Ngày 20/3, một nhóm sinh viên đến từ ĐH Kỹ thuật Dortmund (CHLB Đức) đã trình bày cách sử dụng dữ liệu 3D GIS, Công nghệ laser 3D, Viễn thám và UAV… nhằm phát triển các kịch bản thích ứng với biến đổi khí hậu, được trình bày trên nền tảng Internet vào trường ĐH Việt Đức.
Đây là một phần trong dự án với chủ đề Phát triển và ứng dụng kỹ thuật số trong khuôn viên trường ĐH Việt Đức (Việt Nam) và cơ sở phía nam của ĐH Kỹ thuật Dortmund (CHLB Đức) với giải pháp thích ứng khí hậu.
GS. TSKH. Nguyễn Xuân Thính, ĐH Kỹ thuật Dortmund, Chủ tịch Mạng lưới sáng tạo Việt Đức là người khởi xướng và chủ nhiệm đề tài cho biết, dự án này là một ví dụ điển hình cho việc tích hợp nghiên cứu với giảng dạy cũng như một phần của dự án nghiên cứu Khu đô thị thông minh (SUA), do Bộ Môi trường CHLB Đức tài trợ.
Theo ông Thính, sự bùng nổ kinh tế và tốc độ đô thị hóa ngày càng tăng của Việt Nam dẫn đến sự gia tăng đáng kể nhu cầu năng lượng, phát thải khí nhà kính và ô nhiễm môi trường gây biến đổi khí hậu. “Do đó, giải pháp tăng cường sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thích ứng với biến đổi khí hậu là rất cần thiết. Để đạt được mục tiêu Net Zero của Việt Nam vào năm 2050 thì cần có một chiến dịch về chuyển đổi nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch. Việt Nam cần tận dụng những công nghệ mới nhất để bảo vệ môi trường trước ảnh hưởng bất lợi nhất của biến đổi khí hậu”, ông Thính nói về lý do ra đời của đề tài.
Theo đó, để phát triển kỹ thuật số cho cơ sở mới ĐH Việt Đức (Việt Nam), từ ngày 13/3 đến ngày 20/3, nhóm nghiên cứu gồm ba giảng viên và 14 sinh viên từ ĐH Kỹ thuật Dortmund đã thăm và trao đổi học thuật chuyên sâu trong nghiên cứu và giảng dạy với các giảng viên và sinh viên của ĐH Việt Đức.
Nhóm giảng viên và sinh viên Việt Nam đến từ các ngành học như: Phát triển đô thị bền vững, Công nghệ nước, Kiến trúc, Khoa học máy tính, Cơ điện tử và Công nghệ hệ thống cảm biến là người được thụ hưởng trong dự án này sau khi tham gia trực tiếp dự án và trao đổi học thuật được tài trợ một phần bởi Quỹ WILO.
Trong suốt quá trình tham gia, đoàn nghiên cứu của trường ĐH kỹ thuật Dortmund đã phối hợp với trường ĐH Việt Đức tiến hành nhiều bước để tạo mô hình 3D trên cơ sở sơ đồ bản vẽ mặt bằng xây dựng hiện. Để kiểm định độ chính xác của bản vẽ, nhóm cũng đã thực hiện quá trình quét toàn bộ tòa nhà theo các từng vị trí tầng và phòng ốc. Ngoài ra, nhóm cũng đã tiến hành các khảo sát chuyên đề để bổ sung các thông tin còn thiếu từ bản vẽ và máy quét. Dữ liệu được thu thập trong vòng 4 ngày kết nối trong “point cloud” của hệ thống và sử dụng phần mềm ArchiCAD để xây dựng mô hình 3D. Tiếp đến, nhóm sử dụng phần mềm ENVI-met nhằm mô phỏng khí hậu của xung quanh tòa nhà nghiên cứu.
Sau một tuần làm việc, nhóm nghiên cứu đã trình bày cách sử dụng dữ liệu 3D GIS, Công nghệ laser 3D, Viễn thám và UAV để hình thành cơ sở kỹ thuật số tại khuôn viên của trường ĐH Việt Đức, đồng thời phát triển các kịch bản thích ứng với biến đổi khí hậu, được trình bày trên nền tảng Internet bằng các công nghệ AR/VR và GIS. Các giải pháp thích ứng với khí hậu bao gồm cải tạo tòa nhà tiết kiệm năng lượng và phủ xanh mái nhà và mặt tiền của các tòa nhà.
Kết quả của chuyến thăm và làm việc của đoàn nghiên cứu trường ĐH kỹ thuật Dortmund với ĐH Việt Đức sẽ tiếp tục nâng cao mối quan hệ hợp tác chặt chẽ giữa 2 trường ĐH, đồng thời là sự tiếp nối cho dự án nghiên cứu phát triển và ứng dụng kỹ thuật số với các giải pháp thích ứng với "Biến đổi khí hậu tại Việt Nam".