Hiện tại, KTX ĐHQG TP. HCM vẫn chưa có thông tin đăng ký chỗ ở cho tân sinh viên, vì KTX còn là nơi phục vụ cho công tác chống dịch. Tuy nhiên, các bạn tân sinh viên vẫn đang chờ đợi thông báo từ Trung tâm Quản lý KTX ĐHQG TP. HCM.
Nguyễn Minh Thư (năm thứ nhất, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP. HCM) chia sẻ: “Mình chọn ở ký túc xá thay vì ở trọ bởi vì ở đây đảm bảo an ninh. Ngoài ra, ký túc xá cũng là nơi mình có thể dễ dàng kết bạn, trao đổi và giao lưu học tập. Đặc biệt hơn, mình có thể tiếp nhận thông tin từ trường lớp, các hoạt động thể thao và hội hè một cách nhanh chóng”.
Sắp tới, phải sống xa nhà, thay vì lo lắng, Minh Thư đã tranh thủ học thêm một số kỹ năng như: Quản lý chi tiêu, chủ động điều khiển cảm xúc để tỉnh táo trước những cám dỗ mới lạ,...
Đậu vào ngôi trường mình yêu thích, Minh Thư cho đó là động lực lớn nhất của mình. |
“Hiện tại, mình chưa có ý định đi làm thêm vì mình dự định sẽ dành phần lớn thời gian cho việc học. Vậy nên, về chi tiêu, mình sẽ chia đều cho từng ngày để không xài quá số tiền cho phép và chỉ mua những thứ thật cần thiết, tránh lãng phí”, Minh Thư bày tỏ. Và để "phòng hờ" cho trường hợp ký túc xá không được như ý, Minh Thư quyết định sẽ ở nhà của người thân.
Nguyễn Trần Mai Phương (năm thứ nhất, trường ĐH Kinh tế TP. HCM) lại quyết định chọn ở trọ thay vì ký túc xá. Phương chia sẻ: “Mình muốn được chủ động trong lựa chọn không gian sống và ở chung với những người bạn đã quen biết. Thêm nữa, mình cũng muốn được tự do giờ giấc, ăn uống và tự do nấu nướng”.
Theo Phương, việc tìm chỗ trọ trong mùa dịch là điều không dễ dàng, nhưng may mắn Phương đã tìm được chỗ ưng ý. “Khi tìm chỗ trọ, khó khăn nhất là mình không thể xem phòng trực tiếp. Điều này cũng khiến mình quan ngại về khoản tiền cọc giữ chỗ, sợ bị lừa, do vậy mà khi tìm được chỗ ở ưng ý thì mình lại không yên tâm đặt cọc”, Phương tâm sự.
Mai Phương quyết định chọn ở trọ bên ngoài thay vì ở ký túc xá. |
Dù hụt hẫng trước những ảnh hưởng mà COVID-19 mang đến nhưng Phương luôn trong trạng thái sẵn sàng cho hành trình học tập xa nhà. Từ những vật dụng phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt đến các kỹ năng sống và kế hoạch chi tiêu, Phương đều chú trọng chuẩn bị, tích lũy để “ứng phó” khi cần.
“Mình dự định sẽ ghi rõ từng mục chi tiêu trong tháng. Trong mỗi khoản này, mình sẽ cố gắng chi tiêu phù hợp. Vì còn là sinh viên nên lập kế hoạch tiết kiệm từ sớm đối với mình cũng rất quan trọng”, Phương bộc bạch.
Phương cho biết, bản thân luôn cảm thấy hồi hộp khi nghĩ về hành trình học tập ở môi trường đại học. Đó sẽ là cơ hội, đồng thời là thách thức và động lực thôi thúc cô thực hiện ước mơ.
Cũng giống như Phương, Nguyễn Đỗ Khánh Như (sinh năm 2003, trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng) quyết định sẽ ở trọ. Như cho biết: “Nỗi lo lớn nhất của mình là tìm không ra chỗ trọ ưng ý, vì ảnh trên mạng khác với thực tế. Mình lại là người tỉnh khác, việc học tập chưa được trở lại như bình thường nên mình cũng không biết phải tìm chỗ trọ như thế nào”.
Như (bên phải) mong muốn trực tiếp đến tận chỗ trọ để xem phòng, tránh các bẫy lừa đảo. |
Mặc dù đã có kế hoạch cụ thể nhưng đến nay, Như vẫn chưa tìm thấy chỗ ở phù hợp với nguyện vọng của mình. Trước mắt, mục tiêu của Như là tìm được một căn trọ có giá dưới 2 triệu đồng/tháng. Nếu việc học trực tiếp diễn ra sớm, Như sẽ đến tận chỗ trọ để xem xét, cân nhắc.
Sau khi đã ổn định chỗ ở và học tập, Như muốn tìm thêm một công việc làm thêm để san sẻ với gia đình. Với Như, hành trình sắp tới dẫu có khó khăn như thế nào đi chăng nữa cô cũng sẽ cố gắng vượt qua, bởi phía sau Như luôn có gia đình ủng hộ, động viên.
"Tân sinh viên cần tránh những "cái bẫy" như việc các đối tượng thường dán tờ rơi thông báo về chỗ ở sạch đẹp, giá rẻ, miễn phí Internet, điện, nước... Sau đó, sẽ lừa sinh viên cọc tiền thuê trọ nhưng địa chỉ trên tờ rơi lại là “địa chỉ ma”. Ngoài ra, hình thức lừa đảo “cò phòng trọ” cũng rất phổ biến trong mùa nhập học. Các đối tượng thường sử dụng "chiêu trò" tìm giúp sinh viên nơi ở trên các trang mạng xã hội sau đó sẽ đòi “thù lao”", Nam Khánh (năm thứ hai, trường ĐH Kinh tế TP. HCM) chia sẻ.