Thượng tá Lưu Thanh Long – Phó Trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an TP. HCM đã hướng dẫn sinh viên nhận diện đa cấp trái phép, tại buổi nói chuyện với sinh viên trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, do Trung tâm dịch vụ sinh viên trường tổ chức.
CA TP. HCM tiếp tục làm rõ hành vi lừa đảo của “Team khởi nghiệp 360”
Thượng tá Lưu Thanh Long thông tin, hiện cơ quan chức năng đã tiếp nhận 11 đơn tố cáo của sinh viên tại TP. HCM về hành vi lừa đảo của “Team khởi nghiệp 360” hoạt động theo hình thức đa cấp trái phép thời gian qua.
Team khởi nghiệp 360 có tổng cộng 10 chi nhánh ở khắp các quận, huyện. Mỗi chi nhánh có 80 - 100 sinh viên tham gia sinh hoạt, ước chừng có khoảng gần 1.000 sinh viên tham gia. Một số trường có đông sinh viên tham gia hệ thống này là: ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM, ĐH Luật TP. HCM, ĐH KHXH&NV, ĐH Kinh tế h Luật (ĐHQG TP. HCM), ĐH Mở TP. HCM, ĐH Giao thông Vận tải TP. HCM và rất nhiều trường đại học, cao đẳng khác tại TP. HCM.
Cơ quan chức năng xác định, sinh viên đóng nhiều nhất là 400 triệu đồng. Một trường hợp là nữ sinh viên trường ĐH KHXHNV (ĐHQG TP. HCM) đóng 200 triệu đồng để trở thành “doanh nhân Đồng”. Người đứng đầu “Team khởi nghiệp 360” được cho là Khoa, nguyên là một thành viên của một công ty đa cấp tách ra “khởi nghiệp”, trong khi “phó tướng” của Khoa là một cựu sinh viên trường ĐH Mở TP. HCM, tên Đỗ Thị Thu Trang.
Những nạn nhân được nhận vào trực điện thoại, nhập dữ liệu nhưng sau 3 ngày đào tạo thì được dụ dỗ sang bộ phận kinh doanh để “phát triển năng lực”. Nạn nhân được yêu cầu mua gói sản phẩm hơn 9 triệu đồng để trở thành nhân viên. Sau đó, tiếp tục mua các gói lên đến hàng trăm triệu đồng để đạt các mức “doanh nhân Đồng”, “doanh nhân Bạc” và “doanh nhân Vàng”.
Thủ đoạn của nhóm này là bắt sinh viên từ ký vào hồ sơ, giữ hết giấy tờ và hóa đơn đóng tiền để phi tang khi có “biến”. Sau mỗi buổi “huấn luyện”, sinh viên đều phải xóa hết tất cả dữ liệu, hình ảnh trong điện thoại; hướng dẫn sinh viên viết giấy tự nguyện tham gia, tự nguyện đóng tiền không bị ai ép buộc...
“Theo nguyên tắc, để xử lý hành vi lừa đảo, phải có đơn tố cáo của nạn nhân. Nhưng khi cơ quan chức năng kêu gọi sinh viên tố giác, đa phần không thể thực hiện vì không có hóa đơn, biên lai chứng minh nộp tiền. Thậm chí, có trường hợp, khi chúng tôi phối hợp cùng nhà trường và phụ huynh đi tìm và giải thích rõ đây là đường dây đa cấp trái phép lừa đảo, bạn sinh viên này kiên quyết phản bác chính ba mẹ mình”, Thượng tá Long cho biết.
Hiện nay, Công an TP. HCM đã xác định được 4 dấu hiệu vi phạm của “Team khởi nghiệp 360”: Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả con dấu và tài liệu của cơ quan Nhà nước; Trốn thuế; Kinh doanh đa cấp trái phép. Công an TP. HCM cũng điều tra thêm dấu hiệu môi giới xuất cảnh trái phép của nhóm này.
