"Trong cuộc sống có rất nhiều lựa chọn, tại sao bạn không chọn niềm vui?"
Đó là câu nói mà mình không thể quên - nhan đề của một câu chuyện ngắn trong cuốn "Trà sữa cho tâm hồn" năm 2004 đã mất bìa và rách góc mà mình mượn được từ cậu bạn nằm ngay sát giường bệnh.
Đó là câu chuyện đơn giản kể về trải nghiệm trên chuyến xe buýt chật ních người của một anh chàng hay cau có vì những chuyện nhỏ nhặt. Vốn đã bực mình sẵn vì phải đi chuyến xe quá sớm và quá đông, anh ta lại bị cậu bé ngồi phía sau liên tục chọc chân vào ghế ngồi nên không tài nào chợp mắt nổi.
Nổi trận lôi đình, anh ta quay lại định mắng cậu thì chợt nhận ra rằng cả hai chân của cậu ta bị bó bột hoàn toàn. Trong suốt những giờ còn lại di chuyển trên xe, anh trai và cậu bé đã trở thành một đôi bạn thân thiết, kể cho nhau nghe những câu chuyện li kì và hấp dẫn. Chỉ trong ngần ấy thời gian, anh ta đã rút ra được một bài học vô cùng quý giá: thay vì lựa chọn một thái độ ảm đạm, sầu não và thê lương để đối diện với nghịch cảnh, cậu bé ấy đã nở nụ cười thật tươi với thế giới.
Nguyễn Công Duy (sinh năm 1999) tốt nghiệp bằng Xuất sắc chuyên ngành Sư phạm tiếng Anh – K40 của Trường Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên. |
Câu chuyện ấy thật đơn giản nhưng vô cùng ý nghĩa: nếu được lựa chọn, tại sao chúng ta lại không chọn niềm vui cho chính mình, và cho cả những người xung quanh mình nữa?
Bố mình là một quân nhân chuyên nghiệp và mẹ mình là một giáo viên tiểu học. Sau khi chuyển về Xã La Hiên, Huyện Võ Nhai sinh sống, mình đã có 5 năm học đầu đời đầy ý nghĩa tại trường Tiểu học Lịch Sơn, dành 4 năm để tự ý thức được chính mình tại trường THCS La Hiên và chuẩn bị vượt vũ môn trong vòng 3 năm theo học tại trường THPT Võ Nhai.
Với sở trường là ngoại ngữ, mình đã dành được nhiều giải thưởng trong suốt những năm học cấp 2 và cấp 3 từ các cuộc thi tiếng Anh. Do khó khăn trong đi lại và khoảng cách cũng như sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, mình đều tự học ở nhà kết hợp với việc hỏi mượn sách nâng cao để tham khảo từ các anh, chị khóa trước cũng như hỏi bài các thầy, cô để chuẩn bị cho mỗi kỳ thi. Nhờ có sự trợ giúp của bố mẹ, bạn bè, anh chị và thầy cô, mình đã đạt được nhiều giải thưởng.
Mình, trong thế giới quan của của những người khác, có lẽ là một người đặc biệt
Điểm khác biệt lớn nhất giữa mình và những em bé khác sinh cùng một ngày đó là sự biến dạng của cả chân và tay, bởi chúng có độ cong bất thường, và được các bác sĩ chẩn đoán là bệnh "tạo xương bất toàn" (còn được gọi là xương thủy tinh).
Bảy ngày tuổi, mình bị gãy một tay trong lúc được bà tắm. Ba tuổi, mình bị gãy xương đùi phải lần một. Trong hơn mười năm tiếp theo, mình gãy tiếp xương đùi bên trái và gãy lại xương đùi bên phải hơn mười lần nữa. Mình đã nằm viện nhiều, đủ nhiều để các bác sĩ và y tá quen mặt mình mà chào hỏi như những người hàng xóm thân quen, đủ nhiều để cười thật tươi mà không sợ sệt khi chiếc giường có bánh xe được đẩy vào phòng phẫu thuật và đủ nhiều để có thể quen với việc tập đứng và đi từ con số 0 giống như những đứa trẻ lên hai, lên ba nhiều lần trong suốt những năm tháng tuổi thơ - nó giống như thể mình buộc phải lớn lại tới bốn lần vậy.
