Trúc Chỉ là một cái tên lạ đã dần trở nên quen ở Huế. Trúc Chỉ là một khái niệm lạ đang dần trở nên quen ở Việt Nam. Nếu nhìn qua, người ta dễ hình dung đơn giản đó là một hành trình tạo tác từ tre đến giấy. Nhưng thật ra không đơn giản như vậy, Trúc Chỉ, ngoài chỉ dẫn của cái tên, còn gợi ý về một lối đi nghệ thuật, một tiếp biến sáng tạo với nền tảng kỹ thuật và mỹ thuật truyền thống. Ở đây giấy, dù là giấy tre đi nữa, nếu chỉ đóng vai trò làm nền cho họa sĩ vẽ nên những bức tranh, thì câu chuyện không có gì mới. Họa sĩ Phan Hải Bằng và cộng sự có tham vọng đưa nghệ sĩ tham dự vào hành trình ngay từ đầu qui trình sản xuất giấy, khiến bản thân giấy khi ra đời đã là một tác phẩm nghệ thuật.
Tạo tác hoa văn Trúc Chỉ bằng cây bút nước
Gợi ý của Trúc Chỉ muốn trỏ cho người ta đến việc xem nghề giấy là một nghệ thuật. Đó là một gợi ý thú vị, chứa trong đó tham vọng tiếp biến những giá trị truyền thống một cách sáng tạo, thay vì chỉ bảo tồn, nối dài một cách đơn giản và nhiều rủi ro.
Tranh Trúc Chỉ
Từ một góc nhà xưởng bé nhỏ và ẩm thấp bên dòng Ngự Hà, từ những vật vã khái niệm thời gian đầu chỉ để cho người khác hiểu Trúc Chỉ là gì, là giấy tre hay giấy Dó, là nghệ thuật hay nghề thủ công, là một ảo tưởng đồ họa hay một mã nghệ thuật thực sự, Trúc Chỉ giờ đây có tác phẩm trưng bày trong Triển lãm nghệ thuật ở Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia. Nhà xưởng đã rộng rãi hơn đi cùng tham vọng lớn hơn, trở thành địa chỉ cho nhiều người tìm đến.
Bóc tranh khỏi khung
Điều thách thức phía trước của Trúc Chỉ có thể không phải là sự công nhận nữa mà là giới hạn sáng tạo đến đâu. Chỉ có phá vỡ tiếp những giới hạn sáng tạo mới, thì gợi ý này mớ trở nên đột sáng, đi qua những đêm đom đóm để tới bình minh được. Nhưng dù thế nào, nỗ lực này rất đáng được ghi nhận, khi nó khích lệ người làm nghệ thuật thay vì nếu có lòng với truyền thống chỉ loay hoạy bảo tốn, đã dám bước ra, tiếp biến những giá trị xưa cũ một cách sáng tạo với tinh thần không sợ hãi.