Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: Đầu tư lớn của sinh viên cho lợi thế nghề nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Dù biết các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS và TOEIC đòi hỏi chi phí cao và không dễ để đạt kết quả tốt, nhiều sinh viên vẫn quyết định đầu tư nhằm tăng cường cơ hội trong học tập và nghề nghiệp.

Chấp nhận chi phí cao để đầu tư cho tương lai

Vũ Ngọc Mai, sinh viên năm 3, Học viện tài chính, chia sẻ rằng việc theo học TOEIC đã “ngốn” của nữ sinh một khoản tiền không nhỏ nhưng mang lại nhiều giá trị. Theo Mai, việc thi lấy chứng chỉ quốc tế giúp cô nàng cải thiện trình độ tiếng Anh một cách toàn diện, đặc biệt là kỹ năng Đọc và Nghe - hai kỹ năng quan trọng giúp sinh viên tiếp cận nhiều tài liệu học thuật và nghiên cứu quốc tế.

Mai bắt đầu học TOEIC từ năm 2 đại học và đã dành không ít thời gian, công sức lẫn tiền bạc cho các khóa học tại trung tâm. Theo nữ sinh, mỗi khóa học thường có chi phí từ 3-5 triệu đồng, và càng muốn nâng cao trình độ thì chi phí càng cao. Nhưng nhờ vào kỹ năng tiếng Anh được cải thiện rõ rệt, Mai không chỉ học tập tốt hơn mà còn tìm được các cơ hội thực tập tốt ở những công ty nước ngoài, nơi tiếng Anh là ngôn ngữ chính trong giao tiếp.

“Mình thấy việc học chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tuy đắt nhưng đáng giá. Mình không chỉ sử dụng chứng chỉ để đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp mà còn dùng để tăng cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường. Dù học bất kỳ chứng chỉ nào cũng được, miễn là nghiêm túc, nhưng mình vẫn chọn IELTS vì chứng chỉ này được công nhận rộng rãi,” Mai chia sẻ.

Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: Đầu tư lớn của sinh viên cho lợi thế nghề nghiệp ảnh 1
Học chứng chỉ Tiếng Anh quốc tế đang là lựa chọn của nhiều sinh viên hiện nay. (Ảnh minh họa bởi AI).

Nguyễn Minh An, sinh viên năm 3 Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ rằng cậu đã quyết định học và thi TOEIC thay vì sử dụng bài thi tiếng Anh nội bộ của trường để đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp. An nhận thấy rằng dù chi phí học TOEIC cao hơn, nhưng chứng chỉ này có thể sử dụng khi xin việc ở các doanh nghiệp, đặc biệt là các công ty có yếu tố quốc tế, thay vì chỉ phục vụ cho mục đích tốt nghiệp.

Nam sinh nhấn mạnh rằng chứng chỉ TOEIC sẽ giúp bản thân ghi điểm với nhà tuyển dụng hơn so với chứng chỉ tiếng Anh nội địa. An lý giải: “Dù các chứng chỉ tiếng Anh trong nước có chi phí thấp hơn và dễ đạt yêu cầu hơn, mình tin rằng với TOEIC, mình có thể dễ dàng gây ấn tượng với nhà tuyển dụng vì đây là chứng chỉ có tính công nhận quốc tế, đặc biệt phổ biến trong các tập đoàn đa quốc gia.”

Ngoài ra, theo An, các doanh nghiệp thường yêu cầu người lao động có khả năng tiếng Anh tốt để phục vụ cho các dự án quốc tế. Việc có chứng chỉ TOEIC với điểm số cao sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh cho chàng trai trẻ khi ứng tuyển vào các vị trí công việc sau này.

Sự khác biệt giữa chứng chỉ quốc tế và nội địa

Lê Thùy Linh, sinh viên năm cuối Học viện Báo chí và Tuyên truyền, chia sẻ trải nghiệm của mình khi học và thi VSTEP, chứng chỉ tiếng Anh nội địa của Việt Nam nhằm đủ điều kiện tốt nghiệp. Dù đã đạt được chứng chỉ bậc 4 của VSTEP, Linh cho rằng nếu muốn học lên cao hoặc làm việc ở các công ty nước ngoài, cô nàng sẽ cần một chứng chỉ tiếng Anh quốc tế như IELTS, TOEIC hoặc TOEFL.

