó mình thấy rằng rất nhiều thông tin được đăng tải trên mạng là sai sự thật, thậm chí “phản khoa học”. Điều ấy thôi thúc mình phải nói ra những thông tin đúng đắn nhất về GDGT mà mình đã tâm huyết nghiên cứu, bởi GDGT không chỉ là kiến thức cần có mà nên là một kỹ năng sống!”.
Giáo dục giới tính không chỉ là kiến thức cần có mà nên là một kỹ năng sống. |
“Các bạn thể hiện tiếng nói bản thân, hơn cả là có thể nói thật to rằng, các bạn cũng rất thích nội dung về Giáo dục Giới tính!”
Hiện fanpage She Talks đã hoạt động được gần 3 năm và đang sở hữu hơn 150 nghìn lượt theo dõi. Bên cạnh đó, She Talks còn có mặt trên các nền tảng khác như Tiktok, Instagram, Podcast, Youtube với hàng triệu lượt xem.
Với cách truyền tải các kiến thức về GDGT thú vị, ngắn gọn và dễ hiểu thông qua các video hoạt hình ngắn mang màu sắc dễ thương, nhẹ nhàng, She Talks được đông đảo các bạn trẻ đón nhận mà không "ngại ngùng": “Trong quá trình học thạc sĩ, mình đã tìm hiểu rất nhiều nghiên cứu về GDGT với các vấn đề đặt ra như "Tại sao các chương trình GDGT hiện tại lại không hiệu quả?"; "Có cách nào đưa GDGT đến gần các bạn trẻ hơn?".
Và dựa trên các kết quả nghiên cứu ấy mình đã rút ra được một vài bài học cho bản thân, nên khi bắt đầu định hình phong cách của She Talks mình đã hướng đến những điều dễ thương, gần gũi, truyền tải nội dung qua các video hoạt hình ngắn 1 phút với tông màu chủ đạo là hồng và tím, kèm nhạc vui vẻ và chữ chạy đều trong video. Bởi cần làm sao để khi tiếp cận các bạn trẻ sẽ tiếp nhận một cách thoải mái, tự nhiên mà không thấy "ngại", do khía cạnh này vốn "khó" để quan tâm tìm hiểu”.
Fanpage She Talks đã hoạt động được gần 3 năm và đang sở hữu hơn 150 nghìn lượt theo dõi |
Chị Hà cho biết việc phát triển các video hoạt hình ngắn, không có tiếng chỉ có chữ chạy trong video cùng âm nhạc vui vẻ chính là một trong những bước đầu dễ gần để đồng hành với khán giả vẫn còn ngần ngại khi tìm hiểu về GDGT.
Bởi thông thường, một video về GDGT có thể sẽ có những dòng chữ cảnh báo vui như "Hãy đeo tai nghe khi xem video này", điều ấy khiến tâm lý các bạn có một sự dè dặt nhất định và ngại xem. Dù vốn dĩ việc tìm hiểu về GDGT nên là một hành vi văn minh và bình thường.
Vì thế khi nắm bắt được tâm lý đó, She Talks bắt đầu bằng những video hoạt hình nhẹ nhàng nhất, chờ đợi sự chuyển giao từ "ngại", sợ mọi người đánh giá sang "yêu" và sẵn sàng trở thành sứ giả lan toả những kiến thức này.
‘Hãy đeo tai nghe khi xem video này’. |
Cách tiếp cận nhẹ nhàng, duyên dáng này đã cho thấy sự đúng đắn, hợp lý khi nhiều bạn trẻ bắt đầu quan tâm, theo dõi She Talks nhiều hơn và nhận được các phản hồi rất tích cực khi truyền tải vấn đề vốn "nhạy cảm" này.
Chị Hà chia sẻ: “Mình cảm thấy rất vui khi đọc được những lời tâm sự, lời chia sẻ của khán giả trên fanpage She Talks, thậm chí có những bạn đã gửi mail cho mình chỉ để nói rằng rất thích nội dung về GDGT mình đang làm với phong cách truyền tải gần gũi, đáng yêu.
