Tuy nhiên, những khóa học này chỉ là những “chiêu trò” được quảng cáo bằng những từ ngữ “có cánh”, đánh lừa người mua, kiếm tiền cho người bán.
Kiếm tiền nhanh chóng chỉ sau một khóa học
Hiện nay, khi lướt các trang mạng xã hội, không khó để bắt gặp những bài đăng hay video có nội dung như “Mình đã kiếm 100 triệu/tháng như thế nào?”, “Dễ dàng kiếm $2000-$3000/tháng chỉ sau một khóa học”, “Mình đã kiếm 1 tỷ đầu tiên như thế nào?”. Thông thường, những người tạo ra những nội dung trên đều là những người đứng sau các khóa học. Mục đích của họ là giới thiệu, dẫn dắt người xem đến những khóa học online của họ với những lời cam kết về tương lai “kiếm hàng trăm triệu một tháng”.
Đặc điểm chung của những khóa học này là khóa học về các ngành nghề như quản lý mạng xã hội (social media manager), copywriting, v..v. Đây đều là những ngành nghề với đặc điểm có thể làm trực tiếp tại nhà, có thể làm tự do (freelance), thị trường rộng lớn, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nước ngoài. Những cá nhân bán khóa học lợi dụng sự cả tin và thiếu thông tin của nhiều người về thị trường việc làm, đặc biệt là việc làm online với hình thức tự do (freelance) để tạo ra những khóa học hướng dẫn kỹ năng làm việc kèm theo những lời hứa về một tương lai kiếm tiền tại nhà và tự do tài chính.
Đừng để bị “lùa gà”
Những lời quảng cáo đã đánh trúng tâm lý của nhiều người, họ sẵn sàng xuống tiền cho những khóa học trên với hy vọng về một tương lai như cam kết. Không ít người mua khóa học trong số đó là sinh viên. Tuy nhiên, những kiến thức trong những khóa học trên hầu hết là được tổng hợp từ nhiều nguồn miễn phí trên mạng, giá trị tham khảo thấp, không được kiểm duyệt, tiềm ẩn nguy cơ sai kiến thức và hoàn toàn không thể giúp được những người không có kinh nghiệm kiếm được mức lương “nghìn đô” như quảng cáo.
Theo chị Đoàn Thị Thu Uyên, nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội, blogger, quản trị viên tại Khu phố Freelancer - cộng đồng dành cho những người lao động tự do với hơn 370 nghìn thành viên: “Phần lớn đối tượng mục tiêu của các khoá học này là những bạn mới ra trường hoặc người chưa có kinh nghiệm. Những người bán khóa học thường sẽ thu hút học viên bằng những thông điệp như: Không cần có sẵn kinh nghiệm, vì học xong khóa học của họ là được; Kiếm đa dạng công việc bằng cách làm freelancer (lao động tự do), làm việc tự do, vừa đi làm vừa du lịch; Không cần có tiếng Anh; Trở thành social media manager (quản lý mạng xã hội);...”
“Social media manager (quản lý mạng xã hội) không phải cụm từ đề cập đến cấp bậc quản lý trong công việc mà đề cập đến phạm vi công việc, tức là quản lý các trang mạng xã hội. Đây là chiêu trò lôi kéo, thu hút học viên thường được sử dụng nhất vì chữ manager - quản lý, dễ gây hiểu lầm rằng chỉ cần học xong khóa học là sẽ đủ kiến thức, kỹ năng để lên được cấp bậc này. Về việc trở thành freelancer (lao động tự do) và kiếm việc dễ dàng, đặc biệt là lao động tự do với những ngành, nghề như sáng tạo nội dung là không phải. Những ai đang làm freelancer đều sẽ hiểu sự cạnh tranh và khắc nghiệt của nghề này. Freelancer chỉ là một hình thức làm việc và hình thức này đòi hỏi cao về kinh nghiệm trong nghề cũng như sự cứng cáp trong kỹ năng, không hề phù hợp với những người mới hay không có kinh nghiệm.”- chị Uyên chia sẻ.
Cũng theo chị, “Việc bán khóa học là không sai, điều này rất bình thường. Nhưng bán khóa học mà đưa ra các thông tin sai lệch, mập mờ, lược bỏ đi hết các khó khăn học viên phải đối mặt, kiến thức cóp nhặt trên Google và bất chấp năng lực đầu vào của học viên để bán hàng thì gọi là ‘lùa gà’ không hề sai.”
Vì vậy, trước khi quyết định mua một khóa học nào đó, mỗi người đều nên kiểm tra mọi thông tin cẩn thận, tìm hiểu kỹ về các cá nhân mà bản thân sẽ mua khóa học. Đặc biệt là các bạn sinh viên, không nên tin vào những lời quảng cáo có cánh, vào tương lai kiếm tiền nhanh chóng, kiếm tiền tại nhà với mức lương “trăm triệu”, “nghìn đô” khi chưa có kinh nghiệm với ngành nghề mà bản thân có ý định mua khóa học.