GS. TS Đinh Thị Mai Thanh - Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH) tặng hoa cảm ơn các đơn vị đồng tổ chức và các diễn giả. |
Diễn giả của toạ đàm hướng nghiệp Trường học hay Trường đời số thứ 2 là nhà báo Nguyễn Tuấn Anh – Trưởng ban Sinh viên, báo Tiền Phong; ThS Vũ Anh Đức – Giám đốc Đào tạo Hệ thống Đào tạo Thiết kế, Kỹ xảo 3D & Game - Arena Multimedia và ThS Doãn Thị Thảo Linh – Chuyên gia tại USAID Learns, cựu sinh viên Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội (USTH).
Đại diện Báo Tiền Phong và Hệ thống Đào tạo Thiết kế, Kỹ xảo 3D & Game - Arena Multimedia trao tặng 100 cuốn sách "Trường học hay Trường đời" bản in năm 2024 cho Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. |
Tham dự chương trình, về phía Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội có GS. TS Đinh Thị Mai Thanh - Hiệu trưởng nhà trường; PGS. TS Trần Đình Phong - Phó Hiệu trưởng; ThS Phạm Thị Thanh Nga - Trưởng Phòng CTSV USTH; ThS Tô Minh Phương - Trưởng Phòng Marketing truyền thông và Quản trị thương hiệu; anh Vương Ngọc Duy - Chủ tịch Hội Sinh viên.
Hệ thống Đào tạo Thiết kế, Kỹ xảo 3D & Game - Arena Multimedia trao tặng 2 suất học bổng, mỗi suất 50 triệu đồng cho sinh viên USTH. |
Về phía Hệ thống Đào tạo Thiết kế, Kỹ xảo 3D & Game - Arena Multimedia có sự tham dự của ông Lê Hồng Hải - Hiệu trưởng; ông Trần Nguyễn Lâm Thành - Giám đốc Marketing.
GS. TS Đinh Thị Mai Thanh phát biểu khuyến khích các tân sinh viên chủ động tìm hiểu các vấn đề của 'Trường đời' để chuẩn bị kỹ cho ngưỡng cửa tự lập. |
Tại chương trình, 3 diễn giả đã cùng trao đổi và giải đáp nhiều câu hỏi, thắc mắc của các tân sinh viên về kỹ năng sống, kỹ năng học tập: tư duy xử lý vấn đề; du học và làm việc tại nước ngoài; đối diện với môn học mình không thích; làm trái ngành có đáng lo ngại; chuẩn bị gì cho ngưỡng cửa tự lập...
Hàng trăm sinh viên tham dự toạ đàm hướng nghiệp “Trường học hay Trường đời" số thứ 2. |
Tư duy linh hoạt
Chia sẻ tại toạ đàm, ThS Doãn Thị Thảo Linh cho rằng ngoài kiến thức chuyên môn, các bạn sinh viên cần nhiều kỹ năng để xây dựng và phát triển sự nghiệp. Chị Thảo Linh đã giới thiệu với sinh viên USTH khái niệm "Tư duy linh hoạt - Agile Mindset" giúp các bạn xử lý hiệu quả tình huống trong công việc, dễ dàng thích nghi với sự thay đổi của cuộc sống.
ThS Doãn Thị Thảo Linh: "Sự học của chúng ta không dừng lại vì sau trường học sẽ là trường đời." |
Theo ThS Doãn Thị Thảo Linh, trong tư duy linh hoạt, việc đánh giá rất quan trọng, không chỉ làm rõ mức độ hiệu quả mà còn phải làm rõ lý do, nguyên nhân của kết quả đó. Khi gặp vấn đề, chúng ta cần chia nhỏ vấn đề, lập kế hoạch vừa đủ để giải quyết từng thứ.