Anh chàng luôn tích cực học tập mặc dù gặp nhiều trở ngại về sức khỏe. |
Không chỉ vậy, anh luôn nhiệt huyết với những hoạt động Đoàn - Hội và phong trào sinh viên. |
Do gãy xương quá nhiều, chiều cao của mình chỉ đạt tới một mét ba và luôn luôn trong tình trạng "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa" bởi bất cứ một chấn động mạnh nào cũng có thể khiến mình bị gãy xương thêm một lần nữa.
Giống như một em bé lớn trên lưng mẹ, mình cũng là một cậu bé lớn lên trên tấm lưng của mẹ, của bố và của những người bạn tốt bụng sẵn sàng đưa lưng đón lấy mình để cõng tới lớp hay cõng ra khỏi lớp để ra về. Những tấm lưng ấy, gầy có, mập có, cao có, thấp có, luôn là lá chắn bảo vệ mình khỏi sự thương tổn và đau đớn thể xác cũng như là những bệ phóng giúp mình bay cao và bay xa hơn trong suốt những năm tháng theo đuổi con đường học vấn.
Có thể nói, trong tầm nhìn của mình khi ấy luôn có một mái đầu của những người mà mình luôn dành sự tôn trọng và thương yêu hết mực, bởi họ đã hy sinh một phần công sức và thời gian để giúp đỡ người khác. Các bạn biết không, đường chân trời lúc hoàng hôn nhìn từ trên lưng của người khác cực kỳ ấn tượng và hùng vĩ!
Và, bản thân mình, trong thế giới quan của một chàng trai lên mười tám tuổi, chợt nhận ra rằng, mình thực sự là một người đặc biệt.
Công Duy cùng người bạn thân Bùi Đắc Trung đã luôn cõng anh đi học. |
Mặc dù yêu tiếng Anh, mình luôn luôn có nguyện vọng thi đỗ vào một trường đại học y để trở thành một thầy thuốc ưu tú có thể chữa lành bệnh tật cho người khác - một giấc mơ mà mình đã ấp ủ suốt những năm tháng gắn bó với tấm drap giường trắng muốt trong một căn phòng phảng phất mùi cồn y tế.
Những thần tượng đầu tiên trong cuộc đời của mình là những bác sĩ - những người đã cứu rỗi mình từ cơn đau do bệnh tật mang lại. Chính vì vậy, ngay từ năm lớp 11, mình đã dốc sức ôn tập để chuẩn bị cho kỳ thi THPTQG nhằm đạt được số điểm mong muốn để được lựa chọn ngành Bác sĩ Đa khoa. Khi nhận được tổng điểm thi là 29, mình đã vui mừng khôn xiết bởi mình biết rằng mình đã vượt qua mức điểm chuẩn bắt buộc của ngành học của trường Đại học Y Dược Thái Nguyên.
Và rồi, mọi hy vọng và kỳ vọng của mình về giấc mơ tương lai đã sụp đổ chỉ trong vỏn vẹn một giờ đồng hồ sau khi gặp mặt thầy Hiệu trưởng của trường: "Với tình trạng sức khỏe của em, tôi rất tiếc, nhưng để theo được ngành học mà em đã chọn là điều rất khó khăn."
Từ tầng mây thứ chín, mình đã rơi thẳng xuống vũng bùn của tuyệt vọng mà tưởng chừng như không có lối thoát. Tất cả công sức, mồ hôi, nước mắt để đạt được ước mơ ấy của mình đã hóa thành tro bụi. Mình không thể ăn hay uống được gì trong suốt một ngày hôm đó, chỉ thẫn thờ nhìn ra ngoài cửa sổ mà tưởng tượng ra những viễn cảnh đầy tiêu cực. Lúc đó, mình thậm chí đã có ý định từ bỏ giấc mơ bước qua ngưỡng cửa của trường đại học. Nếu không thể trở thành bác sĩ, mình còn muốn làm gì nữa đây?
