Hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc 'USSH-IRMUN' 24' là dự án do sinh viên khoa Quan hệ Quốc tế thực hiện, với sự hỗ trợ, phát triển của Phòng Công tác sinh viên, trường ĐH KHXH&NV. Với chủ đề “Cooperation & Conflict” (Tạm dịch: Hợp tác và Xung đột), 'USSH-IRMUN’ 24' kỳ vọng không chỉ đưa đến những quan điểm trái chiều để cùng nhau thảo luận, đàm phán về các vấn đề đang diễn ra trên thế giới mà còn là cơ hội để người tham dự có cái nhìn toàn diện hơn về các chủ đề quan hệ quốc tế. Phần lớn các phiên của hội nghị được thực hiện bằng tiếng Anh.
Chương trình có sự cố vấn của ThS Trần Nam - Trưởng Phòng Công tác sinh viên (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) và ThS Đặng Minh Quang - Giám đốc Học thuật và Đối ngoại của nhiều Tổ chức Giáo dục.
Lý giải về lý do chọn đề tài, Vương Huỳnh Gia Hân (năm thứ ba, khoa Quan hệ quốc tế, trường ĐH KHXH&NV) là Tổng Thư ký kiêm Phó Ban Tổ chức chia sẻ: “Bức tranh toàn cảnh lớn mang tên "Hợp tác & Xung đột" nhằm lựa chọn, "đặt lên bàn cân" những vấn đề nổi cộm nhất của tình hình chính trị quốc tế ở thời điểm hiện tại. Hợp tác là xu thế phát triển chính của thế giới kể từ sau “Chiến tranh Lạnh”, vì những lợi ích đáng kể mà việc hợp tác có thể đem lại cho từng quốc gia nói riêng và cả thế giới nói chung. Tuy nhiên, trong quá trình hợp tác, xung đột là điều khó tránh khỏi giữa các quốc gia. Vì vậy, hài hòa lợi ích giữa các bên vẫn luôn là một trong các tâm điểm được chú trọng nhất trong các cuộc đàm phán quốc tế. Từ đó, chúng ta còn phải tìm ra đáp án cho bài toán: Làm thế nào để có thể vừa hợp tác nhưng cũng vừa bảo vệ được lợi ích quốc gia của mình?”.
Các bạn trẻ tham gia Hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc 'USSH-IRMUN’ 24'. |
Với 3 hội đồng mô phỏng được triển khai, gồm: Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (UNHRC) và Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu (ASEM), người tham dự 'IRMUN’ 24' có cơ hội cùng thảo luận và trao đổi quan điểm về các vấn đề chung mà các quốc gia phải đối mặt.
Ba hội đồng mô phỏng đã thảo luận và đưa ra những giải pháp quan trọng trong suốt hai ngày Hội nghị. Hội đồng (mô phỏng) Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã tập trung vào cách giải quyết tình trạng lạm dụng lao động trẻ em và đối mặt với vấn đề già hóa dân số. Hội đồng (mô phỏng) Nhân quyền quốc tế (UNHCR) bàn về vấn đề lạm dụng nhân quyền trong ngành công nghiệp vũ khí và xét lại quyền tự do tôn giáo trong bối cảnh lợi ích an ninh quốc gia. Diễn đàn (mô phỏng) Hợp tác Á - Âu (ASEM) đã thảo luận về việc đảm bảo nguồn cung ứng năng lượng giữa các quốc gia trong khu vực châu Á, châu Âu, cũng như tăng cường thương mại và kết nối kinh tế - xã hội xuyên Á - Âu. Những cuộc thảo luận này đã mở ra nhiều hướng đi mới nhằm giải quyết các vấn đề cấp bách trên toàn cầu.
Các đội nhận được quà từ Ban Tổ chức chương trình. |
Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, mọi tương tác giữa các quốc gia đều được nhìn nhận sẽ có những tác động đa chiều, chồng chéo và liên đới đến nhiều phương diện đời sống. Từ đó, người tham dự với vai trò là các đại biểu đại diện các quốc gia cần phải không ngừng nỗ lực để đảm bảo lợi ích quốc gia mình mà vẫn điều tiết các cạnh tranh leo thang. Đây cũng chính là thách thức lớn nhất đối với các bạn trẻ trong việc nhận thức và đưa ra đối sách phù hợp, đảm bảo mục tiêu phát triển và thịnh vượng chung.
Ban Tổ chức Hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc 'USSH-IRMUN’ 24'. |
Võ Nguyễn Trà Giang (năm thứ nhất, chuyên ngành Chính sách Chính phủ và chính sách công, trường ĐH Franklin & Marshall, Mỹ) - Chủ tọa Hội đồng (mô phỏng) Hội nghị Thượng đỉnh Á - Âu (ASEM) chia sẻ: “Với tư cách là sinh viên chuyên ngành Chính sách Chính phủ và chính sách công, trường ĐH Franklin & Marshall, mình cảm thấy các Hội nghị Mô phỏng Liên Hợp Quốc có vai trò tích cực trong việc định hình tư duy và góc nhìn của các bạn trẻ đối với các vấn đề toàn cầu hiện nay. Đến với 'USSH-IRMUN’ 24', mình tin rằng đây là một trải nghiệm tuyệt vời để các bạn có thể cùng nhau thảo luận, trao đổi và thử tìm ra giải pháp cho những vấn đề cấp bách của thế giới. Không chỉ thế, đây còn là cơ hội quý báu để các bạn trẻ gen Z có thể đối mặt một cách thẳng thắn và cùng nghiên cứu, trao đổi với nhau trong một tập thể”.