ThS Doãn Thị Thảo Linh lý giải "Tư duy linh hoạt" qua trò chơi tương tác, vận động cùng sinh viên. |
Chị Thảo Linh chia sẻ việc áp dụng "Tư duy linh hoạt" trong thực tế: "Khi bước ra trường đời, công việc của chúng ta không thể nhìn nhận theo góc độ là những đầu việc thực hiện mỗi ngày mà cần có cái nhìn tổng thể, có chiến lược, kế hoạch dài hơi hơn cho sự nghiệp lớn.
MC Trịnh Vân Anh tại toạ đàm hướng nghiệp "Trường học hay Trường đời" số thứ 2. |
Chúng ta cần đề ra kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; thường xuyên đánh giá hiệu quả, chất lượng công việc, tìm kiếm cơ hội, quan sát sự thay đổi về bối cảnh tác động đến công việc của mình thế nào... Ví dụ, hai năm trở lại đây, làn sóng AI đã có tác động rõ rệt đến đến nhiều ngành nghề, công việc. Do đó, mình cũng phải tìm hiểu, ứng dụng AI vào công việc của mình để làm việc hiệu quả, tối ưu quy trình."
Cốt lõi của tư duy linh hoạt là sẵn sàng thay đổi, sẵn sàng thử nghiệm, liên tục học hỏi và cam kết với việc liên tục tiến bộ.
- ThS Doãn Thị Thảo Linh
Đừng sợ làm trái ngành
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh: "Cuộc đời có nhiều biến số lắm nên các bạn đừng ngại ngần, phải thử nhiều mới tìm ra thứ phù hợp với mình." |
Nhà báo Nguyễn Tuấn Anh đưa ra công thức "10 - 20 - 70" mà anh đã chia sẻ tại nhiều trường đại học. Anh cho rằng, sinh viên hãy cứ bắt tay vào công việc, đừng quan tâm nhiều đến việc trái ngành hay không. Từ công thức có thể thấy, 90% kiến thức chúng ta học từ bên ngoài và các mối quan hệ, vậy phải làm thì mới 'vỡ' ra, đừng để 10% cốt lõi học từ nhà trường rập khuôn mình mà cần linh hoạt.
Anh Nguyễn Tuấn Anh nhấn mạnh rằng, các bạn sinh viên nên làm ngay những công việc, những dự định các bạn có thể làm để mở rộng kiến thức trong khoảng "20 - 70", nếu chúng ta đi làm mà chỉ có 10% cơ bản thì sẽ bị đào thải rất nhanh.
Sinh viên USTH hào hứng trao đổi cùng các diễn giả. |
Với ThS Vũ Anh Đức, anh nhấn mạnh việc xác định chuyên môn và hướng làm việc phù hợp rất khó. Do đó, chúng ta cần sớm thử sức, khám phá bản thân ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường để xác định điểm mạnh, cá tính, đam mê...
ThS Vũ Anh Đức: "Trong học tập và làm việc, các em luôn phải xác định mục tiêu rõ ràng, tránh lãng phí thời gian và tiền bạc." |
Từ đó, chúng ta xác định hướng đi phù hợp với nền tảng. ThS Vũ Anh Đức cũng cho rằng, theo đuổi công việc cần sự tỉnh táo, nhạy bén, đừng xác định đó là công việc cả đời. Nếu không hiệu quả, không đạt được mục đích đề ra, chúng ta có thể xem xét, tìm đến cơ hội khác.
"Là một người từng làm trái ngành, mình khuyên các bạn không nên đóng khung bản thân trong bất cứ vai trò gì, hãy đón nhận những cơ hội, nếu không phù hợp thì mình quay về thôi, đừng bỏ lỡ cơ hội." - ThS Doãn Thị Thảo Linh chia sẻ.
Tác giả, nhà báo Nguyễn Tuấn Anh ký tặng cuốn sách Trường học hay trường đời cho sinh viên USTH. |
Hàng trăm sinh viên đã hào hứng tham dự chương trình. |
Ảnh: Lê Trung - Hoàng Vũ