Mình có thể trở thành thầy giáo
Đúng rồi, mình muốn trở thành một thầy giáo. Nếu như mình không thể trở thành một thầy thuốc, mình vẫn có thể trở thành thầy giáo. Nếu như mình không thể giúp người khác hết đau, mình vẫn có thể giúp họ hết lầm đường lạc lối. Nếu như mình không thể trao cho họ thuốc, mình vẫn có thể trao cho họ kiến thức.
Tại thời điểm ấy, mình đã có một cảm giác rất kỳ lạ - giống như thể mình đã ngộ ra được một điều thật đơn giản mà bản thân chẳng hề nhận ra suốt bấy lâu nay. Và, cũng tại thời điểm ấy, Trường Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên, khoa Sư phạm Tiếng Anh chính là quyết định của mình khi mình mở chiếc máy tính và thay đổi nguyện vọng vào lúc nửa đêm. Nếu như không có giây phút ấy, có lẽ cũng đã chẳng có một Nguyễn Công Duy như bây giờ vậy.
Các bạn có biết, vào buổi Gặp gỡ Sinh viên K40 của Trường Ngoại ngữ - Đại học Thái Nguyên, khi được hỏi "Tại sao em lại chọn ngành học này?", mình đã có câu trả lời như thế nào không?
"Tại vì em thích nó!"
Mình thích nó, cho nên mình muốn làm nó tốt hơn - thật tốt, để bù lại phần "bác sĩ" mà mình đã không thể trở thành. Điều duy nhất mà mình hối hận đó là mình đã không thể nhận ra rằng công việc thầy giáo thế mà cũng thú vị chẳng kém gì thầy thuốc!
Không chỉ đơn thuần là học, mình luôn tâm niệm rằng nếu như "học" mà không "hành", tri thức đã tích lũy của một người sẽ không thể phát huy được giá trị vốn có của nó. Hơn nữa, theo "Kỹ thuật Feynman" (được đặt theo tên của một nhà vật lý học nổi tiếng người Đức), để có thể ghi nhớ và áp dụng được kiến thức một cách lâu dài và có hiệu quả, chúng ta cần phải giải thích được khái niệm hoặc vấn đề mà chúng ta đã tiếp thu sao cho một đứa trẻ thiếu niên có thể hiểu được - sở dĩ là bởi, chỉ bằng cách hiểu sâu, nắm chắc bản chất cốt lõi của vấn đề thì ta mới có thể làm cho một người chỉ sở hữu kiến thức cơ bản cũng có thể nắm bắt được. Chính bởi vậy, ngay từ những năm còn ngồi trên ghế nhà trường cấp hai, mình đã bắt đầu dạy kèm cho các anh, chị, em trong nhà cũng như các bạn học sinh nhỏ tuổi.
Dạy dỗ trẻ em không phải là một việc đơn giản: bạn cần phải có tình thương, thật nhiều tình thương, lòng kiên nhẫn và sự quyết tâm, song mình không thể ngờ được rằng trải nghiệm ấy thú vị đến nhường nào!
Mặc dù có những lúc thầy trò ngồi nhăn trán vắt óc vì trò muốn hiểu thầy, còn thầy cũng muốn hiểu trò để cả hai cùng hợp tác hóa giải vấn đề khó nhằn một cách suôn sẻ nhất. Với mình, mỗi một lần thành công trong việc giúp các em nhỏ hiểu được vẻ đẹp của tiếng Anh cũng là một lần mình nhận được niềm hạnh phúc vô bờ. Cũng có những chuyện dở khóc dở cười, nhưng chính sự khác biệt giữa những người bạn nhỏ ấy mới là nét đặc sắc nhất của nghề "gõ đầu trẻ".
Bản thân mình - một người dạy học - cũng được chính các em chỉ dạy cho không biết bao nhiêu là những điều mới lạ mà thậm chí một người lớn còn chẳng mảy may để ý, và sự trưởng thành của mình gắn liền với những dấu ấn ngô nghê mà đáng yêu như vậy.
