Hai sinh viên ngành Truyền thông (Truyền thông chuyên nghiệp) Đại học RMIT Hoàng Nguyễn Nhật Vi và Phạm Quang Vinh thắng giải Ba tại cuộc thi Phóng viên trẻ mảng xã hội khu vực ASEAN. |
Dự án “Flatten the Plastic Curve” (tạm dịch: Làm phẳng đường cong rác thải nhựa) do hai sinh viên ngành Truyền thông (Truyền thông chuyên nghiệp) Đại học RMIT Hoàng Nguyễn Nhật Vi và Phạm Quang Vinh đã tiếp cận thành công gần 200.000 độc giả trẻ sau chỉ một tháng chạy chương trình.
Theo chủ đề Giới trẻ ASEAN và COVID-19 – Hồi đáp, Hồi phục và Kiên cường mà ban tổ chức đưa ra, cả hai quyết định giúp các bạn trẻ mua hàng trực tuyến thực hiện những hành động tuy nhỏ nhưng đem đến tác động khi mua hàng, thông qua những thiết kế theo trường phái hoạt họa và dùng marketing sử dụng những người có ảnh hưởng.
Hoàng Nguyễn Nhật Vi cho biết COVID-19 đã và đang thách thức những thói quen bền vững của người Việt vì họ bị buộc giảm tiếp xúc trực tiếp và không được đi lại khi không thực sự cần thiết.
“Là một trong những thế hệ có khả năng thích nghi nhất trong khu vực, giới trẻ ASEAN đã nhanh chóng điều chỉnh bản thân cho phù hợp hoàn cảnh bằng cách chuyển những hoạt động thường nhật sang các kênh trực tuyến”, Vi chia sẻ. “Song tiện lợi luôn có giá của nó và việc giới hạn tiếp xúc trực tiếp đang khiến chúng ta đánh đổi môi trường lấy sức khoẻ. Cuộc sống ‘bình thường mới’ khiến việc sử dụng bao bì nhựa dùng một lần nhiều hơn”.
Qua chiến dịch, hai bạn đã khuyến khích các bạn trẻ tạo những thay đổi, chẳng hạn bằng cách đặt hàng từ một cửa hàng để giảm thiểu bao bì nhựa hoặc nhắn tin trực tiếp với chủ cửa hàng hay shipper giao đồ ăn để nhắc họ giảm hết mức có thể lượng bao bì nhựa khi gói hàng.
Khởi đầu vòng khu vực đầy nhiệt huyết, cả hai lập tức vấp phải thách thức cực lớn do đợt bùng phát dịch COVID-19 mới nhất tại TP. Hồ Chí Minh.
Phạm Quang Vinh chia sẻ rằng do giãn cách xã hội, hai bạn đã không thể ra ngoài quay phim hay tổ chức sự kiện cho các bạn trẻ theo yêu cầu của ban tổ chức.
“Chúng tôi chỉ có một tháng để chạy toàn bộ chiến dịch mà kết quả của hai tuần đầu tiên thật đáng thất vọng khiến chúng tôi bắt đầu tự vấn mục đích ban đầu của mình”, Vinh chia sẻ.
“Tuy nhiên, như chủ đề của phần tranh tài năm nay, chúng tôi dần thích nghi với hoàn cảnh mới bằng cách chuyển các phương thức tuyên truyền giảm thiểu rác thải nhựa theo dự định ban đầu sang hướng kỹ thuật số. Chúng tôi đã hiệu chỉnh chiến lược, liên lạc với các chuyên gia về môi trường và đăng những nội dung lấy cảm hứng từ hoạt họa vào các nhóm cộng đồng sống xanh và tối giản để kéo thêm lượng truy cập về trang của mình”.
Dùng những thiết kế theo trường phái hoạt họa và marketing sử dụng những người có ảnh hưởng, Vi và Vinh đã giúp các bạn trẻ mua hàng trực tuyến thực hiện những hành động tuy nhỏ nhưng tạo tác động tích cực khi mua hàng. |
Đến cuối chiến dịch, cả hai đã tiếp cận được tới hơn 40.000 bạn trẻ bằng các mẫu quảng cáo, nhận được lượng truy cập từ tìm kiếm tự nhiên và được đề cập đến trên bốn trang Facebook của người có ảnh hưởng. Còn có một nhóm sinh viên RMIT hỏi Vinh và Vi rằng họ có thể tình nguyện tham gia vào chiến dịch cho bài tập dự án tại trường được không.
Vinh chia sẻ rằng, “nếu không kiên gan bền chí, chúng tôi sẽ không bao giờ đạt được những thành quả như trên”.
“Sự thích nghi và bền bỉ mà chúng tôi thể hiện xuyên suốt cuộc thi là những phẩm chất cốt yếu cần thiết cho bất kỳ ngành nghề nào trong thế giới không ngừng thay đổi mà chúng ta hiện đang sống. Không ai biết được điều gì sẽ đến nên việc giữ cho bản thân luôn trong tư thế sẵn sàng trước mọi thử thách sẽ tốt cho chính chúng ta”.
Cả hai cho biết, RMIT luôn có mạng lưới giao lưu kết nối đa dạng và chặt chẽ với các tổ chức phi lợi nhuận, phi chính phủ và các doanh nghiệp khác nhau.
“Điều này đã hỗ trợ chúng tôi trong việc tạo ra nhiều nội dung hơn với kiến thức chuyên môn sâu về các lĩnh vực”, Vinh kết lời.