Women’s Empowerment Club (WEC) – CLB Trao quyền Phụ nữ là một chương trình được khởi xướng, thiết kế và tài trợ toàn phần bởi Tổng Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP. HCM từ năm 2017 đến nay. Đã trải qua 5 năm hoạt động, WEC trở thành một cộng đồng mở, lắng nghe tiếng nói của người phụ nữ, giúp họ khẳng định được vị thế của mình.
Các thành viên WEC tham gia buổi học. |
Đối với các giá trị mà WEC mang lại cho các thành viên, chị Nguyễn Trần Diệu My (đại diện WEC - trưởng dự án khóa 12) chia sẻ: “Giữa cuộc sống bộn bề, WEC mang đến một môi trường an toàn, thấu hiểu để mỗi thành viên thoải mái thể hiện bản thân, nhận ra được những giá trị cốt lõi mà mình đang theo đuổi. Thông qua WEC, các thành viên sẽ tìm được những người bạn đồng hành, cùng nhau lan tỏa những giá trị tích cực”.
Chị Uông Thị Thu Hà (Cựu sinh viên RMIT) chia sẻ về hành trình chị gắn bó xuyên suốt với câu lạc bộ: “WEC là một cú rẽ đưa mình về lại với giá trị cốt lõi, một chiếc phao cứu sinh vào thời điểm mình đang tìm kiếm lại bản thân sau khủng hoảng. WEC giúp mình khẳng định lại các giá trị cốt lõi mà bấy lâu nay mình bị mất kết nối vì định kiến từ chính bản thân, gia đình hay xã hội. Quan trọng hơn cả, mình tôn trọng sự khác biệt của bản thân khi đặt mình vào một cộng đồng đa dạng màu sắc. Từ đó, tự tin khẳng định chứ không còn cảm giác so sánh mình với “con nhà người ta” như trước nữa”.
Các thành viên đang bàn luận về các vấn đề đặt ra trong buổi học. |
Chị Anh Đào (Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ĐHQG TP. HCM, thành viên khóa 12) chia sẻ: “Có cơ hội được “học như những đứa trẻ”, tôi đã rời xa những suy nghĩ, phán xét rập khuôn để nhường chỗ cho những giá trị sống tích cực và quan trọng nhất là biết được cách tốt nhất để yêu thương”.
Nguyễn Thanh Tâm (khoa Quan hệ công chúng, trường ĐH Văn Lang) rất ấn tượng với chữ Empower (Tạm dịch: Trao quyền) khi nhắc đến WEC. Thanh Tâm bộc bạch: “Thông điệp trao quyền cho bản thân - Phụ nữ trao quyền cho phụ nữ - Trao quyền cho cộng đồng, là một thông điệp rất mới và đặc biệt. Mình đã hiểu thêm về những cách khám phá nội lực bản thân, tìm thấy được hạnh phúc nội tại và lòng tự tôn của phái nữ. Đồng thời, mình cũng cảm thấy tự hào khi được biết đến những người phụ nữ dám nghĩ, dám làm. Đây chắc chắn là hình mẫu mà mình sẽ hướng tới trên con đường trở thành một người phụ nữ hiện đại”.
Cô Bích Hà - huấn luyện viên chính của WEC khóa 12 đã đồng hành cùng WEC trong một thời gian dài. Cô chia sẻ: “Tôi tin rằng, với sức mạnh nội tại sẵn có, những người phụ nữ trong WEC sẽ hoàn thành tốt các dự án đã đề ra. Thông qua các buổi học, từng thành viên sẽ dần biết cách sống trọn vẹn và hạnh phúc hơn. Từ đó, lan tỏa những giá trị hạnh phúc đến cho cộng đồng”.
Cô Bích Hà và những chia sẻ tích cực về giá trị sống của phụ nữ. |
Theo cô Hà, bất cứ ai cũng cần được tiếp cận đến những giá trị sống tích cực. Trong xã hội hiện tại, người trẻ cũng là đối tượng cần được quan tâm hơn. Đối diện với các vấn đề về sức khỏe tinh thần, người trẻ cần nhìn nhận một cách đúng đắn về bản thân cũng như học cách tìm ra lối đi đúng đắn cho mình.
Biết đến WEC qua các dự án mà câu lạc bộ hợp tác thực hiện cùng các dự án thiện nguyện, Trương Phụng Anh (khoa Kinh tế đối ngoại, trường ĐH Ngoại thương) rất háo hức để có thể trở thành một thành viên của tổ chức này. Phụng Anh bày tỏ: “Sau khi tìm hiểu về WEC, mình cảm thấy rất hứng thú với những công việc mà câu lạc bộ đang thực hiện. Đây là một môi trường thuận lợi để người trẻ như mình được phát triển, cùng mọi người thực hiện các hoạt động xã hội, giúp đỡ cộng đồng”.
Nguyễn Trung Hiếu (khoa Ngữ văn Đức, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TP. HCM, thành viên Ban Tổ chức) cho biết, trở thành một phần của WEC là một bước ngoặt đối với Hiếu. WEC đã mang lại một cách nhìn nhận khác về phụ nữ trong vai trò lãnh đạo mà trước đó Hiếu chưa nghĩ tới. “Lần đầu được làm việc trong môi trường chuyên nghiệp đã giúp mình có thêm nhiều kinh nghiệm. Khi được gặp gỡ với nhiều người giỏi, mình càng có thêm động lực để học tập và khẳng định bản thân”, Hiếu tâm sự.