Theo Linh, bài thi VSTEP có cấu trúc đơn giản hơn so với các chứng chỉ quốc tế, đặc biệt là ở các phần Nghe và Đọc. Trong khi đó, với các chứng chỉ quốc tế, phần Nghe thường có tốc độ nói nhanh hơn và đề thi yêu cầu người học nắm bắt được các chủ đề học thuật phức tạp như khoa học, thiên văn và kinh tế.

Ngoài sự khác biệt về độ khó, Linh nhận thấy các chứng chỉ quốc tế cũng có tính công nhận cao hơn, phù hợp cho những người muốn tìm kiếm cơ hội du học hoặc làm việc trong môi trường quốc tế. "Các chứng chỉ nội địa như VSTEP đủ để ra trường, nhưng nếu mình muốn có một chứng chỉ tiếng Anh có giá trị quốc tế thì chắc chắn mình phải đầu tư học thêm IELTS hoặc TOEFL," Linh chia sẻ.

Học và thi chứng chỉ quốc tế: Khó nhưng xứng đáng

Trần Thu Trang, sinh viên năm thứ ba trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học quốc gia Hà Nội, nhận định rằng học các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế không chỉ đắt đỏ mà còn đòi hỏi rất nhiều nỗ lực và thời gian. Cô nàng cho biết mình đã theo học IELTS hơn một năm và nhận thấy rằng ngoài việc thông thạo bốn kỹ năng Nghe, Nói, Đọc và Viết, người học cần có hiểu biết sâu rộng về các lĩnh vực khác nhau để đạt điểm cao.

Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: Đầu tư lớn của sinh viên cho lợi thế nghề nghiệp ảnh 2
Học - thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, người học phải bỏ ra chi phí lớn hơn.

Trang chia sẻ rằng để đạt được mức điểm IELTS 7.5, nữ sinh phải học thêm từ vựng chuyên ngành về kinh tế, khoa học, và xã hội. Điều này giúp Trang có tư duy nhạy bén hơn khi đọc hiểu các chủ đề khó và đồng thời có khả năng giao tiếp chuyên sâu hơn trong các tình huống học thuật hoặc công việc.

“Dù học IELTS vừa tốn tiền vừa khó, mình nghĩ kết quả sẽ xứng đáng. Nếu bạn chỉ cần chứng chỉ để tốt nghiệp, bạn có thể chọn thi các chứng chỉ nội địa. Nhưng nếu bạn cần chứng chỉ để mở rộng cơ hội nghề nghiệp, mình nghĩ đầu tư vào các chứng chỉ quốc tế sẽ tốt hơn,” Trang chia sẻ.

Bên cạnh đó, xu hướng tuyển dụng hiện nay cho thấy các công ty đa quốc gia có xu hướng ưu tiên những ứng viên có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế, bởi điều này chứng tỏ khả năng sử dụng ngôn ngữ ở mức độ chuyên nghiệp và có tính quốc tế.

Chứng chỉ tiếng Anh quốc tế: Đầu tư lớn của sinh viên cho lợi thế nghề nghiệp ảnh 3

Nhiều sinh viên cho rằng chứng chỉ ngoại ngữ sẽ là tấm vé mở ra cơ hội làm việc ở môi trường quốc tế. (Ảnh minh họa bởi AI)

Ông Nguyễn Văn Hiển, giám đốc điều hành của một công ty liên kết nước ngoài tại Lương Yên, Hà Nội, chia sẻ: “Chúng tôi đánh giá cao những ứng viên có chứng chỉ IELTS hoặc TOEIC với điểm số tốt vì họ có khả năng đọc hiểu tài liệu tiếng Anh, giao tiếp trôi chảy với đối tác nước ngoài. Đối với các ứng viên chỉ có chứng chỉ tiếng Anh trong nước, chúng tôi thường phải kiểm tra thêm năng lực ngôn ngữ của họ để đảm bảo rằng họ có thể đáp ứng công việc.”

Việc chọn học và thi các chứng chỉ tiếng Anh quốc tế hay nội địa là quyết định quan trọng đối với sinh viên. Mỗi chứng chỉ đều có những lợi ích và hạn chế riêng, phù hợp với từng mục đích sử dụng khác nhau. Với những ai có nhu cầu sử dụng tiếng Anh trong môi trường quốc tế, các chứng chỉ như IELTS, TOEIC hay TOEFL sẽ là khoản đầu tư đáng giá. Ngược lại, nếu mục tiêu là đáp ứng chuẩn tốt nghiệp, các chứng chỉ nội địa như VSTEP vẫn là lựa chọn tiết kiệm và hiệu quả.

