Nhóm sinh viên gồm 5 bạn: Lê Huỳnh Đức (khoa Cơ khí), Trần Ngọc Phụng và Ngô Hoàng Bảo Trân (khoa Kỹ thuật Hóa học), Phan Quốc Trung (khoa Môi trường và Tài nguyên) và Phạm Thị Khánh Vân (khoa Kỹ thuật Xây dựng) thuộc CLB Khởi nghiệp Xanh Bách Khoa với sự hướng dẫn của TS Võ Thanh Hằng (giảng viên khoa Môi trường và Tài nguyên, Chủ nhiệm CLB Khởi nghiệp Xanh Bách khoa) và TS Phan Thị Mai Hà (giảng viên Khoa Cơ khí) đã nghiên cứu và chế tạo thành công Máy sấy nhà kính thông minh năng lượng Mặt Trời nhằm phục vụ cộng đồng.
Dự án đã vinh dự nhận được giải 3 cuộc thi Dự án kỹ thuật phục vụ cộng đồng (triển khai bởi ĐH Bang Arizona và STEM của Dow Việt Nam thuộc chương trình EPICS), hiện dự án lọt vào vòng chung kết cuộc thi khởi nghiệp “Bach Khoa Innovation 2021” và top 10 dự án được yêu thích nhất tại cuộc thi Sinh viên với Quyền sở hữu trí tuệ (do ĐHQG TP. HCM và Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức), dự kiến vòng chung kết sẽ diễn ra vào tháng 9/2021.
Nhóm tác giả và giảng viên hướng dẫn tại Chương trình EPICS . |
Chương trình Engineering Projects in Community Service – EPICS, là chương trình khởi nghiệp xã hội cấp quốc gia. Trong EPICS, sinh viên sẽ hợp tác với một tổ chức cộng đồng để thiết kế, xây dựng và triển khai các hệ thống giải quyết các vấn đề xã hội dựa trên nền tảng kỹ thuật. Chương trình này hướng dẫn các đội tham gia về quy trình đổi mới thiết kế, quản lý nhóm, kiểm tra và trình bày bằng tiếng Anh. Các dự án EPICS mở rộng tìm kiếm giải pháp chăm sóc sức khỏe con người, nghiên cứu năng lượng bền vững… Đây là chương trình bổ ích và mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc.
Dự án xuất phát từ trăn trở của Phan Quốc Trung, gia đình làm nghề kinh doanh mực một nắng với phương pháp sấy thủ công là phơi nắng. Nhận thấy phương pháp phơi nắng thường gặp các vấn đề như: Không đạt vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm từng mẻ không đồng đều, phụ thuộc nhiều vào thời tiết và tốn kém nhân công thực hiện. Từ đó chất lượng sản phẩm không đảm bảo nên gia đình Trung đã dừng việc kinh doanh này. Suy nghĩ từ câu chuyện kinh doanh của gia đình, Trung cùng các bạn lên ý tưởng sáng tạo ra một máy sấy thông minh nhằm khắc phục những nhược điểm đó.
Mô hình hệ thống sấy thông minh sử dụng năng lượng mặt trời của sinh viên ĐH Bách khoa TP. HCM. |
Máy sấy nhà kính năng lượng mặt trời thông minh có tác dụng nâng cao chất lượng thành phẩm sau công đoạn sấy của các sản phẩm chế biến nông - thủy sản. Để có thể đảm bảo chất lượng thành phẩm sấy, máy được tích hợp với 4 tính năng chính: Sấy trục xoay, khử vi sinh, giám sát và điều khiển từ xa, phân tích dữ liệu và dự báo.
Máy cấu tạo gồm ba bộ phận chính là buồng sấy, hệ thống quạt đối lưu và hệ thống điều khiển. Buồng sấy được thiết kế với vật liệu là tấm polycarbonate để có thể tạo hiệu ứng nhà kính, giúp hấp thụ ánh nắng và duy trì nhiệt độ trong buồng. Hệ thống quạt đối lưu giúp đưa hơi nước từ vật liệu sấy (cá, mực, trái cây…) ra khỏi buồng và tạo nhiệt độ đồng đều trong buồng sấy. Hệ thống điều khiển gồm các cảm biến để đo nhiệt độ, độ ẩm và vi điều khiển để điều khiển lưu lượng quạt cho hợp lý. Ngoài ra, vi điều khiển còn có thể tải dữ liệu các mẻ sấy lên hệ thống cơ sở dữ liệu và người dùng sẽ thông qua app để điều khiển, giám sát hệ thống từ xa.
Chứng nhận đoạt giải của nhóm. |
Sau khi làm thí nghiệm trên các sản phẩm như cá khoai, chuối, ớt, hành tây, cà rốt, nhóm đã đưa ra được 3 ưu thế vượt trội của máy so với các phương pháp sấy khác là: Tăng năng suất 2 lần so với sấy tự nhiên; giảm 30% thời gian sấy; tiết kiệm 80% chi phí so với sấy than hoặc sấy điện.
Đến nay, nhóm đã có máy hoàn chỉnh và đang được nghiên cứu, cải tiến thêm để trở thành một hệ thống không dây tiện lợi hơn, sử dụng được bất kỳ đâu mà không cần nguồn điện.
Trong tương lai, nhóm đang nghiên cứu và phát triển để trở thành một hệ thống không dây, có thể sử dụng được bất kì đâu mà không cần nguồn điện. Ngoài ra, máy sẽ được tích hợp thêm tấm pin năng lượng mặt trời và buồng khí đốt biomass để cung cấp thêm năng lượng cho quá trình sấy trong điều kiện thời tiết không thuận lợi hoặc sử dụng vào ban đêm.
Sáng tạo của sinh viên ĐH Bách khoa TP. HCM được đánh giá cao về đóng góp cho cộng đồng. |
Trong thời gian tới, nhóm sẽ hoàn thiện thiết kế của máy và đăng ký sáng chế - giải pháp hữu ích để bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
TS Võ Thanh Hằng cho biết: “Hiện các thành viên trong nhóm đang thiết kế hoàn thiện app ứng dụng tốt nhất, thuận tiện cho người sử dụng, nâng cao hiệu suất sử dụng của máy sấy. Không chỉ dừng lại ở các cuộc thi, nhóm sinh viên đang cùng với các giảng viên trong trường phát triển nghiên cứu cơ bản này thành những sản phẩm có thể đem lại giá trị cho cộng đồng”.