Theo phương án tuyển sinh dự kiến, công bố mới đây, trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM) cho biết, trường mở thêm một số chuyên ngành như: Thiết kế vi mạch, Công nghệ Hóa dược, Công nghệ Mỹ phẩm và ba ngành mới là Kinh tế Xây dựng, Địa Kỹ thuật Xây dựng, Khoa học Dữ liệu.
Dù mở ngành mới, trường ĐH Bách khoa vẫn giữ nguyên quy mô tuyển sinh với 5.150 sinh viên, theo 5 phương thức. Trong đó, phương thức xét tuyển kết hợp điểm thi Đánh giá năng lực, điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm học bạ, năng lực khác (chứng chỉ, giải thưởng) chiếm khoảng 60 - 90% tổng chỉ tiêu.
Trong phương thức này, thành tố học lực chiếm 90%, thành tích cá nhân chiếm 5% và hoạt động xã hội, văn thể mỹ chiếm 5%. Cụ thể, tiêu chí học lực gồm 3 thành phần là điểm học tập ở cấp THPT (gồm 6 học kỳ theo tổ hợp xét tuyển); điểm thi tốt nghiệp THPT (gồm các môn trong tổ hợp xét tuyển); điểm thi Đánh giá năng lực.
Học sinh tham khảo các ngành mới tuyển sinh năm 2024 của trường ĐH Bách khoa (ĐHQG TP. HCM). |
Theo Hội đồng tuyển sinh, điểm số Đánh giá năng lực rất quan trọng, chiếm đến 75% trọng số tiêu chí này. Điểm thi Đánh giá năng lực của thí sinh càng cao, cơ hội trúng tuyển càng lớn.
Điểm thành tích cá nhân được xét theo các tiêu chí: Giải thưởng trong Kỳ thi Học sinh giỏi quốc gia, Kỳ thi Khoa học Kỹ thuật, có chứng chỉ ngoại ngữ, thành viên Đội tuyển quốc gia, tỉnh/thành phố và các giải thưởng học thuật khác.
Hội đồng tuyển sinh sẽ quyết định cách quy đổi giữa điểm học bạ, điểm thi THPT, điểm thi Đánh giá năng lực, cũng như quyết định trọng số dựa vào phổ điểm thi.
Ngoài ra, 10 - 15% chỉ tiêu được tuyển theo phương thức ưu tiên xét tuyển của ĐHQG TP. HCM.
Ba phương thức còn lại chiếm 1 - 5% chỉ tiêu, gồm: Xét tuyển thẳng theo quy chế của Bộ GD - ĐT, theo quy định ĐHQG TP. HCM; xét tuyển thí sinh có chứng chỉ quốc tế hoặc thí sinh nước ngoài (chỉ áp dụng cho chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh, tiên tiến); xét tuyển vào chương trình chuyển tiếp quốc tế (Úc, New Zealand).
Trường ĐH Đà Lạt (TP. Đà Lạt, Lâm Đồng) sẽ xét tuyển theo 4 phương thức trong kỳ tuyển sinh 2024 với 2.850 chỉ tiêu, vào 40 ngành đào tạo chính quy.
Theo đó, năm 2024, nhà trường sẽ xét tuyển kết hợp 4 phương thức: Dựa vào kết quả thi THPT năm 2024; dựa vào kết quả học bạ THPT (kết quả học tập cả năm lớp 12 hoặc kết quả học tập cả năm lớp 11 và học kỳ 1 lớp 12); sử dụng kết quả kỳ thi Đánh giá năng lực của các ĐHQG TP. HCM và đại học vùng; xét tuyển thẳng (có 2 phương thức): Theo Quy chế tuyển sinh của Bộ GD – ĐT; hoặc tốt nghiệp THPT có 3 năm liên tục đạt Học sinh Giỏi hoặc đoạt giải Nhất, Nhì, Ba các kỳ thi Học sinh giỏi cấp tỉnh trở lên, vào các ngành phù hợp với môn chuyên hoặc môn đoạt giải.
Học sinh tìm hiểu các ngành tuyển sinh năm 2024 của trường ĐH Đà Lạt. |
Ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với các ngành đào tạo giáo viên: Xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi THPT sẽ theo quy định của Bộ GD - ĐT; xét tuyển sử dụng kết quả học tập THPT thì học lực lớp 12 đạt loại Giỏi hoặc điểm xét tốt nghiệp THPT từ 8,0 điểm trở lên. Trường hợp xét tuyển thẳng đối tượng Học sinh giỏi 3 năm liên tục: Môn chính đăng ký vào ngành tương ứng phải có điểm trung bình năm lớp 12 từ 8,0 trở lên; xét tuyển sử dụng kết quả Kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TP. HCM đạt từ 800 điểm trở lên theo thang điểm 1.200, hoặc đạt từ 20 điểm trở lên quy đổi theo thang điểm 30.
Chỉ tiêu tuyển sinh năm 2024 các ngành của trường ĐH Đà Lạt. |
Các ngành còn lại xét tuyển sử dụng kết quả kỳ thi THPT nhưng trường ĐH Đà Lạt sẽ công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào - mức điểm nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) sau khi có kết quả thi THPT năm 2024. Xét tuyển sử dụng kết quả học tập lớp 12 hoặc trung bình kết quả học tập lớp 11 cộng với học kỳ 1 của lớp 12 thì tổng điểm 3 môn trong tổ hợp môn ĐKXT đạt từ 18 điểm trở lên (không có môn nào trong tổ hợp môn ĐKXT có điểm trung bình dưới 5,0). Xét tuyển sử dụng kết quả Kỳ thi Đánh giá năng lực của ĐHQG TP. HCM đạt từ 600 điểm trở lên theo thang điểm 1.200, quy đổi theo thang điểm 30 đạt từ 15 điểm trở lên.
Trường ĐH Đà Lạt cũng cho biết thêm, năm 2024, nhà trường dự kiến tuyển 2.850 chỉ tiêu của 40 ngành đào tạo hệ chính quy, trong đó có 1.708 chỉ tiêu dành cho phương thức thi THPT.