Những ngày đầu vào Đại học, tôi khá nhút nhát và tự ti vì có những người khi nghe đến quê hương của tôi lại cho rằng tôi “nhà quê” khiến tôi ngại tiếp xúc và giao tiếp với mọi người. Nhiều người cứ cho rằng giọng nói người miền Trung khó nghe, con người chúng tôi quê mùa, thậm chí còn bị trêu chọc… Nhưng tôi chợt nhớ lại những năm tháng học tập ở quê hương mình, tôi đã có thể đứng trước toàn Trường điều khiển Lễ chào cờ đầu tuần, tôi có thể đứng trước khán đài có nhiều người để tham gia các Cuộc thi kể chuyện, hùng biện, dẫn chương trình cho các sự kiện bằng chính giọng nói vùng miền của tôi, nhiều người ở quê hương tôi đã có thể lắng nghe tôi, vậy thì tại sao các bạn ở những nơi khác lại không?
Thế là suy nghĩ ấy làm tôi có động lực casting vào vị trí Phóng viên/MC của CLB Truyền thông Sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng, trực thuộc Ban PR của Trường Đại học tôi theo học và may mắn đã đến với cô sinh viên năm nhất, đến với cô gái miền Trung như tôi. Tôi được tham gia các hoạt động của Trường, được tin tưởng giao “cầm mic” cho các chương trình và thú vị hơn khi tôi có cơ hội được giao lưu, phỏng vấn trực tiếp các nghệ sĩ nổi tiếng đến tham dự các sự diễn ra tại Trường Đại học.
Một trong những cơ hội và niềm vinh hạnh to lớn của tôi trong quãng đời Sinh viên là được các anh chị trong Ban PR, BCH Chi Đoàn lựa chọn là Đại biểu - đại diện Sinh viên năm nhất của Trường Đại học Tôn Đức Thắng tham dự Đại hội Sinh viên TP.HCM V. Tôi vẫn còn nhớ lời dặn dò cũng như là lời khích lệ của người anh Trưởng CLB của tôi khi ấy rằng: “Em hãy cố gắng lan toả những hình ảnh tốt đẹp của Trường mình đến với các bạn sinh viên khác em nhé!” và rồi một cô gái đã từng nhút nhát và tự ti như tôi cũng đã có thể xung phong phát biểu trước phiên họp, dùng tiếng nói của mình để truyền tải những văn hoá tốt đẹp của sinh viên Trường tôi: văn hoá xếp hàng, văn hoá giữ gìn vệ sinh môi trường, văn hoá kính trọng,…
Sau đó, tôi tiếp tục tham gia vào Đội Lễ tân Đại học Tôn Đức Thắng – CLB đại diện hình ảnh cho Nhà Trường trong các sự kiện. Tại đây, tôi được học học hỏi về những kỹ năng, những tác phong chuyên nghiệp, thanh lịch khi xuất hiện trong các sự kiện giúp tôi biết để ý và chuẩn bị cho mình một tác phong tốt hơn. CLB đã cho tôi cơ hội, cho tôi niềm vinh hạnh khi được đón tiếp các nhân vật đặc biệt, có tầm ảnh hưởng trong và ngoài nước đến thăm Trường tôi. Trong đó, có một kỷ niệm đáng nhớ đó là nhân dịp Thủ tướng Canada – Justin Trudeau ghé thăm Trường Đại học Tôn Đức Thắng và tôi đã nhận được cái bắt tay ấm áp từ ngài.
Trường Đại học Tôn Đức Thắng được biết đến là một ngôi trường có cơ sở vật chất thuộc top hàng đầu tại Việt Nam nhưng tôi nghĩ mọi người cần biết đến thêm TDTU là một ngôi trường - môi trường kỷ luật nhưng rất thân thiện, rất “xanh”. Là sinh viên Khoa Luật của Đại học Tôn Đức Thắng, tôi được Thầy/Cô không chỉ giảng dạy những kiến thức mà còn chỉ bảo cho tôi những kỹ năng và lẻ sống khác. Tại nơi này, từ những con người ở những vị trí khác nhau, từ những Cô Lao công, những Chú Bảo vệ… từ những Giảng viên cho đến Thầy Trưởng khoa, Thầy Hiệu trưởng đều tận tâm và tận tình với sinh viên như những người thân trong gia đình dạy dỗ chúng tôi.
