Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống theo nghề giáo nên ngay từ bé, những giá trị cao đẹp của nghề đã sớm ngấm dần vào máu của người con Kinh Bắc. Thầy Nguyễn Đồng Anh chia sẻ: “Cả bố và mẹ tôi đều là nhà giáo, dù không có ai định hướng rằng mình phải theo nghề đâu, nhưng tại thời điểm phải đưa ra lựa chọn về một “hệ giá trị” mà bản thân mình muốn theo đuổi thì nghề giáo chính là cơ duyên, gắn bó với tôi suốt 13 năm vừa qua.”
Thầy giáo Nguyễn Đồng Anh. |
Thầy Đồng Anh cho biết, trong khoảng thời gian đó cũng có những thời điểm khó khăn, nhưng chính tình cảm chân thành của bao thế hệ sinh viên cùng sự đồng cảm, sẻ chia của các đồng nghiệp đã níu giữ thầy gắn bó với nghề. Đồng thời, sự thành công của các sinh viên sau khi ra trường cũng là nguồn động lực để những người làm nghề dạy học như thầy Đồng Anh có thêm niềm tin lớn lao vào những giá trị mà mình đang theo đuổi.
Công tác tại Học viện Ngoại giao từ năm 2010, thầy Đồng Anh hiện là Tập sự Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Tư liệu, kiêm Phó Trưởng Khoa Truyền thông và Văn hoá Đối ngoại của Học viện. Với mỗi thế hệ sinh viên, thầy không chỉ là người giảng dạy mà còn là người truyền lửa đam mê. Nhiều bạn sinh viên từng có cơ hội học tập, làm việc cùng thầy đều có chung cảm nhận thầy là một giảng viên có tâm, nhiệt huyết và luôn lan tỏa năng lượng tích cực.
Thầy Đồng Anh tại The New York Times. |
Thầy Đồng Anh tại trụ sở Facebook Cupertino. |
Thầy Đồng Anh tác nghiệp tại Trường Sa. |
Điều đặc biệt khiến vị giảng viên này được yêu thích hơn cả bởi sinh viên Học viện nói chung và sinh viên Khoa Truyền thông nói riêng, chính là tính thực tiễn trong mỗi bài giảng, bài tập dành cho các học trò của mình. Thầy Đồng Anh bày tỏ: “Quan điểm của tôi về giảng dạy và học tập trong lĩnh vực truyền thông là ngoài việc nói được thì phải làm được - cả người học lẫn người dạy học đều phải chứng minh năng lực của bản thân qua “sản phẩm”. Một nhà báo giỏi thì phải có những bài viết mang đến giá trị tích cực cho xã hội, một phóng viên - biên tập viên truyền hình phải có những phóng sự phản ánh hơi thở của cuộc sống; một nhà truyền thông quốc tế giỏi - nhất thiết phải có những sản phẩm truyền thông sáng tạo, mang đến góc nhìn thực tế, đa chiều và được công chúng đón nhận.”
Thầy Đồng Anh ứng dụng công nghệ thực tế ảo AR-VR trong giảng dạy. |
Thầy Đồng Anh và thầy Koci Hernendez - Giáo sư đầu ngành Truyền thông Đa phương tiện, Đại học California - Berkeley. |
Là một giảng viên chuyên nghiệp, một nhà nghiên cứu và hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực báo chí đối ngoại, truyền thông quốc tế và ngoại giao số của Việt Nam, thầy Đồng Anh cho rằng ngoài việc nắm vững các kiến thức chuyên ngành, có các kỹ năng phù hợp và cần thiết với nghề sư phạm, thì giảng viên đại học trong thời đại số cũng phải liên tục cập nhật bản thân để trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. “Phiên bản” ấy phải tương thích với nền tảng số, có những hiểu biết đủ để thích nghi và phát triển trên nền tảng này. Chuyển đổi số là một nhu cầu tất yếu của thời đại và người giảng viên không thể nằm ngoài sự vận động đó. Họ buộc phải chuyển đổi tư duy và hành động, vận dụng sáng tạo công nghệ để phục vụ tốt hơn yêu cầu của công việc, trong đó có những mong đợi chính đáng của người học.
Thầy Đồng Anh trả lời phỏng vấn ở Jerusalem. |
Thầy Đồng Anh tại phòng họp Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc UN. |
“Mọi người hay nghĩ về “thời đại số” là việc ứng dụng, sử dụng công nghệ số, mạng internet, trí thông minh nhân tạo AI,… vào các lĩnh vực nghề nghiệp. Nhưng có lẽ cũng cần phải chú trọng đến yếu tố con người trong thời đại số với những thay đổi về nhận thức, tư duy và tâm lý. Người giảng viên trong thời đại số là người “ươm mầm” những giá trị của con người trong thời đại này. Và hơn ai hết, họ cần phải có cách hiểu, cách tiếp cận phù hợp với “hạt giống” và “mầm cây” của mình. Cụ thể, bên cạnh lợi thế am hiểu về chuyên môn, giảng viên trong thời đại số cũng phải hiểu tường tận về người học của mình, là những Gen Z, Gen Alpha sinh ra và lớn lên trên nền tảng số, với những nét tính cách khác biệt, nhu cầu về học tập và rèn luyện rất khác so với những thế hệ trước đó” - Thầy Đồng Anh chia sẻ.
