Kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2023 sẽ diễn ra từ ngày 27/6 đến hết ngày 30/6. Ảnh: Lê Vượng. |
TS. Đặng Hoàng Ngân là chuyên gia tâm lý học phát triển trẻ em và thanh thiếu niên, cô là thủ khoa tốt nghiệp ngành Tâm lý học của trường ĐH KHXH&NV – Đại học Quốc Gia Hà Nội. |
Thưa chuyên gia, nhiều sĩ tử lo lắng, hồi hộp, áp lực và thậm chí có biểu hiện “sợ” dẫn tới mất ngủ, khó ăn… Chuyên gia có thể lý giải và đưa ra lời khuyên dành cho các sĩ tử? Làm thế nào để có tâm lý ổn định và tinh thần khoẻ mạnh?
TS. Đặng Hoàng Ngân: Một chút hồi hộp, lo lắng là cảm xúc tự nhiên khi các sĩ tử sắp thực hiện kỳ thi đánh dấu quá trình đèn sách 12 năm. Khi kỳ vọng nhiều vào bản thân, ta dễ xuất hiện những cảm xúc như vậy. Các bạn hãy đón nhận những cảm xúc bình thường ấy và tập trung vào những hoạt động cần thiết cho mình để đảm bảo tinh thần khỏe mạnh như: ăn ngủ điều độ; đảm bảo thời gian giải trí; vận động nhẹ hoặc chơi thể thao; trò chuyện cùng những người trao cho mình cảm giác tin cậy, chia sẻ; ôn tập khi cần.
Với những bạn có thói quen chuẩn bị vô cùng kĩ cho các kỳ thi, thì cảm giác căng thẳng hơn bình thường một chút cũng chưa phải là biểu hiện đáng lo ngại. Miễn là các bạn ăn uống đầy đủ, ngủ khi cơ thể cần và tự có kế hoạch “ngủ bù”, “nghỉ bù”, “chơi bù” hợp lý sau kỳ thi.
Nếu có những biểu hiện sợ dẫn tới mất ngủ, khó ăn thì nên quan sát các ý nghĩ trong tâm trí mình. Vì để ảnh hưởng đến cơ thể đến mức như vậy, thì thường là các ý nghĩ tự đánh giá và tiên đoán khắc nghiệt với bản thân. Chẳng hạn như “Nhỡ mình quên sạch khi vào phòng thi thì sao?”, “Nếu đề rơi trúng vào phần mình học không tốt thì sao?”, “Bố mẹ sẽ thất vọng vì mình lắm”, “Không đỗ trường mình thích thì mình sẽ xấu hổ lắm”,… Khi những ý nghĩ này xuất hiện, các bạn hãy thử làm thế này: Hít thở chậm rãi cho đến khi cảm thấy cơ thể và cảm xúc lắng lại; Tự nhắc với mình: “Đó chỉ là suy nghĩ mà thôi. Hãy ôn tập những gì mình có thể. Có nhiều cơ hội phía trước dành cho mình, mình sẽ tìm ra thôi”.
Trong thời gian chờ đề hoặc trong lúc thi, nhiều em bị căng thẳng, hồi hộp quá mức, chuyên gia có gợi ý những tips nào giúp các sĩ tử khắc phục nhanh chóng không?
TS. Đặng Hoàng Ngân: Các em có thể làm như sau:
- Hít thở chậm rãi cho đến khi cơ thể và tâm trí bình ổn lại. Tự nhắn nhủ với mình: “Mình đang hồi hộp trước kỳ thi. Không sao đâu. Mình sẽ quen dần với không khí phòng thi thôi”.
- Hình dung về khuôn mặt một người mình tin cậy, đón nhận và lắng nghe mình – người thường biết cách vỗ về mình khi sợ hãi.
- Hình dung về nhóm bạn thân và cách các bạn và mình sẽ vui đùa cùng nhau mùa hè này.
- Nếu những gợi ý trên đều không làm dịu được tâm trạng hồi hộp, hãy nói với giám thị phòng thi và nhờ sự trợ giúp. Bạn đừng ngại, vì giám thị không chỉ là người coi thi mà thường cũng là những thầy cô đang rất mong các sĩ tử có tâm trạng tốt nhất để làm bài. Họ sẽ hỗ trợ bạn trong khả năng được phép, hoặc sẽ thông báo với hội đồng thi để bạn được chăm sóc y tế một chút. (Chăm sóc y tế bao gồm cả sơ cứu tinh thần).