Trong suốt bốn năm tiếp theo ở trường đại học, mình vẫn tiếp tục công việc part-time là gia sư dạy tiếng Anh. Từ chỗ chỉ dạy các em nhỏ tiểu học, mình đã có thể dạy được cả các em học sinh cấp THCS, THPT và thậm chí là dạy tiếng Anh cho người đã đi làm.
Mặc dù vẫn có những mặc cảm và rụt rè trong những buổi đầu đứng lớp, mình nhanh chóng nhận được sự tin cậy và tôn trọng từ các em cũng như từ các phụ huynh đã cho con theo học lớp của mình. Mặc dù mệt và đôi khi rất đau đầu, song những lớp học tiếng Anh của mình luôn có những niềm vui, những tiếng cười giữa các trò và giữa thầy và trò. "Lấy học trò làm gốc", mình luôn động viên các em chủ động suy nghĩ để tìm ra lời giải của vấn đề thay vì áp dụng phương pháp cứng nhắc "thầy giảng - trò nghe" truyền thống.
Mình cũng chủ động xin được làm dịch thuật như một freelancer để có thể nâng cao khả năng sử dụng ngôn ngữ của chính mình, và mình đã từng dịch cả một cuốn sách nói về phương pháp dạy cho trẻ nhỏ từ một tuổi tới sáu tuổi. Những kiến thức thu được trong quá trình dịch thuật cũng góp phần không nhỏ trong việc làm giàu vốn sống và nâng cao khả năng suy luận của bản thân mình.
Một trong số những tri thức được trình bày trong sách làm mình tâm đắc nhất chính là những niềm vui mà người lớn có thể trao cho con trẻ trong cuộc sống hàng ngày để khơi gợi lên tính tò mò và sự chủ động của trẻ, qua đó rèn luyện cho nó khả năng suy nghĩ độc lập. Chúng ta - những người lớn - cũng có khả năng tương tự vậy: thay vì đi theo những lựa chọn "xu thế", chúng ta đều có thể lựa chọn con đường của riêng mình. Tiền lương không phải tất cả, bởi không một ai có thể hạnh phúc nếu như lúc nào cũng mang theo mình vẻ cau có từ bảy giờ sáng tới bảy giờ tối được.
Còn mình, mình đã lựa chọn được mỉm cười từ bảy giờ sáng tới bảy giờ tối với công việc hiện tại.
Tự học là yếu tố căn bản quyết định tới thành công của một người
Bốn năm học đại học, đối với mình, là một trải nghiệm vô cùng quý báu. Không chỉ đơn thuần là để học tập và rèn luyện, môi trường đại học còn cho phép bản thân mình được tiếp xúc với cách làm việc chuyên nghiệp, với những luồng kiến thức mới mẻ và độc đáo cùng những phương pháp học tập tiến bộ và hiệu quả. Có thể nói, mình đã gặp may mắn khi được làm quen với những người bạn đồng hành không thể nào quên và những người thầy, người cô đáng kính.
Với phương châm "Bạn cần 10.000 giờ học để trở thành thiên tài trong bất cứ lĩnh vực nào", mình luôn coi hoạt động tự học là yếu tố căn bản quyết định tới thành công của một người. Càng học, bạn sẽ càng thấy rằng những gì mình biết chỉ là một giọt nước trong đại dương kiến thức vô tận. Trong thời đại bùng nổ công nghệ như ngày nay, nếu không chịu nỗ lực hàng ngày, thậm chí hàng giờ, chắc chắn chúng ta sẽ thụt lùi.
"Trí tuệ thực sự nằm ở chỗ: bạn biết rằng bạn chẳng biết gì cả" - Socrates (Nhà triết học Hy Lạp cổ đại).
Để học tốt, thứ nhất, chúng ta cần phải ghi chép bài cẩn thận trên lớp và chuẩn bị trước bài ở nhà thật cẩn thận, bởi những gì mà bạn chuẩn bị cho ngày hôm nay sẽ quyết định đến ý nghĩa của ngày hôm sau - xét cho cùng, thứ duy nhất chúng ta có thể kiểm soát được không phải những gì của ngày xưa và cũng chẳng phải thứ gì của ngày mai mà chỉ có hiện tại thôi. Ngạn ngữ Anh có câu: "Ngày hôm qua là quá khứ, ngày mai là một điều bí mật, còn ngày hôm nay là một món quà (present; present là một danh từ trong tiếng Anh vừa có nghĩa là "hiện tại" vừa có nghĩa là "món quà").