Nhận diện các hình thức lừa đảo
Theo ông Long, dấu hiệu nhận biết đa cấp trái phép: Không kinh doanh một mặt hàng cụ thể hoặc chỉ là các sản phẩm "ảo": Tiền “ảo”, ví điện tử, dịch vụ chăm sóc sức khỏe và du lịch, giáo dục “ảo”. Các hình thức này khi đã lớn mạnh sẽ tìm cách “sập” hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản.
Kêu gọi đầu tư theo hình thức đóng tiền vào các dịch vụ “ảo” hoặc dự án không tồn tại để chính thức tham gia vào hệ thống và thăng cấp. Hướng dẫn xây dựng hệ thống bán hàng thông qua chèo kéo người khác cùng tham gia: Cha mẹ, anh em ruột hoặc họ hàng thân thích (khách hàng “nóng”), người quen lẫn người lạ (khách hàng “lạnh”).
Cơ quan chức năng cảnh báo, đa cấp trái phép nhắm mạnh đến nhóm sinh viên ngoại tỉnh. Đa phần các bạn còn bỡ ngỡ khi vào sống tại thành phố lớn, được hứa hẹn viễn cảnh tốt đẹp mà phụ huynh kỳ vọng và dễ ủng hộ. Hơn nữa, phụ huynh không ở cùng con nên khó kiểm tra và bảo vệ. Trong khi sinh viên là người thành phố có độ hiểu biết tốt hơn, gia đình dễ kiểm soát và giúp con em tránh sa vào bẫy lừa.
Các hình thức đầu tiên để tiếp cận sinh viên là tuyển sinh viên làm thêm với mức thu nhập hấp dẫn từ 7 - 10 triệu đồng/tháng cho các công việc đơn giản: Trực điện thoại, nhập liệu, bán hàng... Đa phần tuyển dụng qua quảng cáo tờ rơi, mạng xã hội hoặc các kênh không chính thống, khó kiểm chứng được tính xác thực nội dung.
Các “chuyên viên” sẽ “chăn” theo hình thức “1 kèm 1” để tìm hiểu hoàn cảnh và nguyện vọng của sinh viên, sau đó khích lệ và đánh vào “khát vọng làm giàu”, đề xuất đào tạo để phát triển lên cao... Kèm theo đó là các hứa hẹn mức thu nhập hấp dẫn nếu “chứng tỏ được năng lực”. Đặc biệt nhấn mạnh vào cơ hội thăng tiến như “chỉ có mình em được”, kèm theo các đảm bảo như: "Vì em là đồng hương nên anh/chị mới giúp”, “thấy em có năng lực và khát vọng mới giúp”...
Các màn “kiểm tra năng lực” sẽ được tiến hành sau đó thông qua mô hình con số: 9, 79, 99... Sinh viên bằng mọi cách kiếm được số tiền ứng với con số đó nộp cho hệ thống. Tùy vào mức đóng sẽ được “bổ nhiệm chức danh” tương đương. Khi sinh viên đã đóng đủ, vì áp lực các bạn tiếp tục đi tìm "con mồi" khác vào hệ thống.
Thượng tá Lưu Thanh Long cảnh báo: “Đằng sau giảng đường đang có vô vàn cạm bẫy chực trờ sinh viên với nhiều thủ đoạn tinh vi. Để phòng tránh, các bạn cần phải tỉnh táo, biết chọn lọc thông tin và nhận diện các hình thức này. Luôn nghi vấn và tự đặt câu hỏi trước những thông tin bất thường. Thêm vào đó, cần phải xác định nhiệm vụ chính của sinh viên là học tập chứ không phải tham gia các hình thức khởi nghiệp và làm giàu nhanh chóng. Bởi ngay cả những doanh nhân chân chính và dày dặn kinh nghiệm thương trường cũng vất vả kiếm tiền, không dễ dàng để kiếm được thu nhập “siêu tưởng tượng” như các mô hình lừa đảo đang dẫn dụ sinh viên”.