Thích thú “săn” sale
Sự phát triển của các trang thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo… đã hình thành thói quen mua sắm online cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, các trang này cũng biết cách thu hút người mua bởi những chương trình khuyến mãi lớn hàng năm nhân dịp Black Friday, Tết Nguyên đán, lễ Tình nhân Valentine, lễ Quốc Khánh, lễ 30/4 - 1/5… Các chương trình khuyến mãi này được áp dụng cho hầu hết các ngành hàng, đặc biệt là đồ điện tử - công nghệ, đồ điện gia dụng, sản phẩm chăm sóc sắc đẹp… Thậm chí, đỉnh điểm của các đợt sale lớn là ưu đãi thanh toán (thanh toán trực tuyến giá rẻ với các ví điện tử liên kết) và ưu đãi vận chuyển (free ship hoặc hỗ trợ chi phí vận chuyển).
Bạn trẻ ngày cang ưa chuộng mua sắn online. |
Vũ Thành Công (trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM) thường “săn sale" vào những tháng chi phí sinh hoạt không quá cao và còn dư ra một khoản để mua sắm những món đồ mình thích. Nam sinh viên chia sẻ: “Khi mua được đồ mình thích với giá rẻ, mình cảm thấy vui và thoải mái, cũng như có động lực phấn đấu làm việc hiệu quả hơn trong tháng tới. Kỉ niệm vui khi mua hàng giảm giá là có lần, mình đặt một lúc hơn chục món nên nhìn lại cũng thấy giật mình. Chuyện thanh toán thì ổn nhưng do đặt mua ở nhiều shop khác nhau nên thời gian vận chuyển cũng khác. Thế là “săn sale" từ đầu tháng mà tới cuối tháng vẫn có shipper ghé giao hàng, người nhà nhận đồ nhiều đến nỗi quen mặt shipper và còn xin số điện thoại liên hệ”.
Thành Công thường “săn sale" vào những tháng chi phí sinh hoạt không quá cao. |
Về kinh nghiệm “săn sale" hiệu quả, Công cho biết, mình thường “canh” những khung giờ “vàng” trên các nền tảng mua sắm. Trước đó, Công còn đi tìm và chuẩn bị sẵn các mã giảm giá lấy được từ các trang, nhóm về mua sắm trên mạng xã hội để khi vừa “bung” sale là anh sẽ ngay lập tức áp dụng được.
Với Bùi Lê Hoàng Nguyên (trường ĐH Giao thông Vận tải), cậu thường mua hàng giảm giá đối với các mặt hàng như quần áo, đồ điện tử như bàn phím, tai nghe vì bản thân chơi game nhiều. Đa phần, Nguyên chọn mua hàng của các shop có tick xanh trên Shopee nên anh đánh giá chất lượng sản phẩm khá tốt.
Kích thích cung - cầu
Hưởng ứng theo các trang thương mại điện tử lớn, các shop bán hàng online trên Facebook, Instagram, đặc biệt với mặt hàng thời trang, cũng tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi phục vụ người tiêu dùng. Các shop này thường bán đồng giá, sale một số sản phẩm hoặc toàn bộ sản phẩm, dù là hàng mới về hay các mặt hàng “best-seller”. Chỉ trong vài ngày sale, tin nhắn khách hàng gửi về cho hộp thư của các shop đã tăng vọt.
Trần Thị Hương Nhu (sống tại TP. HCM) chia sẻ: “Mình thường mua hàng trên Shopee và từng “săn” được nhiều mã giảm giá như giảm 50% giá trị sản phẩm, free ship hay mua sản phẩm với giá 1.000 đồng. Mình rất vui khi mua được sản phẩm chất lượng mà giá cả lại rẻ”.
Nhờ “săn sale", Hương Nhu mua được nhiều mặt hàng với giá “hời”. |
Thường vào những ngày đôi trong tháng (6/6, 12/12...), các trang thương mại điện tử lớn như Shopee, Lazada, Tiki… lại đồng loạt sale mạnh. Không khó để bắt gặp thông tin về các voucher, deal giá rẻ, sản phẩm 0 đồng… trên website của những nền tảng mua sắm này. Thậm chí, các sản phẩm bán chạy nhất cũng được giảm giá. Khách hàng mua càng nhiều, sẽ càng được giảm nhiều. Nhiều mặt hàng được hỗ trợ trả góp, miễn phí chi phí lắp đặt cũng được “tung” ra khiến người tiêu dùng thích thú.
Các chương trình khuyến mãi online là cách kích thích cung - cầu rất tốt, nhất là trong thời điểm dịch bệnh hiện tại. Việc mua sắm online thuận lợi cho cả người bán lẫn người mua, khi họ không cần trực tiếp tiếp xúc với nhau mà vẫn trao đổi được những sản phẩm chất lượng, với giá rẻ.
Lần mua sale nhiều nhất của Mạnh Quốc Quân (trường ĐH Công nghệ TP. HCM) là 5 món hàng, tổng đơn đắt nhất là 1,2 triệu đồng. Quân cho biết, cậu thấy việc chạy chương trình khuyến mãi online là cách mua sắm tốt nhất trong hoàn cảnh hiện tại, vì người mua vẫn còn e ngại khi mua hàng trực tiếp.
Quốc Quân mua sắm online để đảm bảo an toàn. |
Nói về “điểm trừ” của các chiến dịch khuyến mãi online, Quân chia sẻ thêm: “Mình thấy các chương trình cũng có điểm chưa tốt. Nhiều khi, họ chú trọng làm truyền thông nhưng về mặt chất lượng hay chi phí vận chuyển chưa thực sự ổn. Có những trường hợp giảm giá xong họ đôn phí vận chuyển lên cao. Làm vậy có thể xem là chiêu trò câu dẫn khách hàng. Nói chung, mình không phủ nhận việc nhờ có các chương trình khuyến mãi online mà các shop bán hàng vượt qua giai đoạn khó khăn này, đồng thời người mua cũng an tâm hơn thay vì đi mua hàng trực tiếp”.