Ban đầu, Tiến xin lại rác thải từ người thân, bạn bè, các trường học rồi tự thử nghiệm. Thấy dự án khả thi, anh bắt đầu mua máy móc mở xưởng chuyên tái chế rác thải và thành lập đội tình nguyện Dấu Chân Xanh.
Nói về ý tưởng thực hiện dự án, Khắc Tiến chia sẻ: “Có quá nhiều rác thải độc hại bị thải ra ngoài môi trường. Các rác thải vô cơ bị lẫn với rác thải hữu cơ, điển hình như vỏ hộp sữa phải mất hơn 500 năm để phân huỷ. Nhiều nước đã tái chế loại rác thải này nên mình muốn tách vỏ hộp sữa ngay từ đầu để tái chế thành các sản phẩm có ích”.
Tiến khẳng định: “Đây là loại nguyên liệu tốt, nếu có cách xử lý phù hợp sẽ thay thế được rất nhiều nguyên liệu chúng ta đang khai thác từ thiên nhiên”. Các sản phẩm tái chế từ vỏ hộp sữa có độ bền rất cao, chống thấm nước, mối mọt và cách điện. Ngoài ra, mức độ phát sinh kim loại nặng, formaldehyde… là rất thấp nên có thể ứng dụng vào sản phẩm gia dụng, nội thất hay xây dựng.
Những chậu cây xinh xắn được tái chế từ vỏ hộp sữa. |
Quá trình tái chế bắt đầu từ công đoạn thu thập vỏ hộp sữa. Bên cạnh một vài địa điểm thu gom cố định tại Hà Nội, anh còn mở điểm thu nhận ở các tỉnh, thành phố như Hưng Yên, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP. HCM. Hằng tháng, nhóm Dấu Chân Xanh cũng tổ chức các chương trình đổi vỏ hộp sữa lấy sản phẩm tái chế thu hút đông đảo sự quan tâm của các bạn trẻ. Sau khi làm sạch, vỏ hộp được cắt nhỏ và nghiền thành bột giấy rồi ép nhiệt. Cuối cùng là tạo hình và gia công.
Theo Tiến, công đoạn khó nhằn nhất là ép nhiệt, bởi vừa phải điều chỉnh nhiệt độ dưới áp lực lớn, vừa phải tính toán lượng nguyên liệu vừa đủ. “Lần đầu tiên, thử nghiệm sản phẩm ở dạng đúc khuôn, do chưa điều chỉnh được lượng nguyên liệu đầu vào hợp lý nên thử nghiệm bị nổ. Mình bị nguyên liệu bắn ra đầy người. Nhưng cũng từ lần đó mà mình đã thành công trong việc ứng dụng để ép khuôn”, Khắc Tiến nhớ lại.
Sau ba năm hoạt động, dự án đã thành công sản xuất được số lượng lớn các sản phẩm như chậu cây, dĩa lót, các sản phẩm nội thất, xây dựng như bàn, ghế, tấm kệ… Các sản phẩm chậu cây, dĩa lót có giá dao động từ 5.000 đồng đến 400.000 đồng. Còn sản phẩm bàn ghế thì có giá từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Chia sẻ về những khó khăn khi vận hành dự án, Khắc Tiến cho biết, vỏ hộp sữa thường bị trộn lẫn với các loại rác thải hữu cơ nên việc thu gom gặp khá nhiều khó khăn. Máy móc sản xuất cũng là máy cũ được mua về, nghiên cứu chế tạo lại cho phù hợp nên mất nhiều thời gian và chi phí. Ngoài ra, việc đưa sản phẩm đến người tiêu dùng cũng chưa được hiệu quả, do đa số người dân vẫn chưa có thói quen sử dụng sản phẩm tái chế. Để tiếp tục theo đuổi ước mơ xanh của mình, Tiến đã phải làm thêm nhiều công việc khác để duy trì sản xuất. Tiến bộc bạch: “Mình cảm thấy vui vì đã thành công tạo ra một loại sản phẩm có ích từ rác thải nguy hại, đồng thời có thể ứng dụng đa dạng vào nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau”.
Thái Khắc Tiến - người tạo ra dự án tái chế vỏ hộp sữa với "ước mơ xanh". |
Với dự án này, Khắc Tiến cho biết, nhóm Dấu Chân Xanh mong muốn người dân có ý thức phân loại rác thải ngay tại nguồn, khuyến khích sử dụng các sản phẩm tái chế đồng thời lan tỏa lối sống xanh đến cộng đồng. Trong tương lai, nhóm sẽ mở rộng mô hình trên cả nước nhằm xây dựng hệ sinh thái tái chế cho cộng đồng, đồng thời góp phần giảm gánh nặng rác thải lên môi trường.