Shirmpp - nhóm sinh viên vét bùn nhà máy chế biến tôm làm phân bón

0:00 / 0:00
0:00
Shirmpp - nhóm sinh viên vét bùn nhà máy chế biến tôm làm phân bón
SVVN - Vài tháng qua, nhiều nông dân tại Đồng Nai, ĐBSCL bắt đầu biết đến một loại phân bón sinh học Bio-MS1, đây là thành quả từ nghiên cứu chế phẩm sinh học của nhóm Shirmpp gồm các sinh viên ĐH Đà Nẵng, đã được thương mại hóa.

Nhóm Shirmpp từ ĐH Đà Nẵng xuất sắc đạt giải Quán quân cuộc thi "Tìm kiếm ý tưởng kinh doanh mới" do Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tại Việt Nam (GBA) và Cơ quan Trao đổi Hàn lâm Đức (DAAD) tổ chức với giải pháp xử lý phế phẩm và bùn thải.

Nhóm Shirmpp quy tụ các sinh viên từ các trường ĐH Kinh tế và ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), gồm: Nguyễn Phước Vĩnh An, Đinh Gia Anh Minh, Nguyễn Châu Giang và Phan Phước Thanh Thuận đã nghiên cứu, phát triển ý tưởng kinh doanh sáng tạo “Chế phẩm Bio-Pro xử lý phụ phẩm công nghiệp sản xuất tôm”.

Trưởng nhóm Nguyễn Phước Vĩnh An (năm cuối, Chương trình liên kết quốc tế, ĐH Coventry (Anh) tại trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng) cho biết: “Slogan của nhóm là “vấn đề của các bạn, giải pháp của chúng tôi”. Việt Nam có ngành công nghiệp chế biến tôm phát triển, với hơn 200 nhà máy khắp cả nước. Ngay cả trong đại dịch COVID-19, ngành này vẫn tăng trưởng 15%. Mỗi năm có khoảng 380.000 tấn phụ phẩm thải ra trong quá trình chế biến tôm từ các nhà máy, kèm theo đó là hơn 30 triệu tấn nước thải, gây ô nhiễm nghiêm trọng. Ngay tại Đà Nẵng, chỉ cần đi ngang cảng cá Thọ Quang có thể cảm nhận mùi hôi từ nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp từ các nhà máy chế biến. Mục tiêu trong dự án của nhóm là tìm thêm một giải pháp ứng dụng trong ngành chế biến thủy hải sản và sản xuất phân vi sinh”.

Shirmpp - nhóm sinh viên vét bùn nhà máy chế biến tôm làm phân bón ảnh 1

Nhóm Shirmpp giành giải nhất GBA 2021. Ảnh: GBA

Mô hình mà nhóm định hướng là là sử dụng phế phẩm và bùn thải từ nhà máy để phối trộn với Bio-Pro tạo ra phân bón Bio-Pos. 10% doanh thu của mô hình sẽ được chuyển lại cho các nhà máy đã cho phép sử dụng phụ phẩm.

“Qua rất nhiều lần thí nghiệm, nhóm rất may mắn vì đã tìm ra được một chủng sinh vật đặc hiệu. Sản phẩm của nhóm gồm chế phẩm sinh học đặc hiệu Bio-Pro, tận dụng phế phụ phẩm cùng bùn thải trong quá trình chế biến tôm để tạo ra phân bón hữu cơ Bio-Pos. Đây là loại phân bón sinh học thân thiện với môi trường và có thể giúp tăng hương liệu cho các loại cây cà phê, hồ tiêu, tỏi, ớt”, An cho biết thêm.

Shrimpp là nhóm kết hợp giữa sinh viên hai trường ĐH Kinh tế và ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) để cùng nghiên cứu. Theo Vĩnh An, trong quá trình chuẩn bị, cả nhóm không ít trở ngại để cùng phối hợp giữa hai nhóm để hoàn thiện hồ sơ dự án do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Là dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ sinh học, vấn đề bảo vệ thông tin để tiếp tục hoàn thiện, phát triển dự án, lập kế hoạch, mô hình sản xuất, kinh doanh để thương mại hóa, đưa sản phẩm tiếp cận thị trường được nhóm quan tâm đặc biệt”, Vĩnh An cho biết.

Đóng vai trò quan trọng trong nhóm nhiên cứu này là Phan Phước Thanh Thuận, cựu sinh viên Khoa Sinh-Môi trường, trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), cũng là sáng lập của Vietnam Green Agriculture (VGA) để cả nhóm khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Thuận đã nghiên cứu từ cách xử lý phân chim cút, là loại phân luôn thải ra môi trường mỗi ngày một lượng khổng lồ nhưng chưa có sản phẩm đặc trị xử lý, luôn gây mùi khủng ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe.

Shirmpp - nhóm sinh viên vét bùn nhà máy chế biến tôm làm phân bón ảnh 2

Sản phẩm từ chế phẩm sinh học của nhóm đã được sản xuất và thương mại hóa.

Thuận nghiên cứu và tìm thấy một loại vi khuẩn là Bacillus licheniformis TT01 đã được công bố trên tạp chí của Nga, có tác dụng hạn chế mùi hôi, khử khuẩn phân chim Cút. Từ đó, Thuận và cả nhóm tiến hành nghiên cứu sâu hơn để cho ra loại phân hữu cơ có tên BIO-MS1 từ phối hợp với các chế phẩm sinh học của nhóm sản xuất. Loại phân thành phẩm này giải quyết đáng kể mùi hôi từ loại phân chim cút.

“Khi nhóm ra mắt phân bón Bio-MS1, rất nhiều nông dân tại Đồng Nai và các tỉnh miền Tây đã đặt mua và cho thấy những phản hồi tích cực”, Vĩnh An cho biết. Dự án của nhóm từng giành giải Nhì cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo Start-up Runway 2021 do trường ĐH Kinh tế tổ chức và được Thành Đoàn, Hội Sinh viên TP Đà Nẵng đưa vào nhóm 6 dự án khởi nghiệp của sinh viên được hỗ trợ vốn thông qua kết nối với các nhà đầu tư.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Tình yêu môi trường xóa tan những nỗi sợ, thúc đẩy bạn trở thành ‘chiến binh’

Tình yêu môi trường xóa tan những nỗi sợ, thúc đẩy bạn trở thành ‘chiến binh’

SVVN - Phạm Khắc Tùng hiện đang theo học hệ đào tạo từ xa ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bằng ước mong cống hiến cho môi trường, Khắc Tùng đã tham gia Hà Nội Xanh, nhóm tình nguyện độc lập được thành lập vào tháng 12 năm 2022, bởi anh Nguyễn Tiến Huy cùng các bạn trẻ khác với mục tiêu bảo vệ môi trường tại Hà Nội. Sau thời gian hoạt động và cống hiến với tất cả trách nhiệm và cái tâm chân thành, hiện tại, anh là Trưởng Ban Sự kiện tại Hà Nội Xanh.