Công Duy cùng người bạn học. |
Thứ hai, xin đừng chỉ dừng lại ở việc đọc những gì được yêu cầu - một vấn đề, khi được xem xét ở càng nhiều góc độ, bạn sẽ càng thấy được nhiều những đặc điểm của nó và do đó, bạn càng có khả năng phân tích nó chính xác và sâu sắc hơn. Thay vì lặp đi lặp lại những ý tưởng một cách máy móc từ sách vở, việc tham khảo tài liệu cho phép bạn có thể suy luận vấn đề theo nhiều hướng và đưa ra được những kết luận sáng tạo - đó mới chính là cách làm của những người thành công.
Thứ ba, quản lý chặt chẽ thời gian của bản thân, bởi sẽ không có bất cứ một ai có thể nhắc nhở việc học hành của chúng ta mỗi ngày cả. Thêm vào đó, bạn không bao giờ được để bài của ngày hôm nay đến ngày mai - sự trì hoãn đó không chỉ tạo ra thói quen xấu cho bản thân mà còn làm thui chột tinh thần tích cực và suy giảm hiệu quả học tập mà hậu quả cuối cùng là những con điểm "xét vớt" nửa mùa. Xin hãy đừng chủ quan với bệnh lười!
Cuối cùng, để trở thành một con người có ích, hãy sống với những mục tiêu cụ thể của bản thân mình. Bạn muốn trở thành gì trong năm nay, năm sau, năm năm sau hay thậm chí là hai mươi năm sau? Hãy viết nó ra trên giấy, càng cụ thể càng tốt, để bản thân có thể nhìn thấy những đường đi, nước bước cần thiết dẫn tới ước mơ. Tin mình đi: chúng ta luôn luôn có nhiều lựa chọn hơn là chúng ta tưởng, và trong số đó luôn có những lựa chọn cho phép chúng ta tìm thấy niềm vui thực sự từ đam mê và hoài bão của bản thân. Tuy nhiên, những lựa chọn ấy chỉ xuất hiện khi bạn đã hạ quyết tâm và nỗ lực để đạt được chúng.
Mình hy vọng rằng, những chia sẻ của mình có thể giúp ích cho không chỉ các bạn sinh viên mà ngay cả những bạn vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường trên con đường chinh phục tri thức và trở thành một công dân có ích cho xã hội.
Các thành tích Công Duy đã đạt được:
+ Giải Nhì cấp huyện cuộc thi Tiếng Anh trên Internet (IOE) lớp 7;
+ Giải Nhì cấp tỉnh cuộc thi Tiếng Anh trên Internet (IOE) lớp 8;
+ Giải Ba cấp tỉnh cuộc thi Tiếng Anh trên Internet (IOE) lớp 10;
+ Giải Khuyến khích cấp tỉnh giao lưu học sinh giỏi tiếng Anh lớp 11;
+ Giải Nhất cấp tỉnh cuộc thi Tiếng Anh trên Internet (IOE) lớp 11;
+ Huy chương Đồng cấp Quốc gia cuộc thi Tiếng Anh trên Internet (IOE) lớp 11;
+ Giải Ba cuộc thi giao lưu học sinh giỏi tiếng Anh lớp 11;
+ Giải Ba cuộc thi giao lưu học sinh giỏi tiếng Anh lớp 12;
Khi lên tới trường đại học, Công Duy tiếp tục nỗ lực và đã được trao tặng các giải thưởng khác:
+ GPA tích lũy 3.93;
+ Đạt danh hiệu Sinh viên Xuất sắc năm học 2019-2020;
+ Đạt thành tích Xuất sắc tại Hội thi Olympic toàn quốc các môn khoa học Mác - Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh mang tên "Ánh sáng soi đường" lần III của Đại học Thái Nguyên;
+ Giấy khen sinh đã có thành tích Xuất sắc trong vượt khó học tập của Đại học Thái Nguyên.