She Talks đã giúp cung cấp những kiến thức về GDGT mà các bạn hoàn toàn không biết và không hiểu là rất cần thiết cho bản thân. Đặc biệt các thông tin GDGT tại She Talks đều đã được kiểm chứng khoa học nên các bạn rất yên tâm tìm hiểu. Có những bạn còn chia sẻ là đã xem hết tất tần tật các video trên page She Talks, xem ngày xem đêm không bỏ sót "em hoạt hình" nào, bởi chưa bao giờ tìm hiểu về GDGT lại thấy "cuốn" đến thế, vừa giải trí lại bổ ích.
Việc theo dõi thường xuyên She Talks cũng giúp các bạn thay đổi trở nên tự tin hơn, không còn quá ngại ngùng hay sợ ánh mắt người khác khi tìm hiểu về một số vấn đề liên quan đến GDGT như biện pháp tránh thai, chăm sóc cơ thể tuổi dậy thì,... Các bạn thể hiện tiếng nói bản thân, hơn cả là có thể nói thật to rằng, các bạn cũng rất thích nội dung về GDGT!”.
Một số bài đăng về nội dung Giáo dục Giới tính đăng trên page She Talks. |
Hiểu đúng GDGT giúp tôn trọng bản thân và mọi người
“Lớn lên rồi sẽ biết!” câu nói quen thuộc đã vô tình tạo nên sự định kiến không tưởng về GDGT. Và câu nói này được tiếp nối từ thế hệ này đến thế hệ khác với thái độ ái ngại khi nghe con cái hỏi các vấn đề liên quan đến GDGT, từ đó hình thành sâu trong tiềm thức rằng đây là chủ đề khó nói và không nên tìm hiểu.
Chị Hà chia sẻ: “Không chỉ Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới GDGT vẫn bị xem là một vấn đề nhạy cảm, khó nói, khó chia sẻ, thậm chí còn gây tranh cãi. Một trong những nguyên nhân lớn tác động đến hệ quả này, đó chính là gia đình - môi trường sống đầu tiên của tất cả mọi người.
Sở dĩ kiến thức về GDGT bị "định kiến" bởi có thể chính người lớn cũng không hiểu chính xác về GDGT nên khi con cái hỏi, họ sẽ né tránh hoặc thể hiện thái độ không thoải mái khi được thắc mắc về vấn đề giới tính, tình dục khiến con cái hiểu rằng đây là điều cấm kỵ và đáng xấu hổ.
Nhưng khi lớn lên, tâm sinh lý có nhiều thay đổi khiến các bạn trẻ tò mò, muốn tìm hiểu từ nhiều nguồn khác khi không thể học từ phía gia đình và nhà trường, bao gồm internet, tạp chí, bạn bè,... Nhưng việc thiếu kiến thức và có cách tiếp cận sai lệch có thể dẫn tới những ảnh hưởng nghiêm trọng và lâu dài!”.
Hiểu đúng GDGT giúp tôn trọng bản thân và mọi người. |
“Vì thế, việc tìm hiểu GDGT từ sớm và đúng đắn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích. Trước hết là về mặt Giới tính - Tình dục, việc hiểu đúng về GDGT sẽ giúp mọi người hiểu cơ thể của mình hơn, từ đó biết bảo vệ giá trị của bản thân, một ví dụ điển hình chính là “màng trinh”, theo khoa học màng trinh không có tác dụng gì trong cơ thể. Do đó nếu có kiến thức đúng đắn về GDGT sẽ không còn sự hoang mang khi bị đánh giá về vấn đề mang tính định kiến như trinh tiết, bởi vốn dĩ không nên có khái niệm trinh tiết.
Tiếp đến là các khía cạnh khác trong cuộc sống như gia đình, xã hội,... nắm rõ về GDGT giúp quá trình trưởng thành được phát triển trên nền tảng tôn trọng bản thân và tôn trọng giá trị của người khác, giúp xây dựng những mối quan hệ lành mạnh, không "toxic".
GDGT vốn nên là kỹ năng cơ bản cần có, vừa quan trọng nhưng cũng đơn giản và dễ hiểu như thói quen hàng ngày. Mong rằng mọi người sẽ mở lòng để nhìn thoáng vấn đề này và tiếp nhận năng lượng GDGT nhẹ nhàng từ She Talks mang lại!” - Đó cũng là thông điệp mà chị Hà muốn nhắn gửi đến tất cả mọi người.