Theo nhóm nghiên cứu dự án “UEH Zero Waste Campus”, trên thế giới mỗi năm có hơn 2 tỷ chất thải rắn được thải ra môi trường và đến năm 2050 là 3 tỷ tấn. Ở Việt Nam, mỗi năm thải ra 13 triệu tấn và là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhiều trên thế giới.
Riêng ở TP. HCM, mỗi ngày là 9000 tấn rác phải xử lý, vào lúc cao điểm có thể đến 12.000 tấn, cứ mỗi năm tăng 5% thì dự đoán đến năm 2025 toàn thành phố thải ra 13.000 tấn/ngày. Chỉ riêng tại cơ sở Nguyễn Văn Linh của trường, mỗi ngày có khoảng 100 kg. Đây là những con số đáng lo ngại, tạo áp lực khủng khiếp lên môi trường và các giải pháp xử lý của các cơ quan chức năng.
Những con số thống kê về nhận thức về rác thải trong phần trình bày của dự án. |
Khi dự án tiến hành khảo sát trên 1.200 sinh viên của trường về vấn đề rác thải nói chung và rác thải nhựa vào tháng 4/2021, kết quả cho thấy, nhiều sinh viên hầu như không bỏ rác đúng thùng và đúng loại.
Có đến 42,6% sinh viên không hiểu khái niệm về rác, 58,6% thường sử dụng chai nhựa thay vì chai nước cá nhân và 50,1% thường sử dụng hộp xốp để đựng thức ăn mang đi. Những kết quả tiêu cực có thể có từ những thói quen này là lượng rác hằng ngày không được phân loại thống nhất, thùng rác ô nhiễm, sinh viên không có thói quen và trách nhiệm trong phân loại rác, rác tái chế không được xử lý triệt để.
Sinh viên trường ĐH Kinh tế TP. HCM phân loại rác thải. |
“Không rác thải” có nghĩa là thiết kế, quản lý các sản phẩm, quy trình để hạn chế khối lượng và tính độc hại của rác, bảo tồn và phục hồi các nguồn tài nguyên mà không chôn lấp, đốt hoặc xả thải phi pháp. Mô hình của dự án giúp sinh viên từng bước hình thành thói quen không rác thải mỗi ngày thông qua áo dụng "3 R": Reduce (giảm thiểu) - Reuse (tái sử dụng) – Recycle (tái chế) để nâng cao nhận thức cũng như khuyến khích thay đổi hành vi trong cộng đồng trong khuôn viên trường. Trong đó, giảm thiểu và tái sử dụng được coi là chiến lược bền vững
Dự án sẽ có trung tâm phục hồi chất thải (MRF) tập trung phân loại và xử lý theo từng loại rác: ủ phân hữu cơ, trồng cây và thực nghiệm các hoạt động kinh tế tuần hoàn, trưng bày các sản phẩm sáng tạo từ rác tái chế. Ngoài ra, dự án còn có nền tảng UEHZW tích hợp các thông tin tổng quan, hoạt động truyền cảm hứng lan tỏa lối sống xanh cho sinh viên…
Mô hình trung tâm phục hồi chất thải MRF của dự án tại cơ sở Nguyễn Văn Linh. |
TS Trịnh Tú Anh – Viện trưởng Viện Đô thị thông minh và quản lý UEH – Giám đốc dự án cho biết, hiện tại, đã triển khai giai đoạn đầu tiên “Rethink – Live Green” xây dựng nền tảng triển khai thí điểm tại cơ sở Nguyễn Văn Linh của trường và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.
“Hơn 2 tháng tham gia ươm tạo cùng dự án, chúng tôi đã học hỏi được rất nhiều từ các chuyên gia, huấn luyện viên đầy kinh nghiệm, những người đã thực sự giúp các dự án trở nên thực tế, khả thi, loại bỏ những rủi ro có thể xảy ra. Kết quả này không chỉ có ý nghĩa vật chất mà còn là một bước tiến quan trọng giúp dự án lan tỏa và đến gần hơn với cộng đồng. Chúng tôi hi vọng sẽ tìm ra một công thức đại học không rác thải tốt nhất, từ đó chia sẻ đến các đại học khác, các tổ chức khác để cùng thực thi, cùng nhau đóng góp cho một tương lai bền vững và tốt đẹp hơn", TS Tú Anh cho biết.