Chính những cơ hội và môi trường Đại học ở Tôn Đức Thắng giúp tôi thay đổi bản thân mình hơn, trở nên năng động và tự tin hơn.
Bản thân là một người thích trải nghiệm và thử thách nên ngoài tham gia các hoạt động phong trào trong và ngoài Trường, tôi cũng bắt đầu đi làm thêm từ những ngày đầu sinh viên. Tôi bắt đầu với công việc làm lễ tân, MC cho các sự kiện, làm mẫu ảnh,…
Có những ngày tôi bắt đầu việc học, việc làm từ 6h sáng và kết thúc vào lúc 00h, mang trên người chiếc túi của Doreamon với ti tỉ sách vở và đồ đạc, đứng trên giày cao gót suốt nhiều giờ đồng hồ liền sưng cả chân, phải mỉm cười và phải nói đến khô cả cổ họng… Tôi thích cuộc sống bận rộn như thế vì nó giúp tôi lắp đầy thời gian rảnh rỗi thay vì chỉ có việc học trên giảng đường rồi lại trở về căn phòng làm bạn với chiếc laptop, giúp tôi cảm thấy đỡ cô đơn khi sống một mình xa nhà. Có những ngày tôi cũng đã cảm thấy mệt mỏi và lạc lõng giữa thành phố rộng lớn nhưng khi nghĩ đến gia đình, nghĩ đến những điều tốt đẹp đang chờ tôi phía trước thì tôi lại có động lực mạnh mẽ và tích cực hơn.Công việc là để kiếm tiền nhưng tôi nghĩ khi còn là sinh viên thì đừng quá đặt nặng vấn đề tài chính mà hãy xem việc làm thêm là để trải nghiệm, học hỏi thêm những kinh nghiệm thực tế mà có thể ở trường lớp mình chưa học được. Tôi từng nghĩ khi mới là sinh viên mà mình được cơ hội làm việc này việc kia, được kiếm ra đồng tiền thì đã là may mắn rồi nên nhiều khi tôi làm việc mà “quên” đến việc nhận lương, mãi đến khi được nhắc và được trêu là “đi làm vì đam mê” thì mới nhớ… Vì tôi nghĩ mình cứ cố gắng làm việc đi thì những giá trị mình nhận được còn hơn là tiền.
Có lẽ vì thế mà sau này khi tôi bắt đầu tập tành là Sinh viên khởi nghiệp, kinh doanh sản phẩm Yến sào của gia đình và lập thương hiệu Yến sào VihiNest, những vị khách hàng lớn ủng hộ sản phẩm của tôi đầu tiên chính là những người sếp, những người quản lý và những người đã tạo cơ hội việc làm từ những công việc khác của tôi trước đây. Họ dần trở thành những người bạn, người anh chị thân thiết chia sẻ và góp ý cho tôi trong công việc và trong cuộc sống rất nhiều.
Bây giờ tôi đã chính thức phải bước ra đời làm việc và chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình nhưng tôi vẫn trân trọng và thầm cảm ơn những kỷ niệm, trải nghiệm đầy màu sắc mà quãng đời sinh viên tôi đã có được. Nó chính là những hành trang quý báu giúp tôi có thể tự tin và tích cực hơn trong cuộc sống hơn.
Từ những câu chuyện của mình, tôi muốn nhắn nhủ rằng: Dù xuất phát điểm của chúng ta có ở đâu, miền “quê” hay là thành phố nhưng nếu chúng ta không tiếp thu những tuy dư tích cực, không nỗ lực tiến lên thì chúng ta sẽ mãi ở một ví trí và có thể bị thụt lùi bởi những người ở phía sau.
Tuổi trẻ hãy cứ trải nghiệm, đừng ngại thử thách, được phép sai và hãy biết sửa sai.
“Ta thường tiếc nuối những điều mình không làm, không phải điều đã làm”. Vì vậy, đừng để những ngày tuổi trẻ trôi qua là những ngày tiếc nuối!