“The 2021 IYSL Online - SDGs Innovation Competition” là cuộc thi Sáng kiến cho Mục tiêu Bền vững của Liên hiệp quốc - Kỹ năng Lãnh đạo Bền vững của Thanh niên 2021, được tổ chức nhằm mục đích kêu gọi các dự án về kinh tế - xã hội tìm kiếm các giải pháp khả thi cho các vấn đề địa phương hướng tới phát triển bền vững.
Thông qua cuộc thi, nhóm sinh viên trường ĐH Nông Lâm TP. HCM gồm: Lê Thị Cẩm Thương, Trần Nguyễn Thạch Lam, Trương Thị Cẩm Tuyền, Lê Thanh Bình, Bùi Trương Hà Nha đã đề ra một dự án mang tên “Trải nghiệm thực tế nâng cao nhận thức về giá trị rừng”.
Ý tưởng thực hiện dự án của nhóm sinh viên trường ĐH Nông Lâm TP. HCM xuất phát từ quá trình nhận thức việc khai thác quá mức nguồn động thực vật để phục vụ cho sản xuất khiến rừng dần bị suy thoái. Thêm vào đó là sự trăn trở về đời sống vật chất của người bản địa chưa cao dẫn đến việc họ bị thu hút bởi các nguồn lợi trước mắt từ rừng. Ngoài ra, theo nhóm, nhận thức của cộng đồng chưa đủ và đúng về môi trường rừng do thiếu các hoạt động thiết thực từ trong học đường đến bên ngoài xã hội.
Cuộc thi được tổ chức trong phạm vi khu vực châu Á. |
Dự án nhằm kết nối người có nhu cầu trải nghiệm môi trường rừng, qua các hình thức dã ngoại, phù hợp với đặc điểm của từng hệ sinh thái rừng tại địa phương góp phần nâng cao nhận thức của những người tham gia.
Ngoài ra, dự án còn hướng dẫn cộng đồng địa phương xây dựng kiến thức phục vụ cho dự án góp phần tạo ra hệ sinh thái rừng bền vững, tối ưu cả về mặt kinh tế và môi trường.
Nhóm sinh viên trường ĐH Nông Lâm TP. HCM thuyết trình trực tuyến. |
Chia sẻ cảm xúc sau khi nhận giải thưởng, Lê Thị Cẩm Thương - Trưởng nhóm cho biết: “Mình và thành viên của nhóm cảm thấy rất vinh dự khi được đại diện trường cũng như đại diện Việt Nam tham dự cuộc thi, càng vinh dự hơn khi chúng mình mang về giải Ba cho trường. Nhóm đoạt giải phần lớn là nhờ sự chăm chỉ, cố gắng và nỗ lực của cả đội nhiều ngày qua vì ngày nào chúng mình cũng lên lịch họp từ 2-4 tiếng để cùng nhau trao đổi công việc. Sau đó, chúng mình phải chia việc theo nhóm nhỏ để thực hiện, gần như không có ngày nghỉ nên kết quả nhận được thực sự rất xứng đáng”.
Trong tương lai, nhóm mong muốn dự án sẽ được áp dụng vào thực tiễn. Thông qua dự án, đối tượng tham gia một cách trực tiếp hay gián tiếp sẽ nhận thức một cách sâu sắc về các giá trị của rừng mang đến cho con người và hệ sinh thái. Qua đó, người dân tại địa phương sẽ phát triển và bảo vệ rừng, góp phần giảm thiểu thiên tai, nóng lên toàn cầu, mở rộng hệ sinh thái... Quan trọng hơn, dự án đồng thời giúp giảm thiểu những tổn thất về kinh tế và con người.