Ở góc độ khác, thầy Đồng Anh cũng đã chỉ ra những điểm mạnh đáng kỳ vọng của thế hệ sinh viên ngày nay. Thầy cho biết: “Sau giai đoạn hơn 30 năm đổi mới, mọi điều kiện về kinh tế, xã hội của đất nước đều phát triển vượt bậc. Chính vì vậy mà ngay từ khi sinh ra và lớn lên, các bạn sinh viên ngày nay đã được thừa hưởng những thành quả tốt đẹp nhất của gia đình và xã hội. Các bạn cũng thích nghi rất tốt với sự thay đổi của bối cảnh sống, đặc biệt là trong cuộc cách mạng khoa học - công nghệ hiện đại. Chính các bạn ấy đã trở thành những công dân bản địa đầu tiên của kỷ nguyên số, xã hội số, với sự hiểu biết và năng lực đáp ứng những nhu cầu mới của thời đại. Tôi có một niềm tin rằng thế hệ các bạn sinh viên ngày nay sẽ là những người hiện thực hóa mục tiêu đất nước Việt Nam trở thành một quốc gia phát triển, người dân có thu nhập cao vào năm 2045.”
Thầy Đồng Anh dẫn sinh viên đi thực tế tại United Nations Vietnam (Liên Hợp Quốc tại Việt Nam). |
Đối với sinh viên của mình ở Học viện Ngoại giao, thầy Đồng Anh nhận thấy ngoài những đặc điểm chung kể trên, nhóm sinh viên này còn có yêu cầu về học tập và rèn luyện rất cao, mang tới nhiều động lực và đôi khi là cả áp lực đối với các thầy cô giáo, đòi hỏi họ phải luôn tự cập nhật, nâng cấp và hoàn thiện bản thân, tạo ra “sức sống mới ” cho bài giảng của mình cũng như môi trường học tập ngày càng tốt hơn cho sinh viên.
Thầy Đồng Anh hiện đang là Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao khóa XIX. |
Một trong những điều đặc biệt góp phần tạo nên sức hút của vị giảng viên này là sức trẻ và tinh thần tiên phong trong các hoạt động thanh niên. Được biết, thầy Đồng Anh hiện đang là Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao khóa XIX. Thầy bộc bạch: “Tôi tham gia công tác Đoàn và phong trào thanh niên ở Học viện Ngoại giao cũng như ở Bộ Ngoại giao một cách tự nhiên như là hơi thở mà thôi. Vì tôi cảm thấy ở đó có cái “chất” của tuổi trẻ, có những người chung chí hướng, gắn bó với nhau, cùng rèn luyện để trưởng thành hơn mỗi ngày.”
Hoạt động Trại hè Anh ngữ Miễn phí cho trẻ em Hà Nội do Đoàn Thanh niên Học viện Ngoại giao tổ chức. |
Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao - Chương trình Về nguồn tại Đồn biên phòng Pha Long năm 2022. |
Qua đó, thầy Đồng Anh mong muốn nhắn nhủ đến các bạn sinh viên, đoàn viên thanh niên cùng tích cực tham gia vào các hoạt động Đoàn và phong trào thanh niên, để được “cháy” hết mình cho tuổi trẻ của chính bản thân mình - tuổi trẻ mà chúng ta chỉ có một lần duy nhất trong đời.
Thầy Nguyễn Đồng Anh công tác tại Học viện Ngoại giao từ năm 2010, hiện là Tập sự Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Tư liệu, kiêm Phó Trưởng Khoa Truyền thông và Văn hoá Đối ngoại Học viện Ngoại giao; đồng thời là Bí thư Đoàn Thanh niên Bộ Ngoại giao.
Thầy Nguyễn Đồng Anh từng đạt giải thưởng Quốc tế “The Crowbar Awards” về Quảng cáo & Sáng tạo tại Singapore năm 2006, giải thưởng “Sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam năm 2014”; giải Ba- Tin học trẻ Toàn quốc khối cán bộ công chức năm 2015; là giảng viên trẻ tiêu biểu cấp Trung ương năm 2019; một trong các đại diện Việt Nam tại Hội nghị các nhà phát triển ứng dụng toàn cầu WWDC - Worldwide Developer Conference của Hãng Apple tại California năm 2016; đại diện Việt Nam tại Hội nghị phát minh ngành Truyền hình thế giới – Innovation in Television (tại Jerusalem năm 2017); thành viên đề tài khoa học trọng điểm quốc gia về Mạng xã hội năm 2020; thành viên chủ chốt của nhiều đề tài khoa học cấp Bộ về truyền thông quốc tế, tác giả của các công trình nghiên cứu phục vụ công tác đối ngoại, đồng chủ biên nhiều sách tham khảo, giáo trình báo chí đối ngoại và truyền thông quốc tế.
Thầy Đồng Anh cũng là nhà sản xuất, giám sát format của các chương trình truyền hình nổi tiếng như Đuổi Hình Bắt chữ (từ 2010-2019), Ai trúng số độc đắc (2013-2016), Chuyến xe kỳ thú (2019-2023), Chiến thắng Internet (2022-2023). Những kinh nghiệm dày dặn trong quá trình học tập và làm việc tại các hãng thông tấn, báo chí truyền thông lớn của thế giới và Việt Nam như: CNN, New York Times, ITV UK, CBS USA, VTV,… khiến cho mỗi bài giảng của thầy tại Học viện Ngoại giao luôn sinh động và thực tiễn.