Qua 4 lần tổ chức, kỳ thi ĐGNL do ĐHQG TP. HCM đã trở thành kênh tuyển chọn uy tín, sàng lọc thí sinh có năng lực phù hợp. Theo thống kê, đến nay, hầu hết các trường ĐH, CĐ tại phía Nam và một số trường ở khu vực miền Trung có sử dụng kết quả kỳ thi này để xét tuyển sinh viên theo những phương thức khác nhau.
Tại Hội thảo về định hướng phát triển kỳ thi ĐGNL, do ĐHQG TP. HCM tổ chức, TS Nguyễn Quốc Chính – Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo cho biết, năm 2018, khi ĐHQG TP. HCM tổ chức thi lần đầu, chỉ có ở 3 địa phương, với 5 điểm thi và gần 5.000 thí sinh tham gia. Đến kỳ thi năm 2021, đã có 7 địa phương tham gia tổ chức thi, với 65 điểm thi và gần 70.000 thí sinh đăng ký dự thi.
Năm 2022 dự kiến mở rộng địa điểm thi nhiều hơn 7 địa phương như năm 2021. |
Hiện nay, một số địa phương, các trường học đã có kiến nghị cải tiến theo hướng mở rộng địa điểm tổ chức để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Bên cạnh đó, kết quả kỳ thi nên được xem là tiêu chí đánh giá chất lượng đầu ra của các trường THPT và làm căn cứ xây dựng chính sách tuyển sinh.
Để tạo điều kiện cho các thí sinh ở các tỉnh tiếp cận, ĐHQG TP. HCM có phương án cải tiến nhằm mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng. Theo đó, kỳ thi năm 2022 dự kiến sẽ có hai phương án tổ chức. Đợt 1, dự kiến tổ chức vào ngày 27/3/2022 và đợt 2 vào cuối tháng Năm hoặc đầu tháng 7/2022. Đồng thời, từ năm 2022, ĐHQG TP. HCM sẽ mở rộng địa điểm thi ngoài 7 địa phương như năm 2021, để tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh cả nước tham gia kỳ thi này.
Năm 2021, ĐHQG TP. HCM đã phải hủy bỏ đợt 2 của kỳ thi ĐGNL vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 tại TP. HCM và một số địa phương, hoàn trả toàn bộ lệ phí thi cho thí sinh.
Theo đánh giá, việc mở rộng số lượng địa phương tổ chức không chỉ giúp tăng lượng thí sinh tiếp cận kỳ thi mà còn giảm gánh nặng chi phí cho xã hội và về di chuyển, nhất là trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh.
Tại Hội thảo, TS Nguyễn Quốc Chính cho biết thêm, một cải tiến nữa mà ĐHQG TP. HCM sẽ thực hiện với kỳ thi ĐGNL là sẽ phối hợp các trường đại học, cao đẳng thành lập nhóm tuyển sinh chung, sử dụng chung hệ thống đăng ký, lọc ảo, xét tuyển bằng phương thức ĐGNL. Cách làm này sẽ giúp các trường ĐH, CĐ thực hiện tự chủ tuyển sinh và theo định hướng đổi mới tuyển sinh của ngành.
Thí sinh tham dự kỳ thi ĐGNL đợt 1 năm 2021 tại TP. HCM. Ảnh: VNUHCM |
Theo nhiều chuyên gia, việc các trường ĐH, CĐ hiện nay đang sử dựng phương thức xét tuyển bằng điểm học bạ THPT cũng là gợi ý để thay đổi kỳ thi ĐGNL, theo hướng tổ chức cho cả học sinh các khối 10 và 11. “Với cách này, thí sinh có thể sử dụng kết quả thi thay thế cho điểm học bạ, hạn chế được tiêu cực trong kiểm tra, đánh giá thiếu thực chất”, TS Phùng Kim Phú – Hiệu trưởng trường THPT Hoàng Diệu (Sóc Trăng) đề xuất.
Tại chương trình tư vấn “Cơ hội vào vào đại học bằng thi ĐGNL” mới đây, TS Nguyễn Quốc Chính cũng thông tin, phương thức ra đề nhằm rà soát kiến thức và kiểm tra năng lực cơ bản của thí sinh nên bài thi với 120 câu trong thời gian 150 phút là phù hợp. Cấu trúc và nội dung thi sẽ không có nhiều thay đổi và thí sinh không cần học theo kiểu nhớ bài.
Từ đó, Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo ĐHQG TP. HCM cũng khuyến cáo, thí sinh không cần và không nên tham gia “luyện thi ĐGNL” mà hiện nay một số cá nhân lẫn đơn vị đang quảng cáo. Theo TS Nguyễn Quốc Chính, việc xây dựng cấu trúc và nội dung thi là nhằm sát hạch và kiểm tra năng lực, vì vậy không chủ trương luyện thi.
“Thí sinh tham gia thi ĐGNL sẽ có thêm cơ hội xét tuyển vào các trường. Việc xét tuyển bằng kết quả thi được thực hiện trước khi xét theo phương thức điểm thi tốt nghiệp nên sẽ có nhiều thuận lợi hơn. Dù vậy, ĐHQG TP. HCM không tổ chức luyện thi hay quảng cáo cáo thông tin luyện thi”, TS Nguyễn Quốc Chính cho biết.