Với nhiều kỳ thi, đợt thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy được tổ chức trong năm 2023, GS. TS Nguyễn Tiến Thảo – Giám đốc Trung tâm Khảo thí ĐHQG Hà Nội, cho biết: Thí sinh nên cân nhắc để lựa chọn kỳ thi phù hợp với mục tiêu xét tuyển ĐH của mình. Năm nay, ĐHQG Hà Nội tổ chức 8 đợt thi, từ tháng 3 - 6/2023, chủ yếu sắp xếp vào cuối tuần, mỗi đợt thi có khoảng 2 - 3 ca thi.
Thí sinh bắt đầu đăng ký thi từ ngày 6/2 cho các đợt thi tháng 3 - 4/2023, đăng ký từ ngày 18/3 cho các đợt thi tháng 5 - 6/2023. Cổng đăng ký mỗi ca thi chỉ đóng khi hết chỗ hoặc tối thiểu trước 14 ngày thi chính thức để thực hiện quy trình thi.
“ĐHQG Hà Nội khống chế mỗi thí sinh chỉ được đăng ký thi tối đa 2 lượt/năm, mỗi lần thi cách nhau tối thiểu 28 ngày. “Việc giới hạn số lượt dự thi xuất phát từ thực tế năm 2022 với hơn 20.000 lượt thí sinh dự thi từ 2 lần trở lên nhưng điểm bài thi không thay đổi, gây lãng phí xã hội, đồng thời ảnh hưởng đến các thí sinh khác có nhu cầu. Kỳ thi của ĐHQG Hà Nội được sử dụng để xét tuyển vào khoảng 60 trường ĐH cả nước”, GS. TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết.
“Trong khi đó, kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP. HCM được khoảng 86 trường ĐH trên cả nước sử dụng xét tuyển”, GS. TS Nguyễn Quốc Chính – Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP. HCM cho biết.
Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022. Ảnh: DƯƠNG TRIỀU |
Đối với việc thí sinh tham gia các “lò” luyện thi đánh giá năng lực, GS. TS Nguyễn Quốc Chính nhìn nhận, luyện thi cũng có ưu điểm là giúp thí sinh có kinh nghiệm làm bài, tự tin hơn. Có những nơi luyện thi sử dụng cấu trúc bài thi của ĐHQG TP. HCM, nếu làm khoa học thì vẫn hữu ích cho thí sinh.
GS. TS Nguyễn Quốc Chính nói: “Tuy vậy, thí sinh phải xác định việc luyện thi này không thể thay thế việc tự học một cách khoa học, toàn diện. Nguyên tắc bài thi đánh giá năng lực có ngữ liệu mở rộng, cho nên không yêu cầu thí sinh nhớ kiến thức, mà phải rèn luyện tư duy, kỹ năng, học đầy đủ, toàn diện chứ không học tủ, học vẹt”.
GS. TS Nguyễn Tiến Thảo cũng cho rằng, không khuyến khích thí sinh tham gia các nhóm ôn luyện, vì không có tác dụng nhiều ngoài việc giúp thí sinh yên tâm hơn. Theo đánh giá, năm 2022, các thí sinh đạt điểm cao đều chỉ cần học tốt và nắm vững chương trình phổ thông, còn việc luyện thi trong thời gian ngắn chỉ đạt kết quả trung bình hoặc khá. Đặc biệt, thí sinh phải rèn luyện năng lực, kỹ năng, chứ với ngân hàng đề thi lớn thì không thể học tủ được.
GS. TS Nguyễn Tiến Thảo cũng đưa ra lời khuyên thí sinh cần tìm hiểu thông tin chính thống từ nhà trường, không nên hỏi qua các diễn đàn, nhóm luyện thi trong đó có nhiều thông tin không chuẩn xác, “tam sao thất bản”, dễ gây hoang mang.
Theo PGS. TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, kỳ thi Đánh giá tư duy năm 2023 dự kiến sẽ tổ chức 3 đợt vào tháng 5 - 6 và 7/2023 tại Hà Nội và một số tỉnh phía Bắc.
Năm 2023 cũng sẽ là lần đầu tiên bài thi đánh giá tư duy tổ chức thi trắc nghiệm trên máy tính trong thời gian 1 buổi, giảm từ 270 phút xuống còn 150 phút.
Kỳ thi nhằm đánh giá tư duy ở 3 cấp độ: Tư duy tái hiện, tư duy suy luận và tư duy bậc cao, ở các lĩnh vực toán học, đọc hiểu và khoa học, giải quyết vấn đề. Với sự điều chỉnh này, kỳ thi có thể được sử dụng để tuyển sinh vào các ngành: Khoa học Công nghệ, Kinh tế, Kỹ thuật, Công nghiệp, Nông nghiệp, Tài chính, Ngân hàng, Y Dược.