Dù lựa chọn thế nào, sinh viên cần cân nhắc kỹ lưỡng, xác định rõ mục tiêu học tiếng Anh của mình để có thể đạt được những thành tựu mong muốn trong tương lai.

MỚI - NÓNG
Nghệ thuật Tuồng bừng sáng trong thế hệ khán giả trẻ
Nghệ thuật Tuồng bừng sáng trong thế hệ khán giả trẻ
SVVN - Nghệ thuật Tuồng là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền lâu đời nhất, đã tồn tại và phát triển hàng trăm năm trong xã hội phong kiến Việt Nam, được coi là “quốc hồn, quốc túy” của dân tộc. Đến nay, những vở Tuồng ấy vẫn tiếp tục tỏa sáng trên sân khấu kịch Việt Nam, lan tỏa đến thế hệ trẻ những giá trị văn hóa truyền thống quý báu của đất nước

Có thể bạn quan tâm

Nữ giáo viên 10 năm tận tụy vì trẻ khuyết tật trí tuệ

Nữ giáo viên 10 năm tận tụy vì trẻ khuyết tật trí tuệ

SVVN - Nguyễn Thị Thanh Trúc, cô giáo tận tâm tại Trung tâm Phục hồi chức năng – Giáo dục trẻ em khuyết tật Khánh Hòa, đã dành trọn 10 năm gắn bó với các em nhỏ kém may mắn. Bằng tình yêu nghề, sự nhẫn nại và lòng kiên trì, cô không chỉ giúp các em vượt qua khó khăn mà còn xây dựng cho các em nền tảng để tự lập, hòa nhập cuộc sống.
Một trường đại học tại TP. HCM dự kiến không dùng điểm học bạ trong các phương thức xét tuyển từ năm 2025

Một trường đại học tại TP. HCM dự kiến không dùng điểm học bạ trong các phương thức xét tuyển từ năm 2025

SVVN - Hội Đồng tuyển sinh trường ĐH Sư phạm TP. HCM cho biết, những năm trước, điểm học bạ được sử dụng để xét tuyển độc lập (10% chỉ tiêu) hoặc kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực (30 - 40% chỉ tiêu). Tuy nhiên, từ năm 2025, trường dự kiến không sử dụng kết quả học bạ với cả hai phương thức.
Giải mã nghịch lý nhân lực CNTT Việt Nam: Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ

Giải mã nghịch lý nhân lực CNTT Việt Nam: Cơ hội lớn, thách thức không nhỏ

SVVN - Hội thảo "Giải mã nghịch lý ngành Công nghệ: Đại bàng gõ cửa nhưng Nhân lực khép cửa", quy tụ nhiều chuyên gia giáo dục và công nghệ hàng đầu Việt Nam. Sự kiện lần đầu tiên nêu bật thực trạng bất cập khi Việt Nam, dù là điểm đến hấp dẫn của các "ông lớn" công nghệ như: Apple, NVIDIA, và Intel, vẫn gặp khó khăn trong việc cung cấp nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) chất lượng cao.
Cô giáo trẻ gieo chữ, ươm mầm ước mơ nơi đảo xa

Cô giáo trẻ gieo chữ, ươm mầm ước mơ nơi đảo xa

SVVN - Cô giáo trẻ Nguyễn Thị Thu Huyền đã lựa chọn hòn đảo Hoàng Châu (Cát Hải, TP. Hải Phòng) để gieo tri thức và ươm mầm ước mơ cho trẻ em xã đảo. Với lòng nhiệt huyết, cô không ngừng sáng tạo trong giảng dạy và truyền cảm hứng cho từng học trò, vượt qua khó khăn nơi đầu sóng ngọn gió.
Chuẩn bị tâm thế, cơ sở vật chất, huy động các nguồn lực cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Chuẩn bị tâm thế, cơ sở vật chất, huy động các nguồn lực cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025

SVVN - Tại Hội nghị tổng kết công tác thi và thanh tra, kiểm tra thi tốt nghiệp THPT, giai đoạn 2020 – 2024, Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh: “Năm nay, cả xã hội quan tâm rất nhiều tới Kỳ thi tốt nghiệp THPT, vì là năm đầu thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Học sinh, giáo viên, phụ huynh, cả xã hội chờ đợi. Chúng ta đang làm việc chăm lo cho kỳ thi, cũng là nhiệm vụ nặng nề, quan trọng của ngành trong năm 2025”.