- Có một kỹ thuật giúp ứng phó với cơn lo âu, hoảng loạn, kể cả đến mức không tự bình ổn được bằng hơi thở chậm rãi. Đó là bạn tự ôm lấy mình, hay tay tự vòng qua vai. Ôm thật chặt. Một lúc sau, bạn sẽ lấy lại được hơi thở chậm rãi và bình ổn cảm xúc hơn.
- Nếu cơn lo âu, hoảng loạn cao độ đến với sĩ tử khi có phụ huynh, người thân ở cạnh, kỹ thuật “chiếc ôm thật chặt” có thể nên áp dụng để hỗ trợ khẩn cấp cho sĩ tử.
Phụ huynh cần làm gì và tránh làm gì trong những ngày diễn ra hoạt động thi cử?
TS. Đặng Hoàng Ngân: Phụ huynh cũng là những người rất vất vả trong kỳ thi. Nhiều phụ huynh chờ con đi thi, mà lòng cũng hồi hộp như đang đứng trước sự kiện lớn. Các bố mẹ và người thân của sĩ tử cũng cần tự chăm sóc sức khỏe thể chất và tinh thần cho mình trong kỳ thi. Mình khỏe khoắn, tâm trạng tích cực thì bầu không khí gia đình mới thoải mái được.
Phụ huynh cũng là những người rất vất vả trong kỳ thi. Ảnh: Lê Vượng. |
Trong tương tác với sĩ tử, phụ huynh nên và tránh những điều như sau:
Nên làm:
- Những hoạt động bình thường giúp gia đình thoải mái.
- Hỏi thăm và nói những lời chúc giản dị như: “Con ngủ ngon nhé”; “Tối qua con ngủ ngon không?”; “Hôm nay thích ăn món gì nào?”; “Chúc con bình tĩnh thể hiện hiểu biết của mình”; “Xong buổi thi đầu tiên rồi, con vất vả rồi, nỗ lực tiếp nhé”;…
- Nhận diện cảm xúc của con. Khi thấy có sự căng thẳng hoặc nét buồn rầu, hãy hỏi và lắng nghe: “Hình như con đang lo điều gì à, kể cho bố mẹ nghe được không?”. Nhiều khi con cái cần cha mẹ nghe điều mình nói, chứ không tìm kiếm lời khuyên (nếu con không hỏi), sự lắng nghe của cha mẹ lúc ấy đã thật ấm áp rồi.
- Chủ động hỏi xem con cần mình giúp gì không.
Nên tránh:
- Đặt nhiều kỳ vọng lên con, chẳng hạn: “Mang điểm 10 về nhé!” (Có những học sinh hào hứng với lời cổ vũ đó, nhưng có những bạn chỉ đang tỏ ra hào hứng bên ngoài, còn trong lòng rất áp lực). Chúc con thể hiện được bản thân mình là lời chúc vừa đủ rồi.
- Kể với con chuyện bạn hàng xóm, bạn người quen thi như thế nào, chắc chân tuyển thẳng ra sao. Không đứa trẻ nào muốn bị so sánh trong thời khắc quan trọng với mình cả.
- Đối chiếu đáp án, ước lượng điểm bài làm của con, nếu con không chủ động nhờ phụ huynh làm vậy. Sự sát sao ấy có thể làm con áp lực và cảm thấy mình như một đứa trẻ với đầy khả năng năng thất bại. Phụ huynh đặt câu hỏi mở: “Hôm nay con thi thế nào?”, để con được nói về việc thi lẫn tâm trạng. Nếu con kể rất chi tiết về bài làm, hãy chỉ lắng nghe và nói với con rằng mình tin tưởng ở con.
Trong khi thi, các thí sinh thường bị tác động tâm lý khi có một môn làm bài không như ý, ảnh hưởng tới các môn còn lại? Tiến sĩ có lời khuyên nào cho các sĩ tử gặp trường hợp này?
TS. Đặng Hoàng Ngân: Khi đã có một môn làm bài không như ý, sĩ tử đừng để nỗi sợ không đạt được mục tiêu lớn là tổng số điểm làm mình chùn bước. Hãy ưu tiên mục tiêu nhỏ, đó là bài thi tiếp theo. Hãy tập trung vào mục tiêu nhỏ này để tránh các suy nghĩ chất vấn bản thân vì sơ suất trong bài thi trước.
Bên cạnh đó, các sĩ tử nên nhìn một bức tranh rộng hơn: Đó chỉ là một bài thi không như ý. Mình đang có nhiều cơ hội học tập với các nguyện vọng phía trước. Hơn nữa, “sự nghiệp” học tập luôn có thể thay đổi bắt đầu từ một tinh thần khỏe khoắn và nỗ lực ngay giây phút hiện tại.
Cảm ơn TS. Đặng Hoàng Ngân!