Tuổi trẻ với lý tưởng 'Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư'

SVVN - Nguyễn Việt Trung (22 tuổi) là tân cử nhân khóa 45 ngành Luật kinh tế Trường Đại học Luật Hà Nội với điểm trung bình GPA toàn khóa đạt 3.53/4.0 và đạt học bổng khuyến khích học tập ba trên bảy học kỳ. Ngoài ra, chàng trai cũng là tác giả, đồng tác giả của gần hai mươi chương sách, bài viết tham luận tại một số hội thảo khoa học các cấp do các đơn vị, cơ quan tổ chức.
 Tuổi trẻ với lý tưởng 'Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư' ảnh 1

Theo đuổi Luật khó, nhưng quan trọng

Mặc dù trong gia đình không có ai học tập hay công tác trong ngành Luật, nhưng xuất phát từ việc nhận ra bản thân có những ưu điểm và thế mạnh phù hợp luật nên Việt Trung đã quyết định theo đuổi con đường này. “Điểm khiến mình cảm thấy phù hợp với ngành Luật chính là ở sự tư duy logic được kết hợp giữa khối ngành tự nhiên bản thân mình theo học với các môn khoa học xã hội mà mình đam mê, là khả năng trình bày, thuyết phục và tranh biện, đưa ra những cơ sở dẫn chứng nhằm bảo vệ quan điểm mình tin là đúng”.

Chàng trai theo đuổi ngành học được đánh giá là “khó nhằn” này vì hiểu được rằng luật pháp có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. “Trước hết, ta phải biết pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung do nhà nước đặt ra hoặc thừa nhận và bảo đảm thực hiện để điều chỉnh các quan hệ xã hội. Nói cách khác, pháp luật là sản phẩm của sự phát triển đời sống xã hội, luôn hiện diện khách quan trong đời sống, là khuôn mẫu chuẩn mực ứng xử chung đối với mỗi cá nhân trong đời sống, góp phần bảo đảm sự phát triển ổn định của xã hội”, chàng sinh viên chia sẻ. Với Việt Trung, ngành Luật không phải một ngành học chỉ yêu cầu sinh viên học thuộc một cách máy móc mà đòi hỏi người học phải có sự tư duy logic cùng khả năng liên hệ, liên kết các kiến thức thuộc nhiều lĩnh vực thậm chí là liên kết đa ngành bởi pháp luật sinh ra gắn với xã hội và nhằm giải quyết các quan hệ phát sinh trong đời sống xã hội vốn vô cùng đa dạng, phức tạp. Bên cạnh đó, Việt Trung cũng khẳng định ngành Luật sẽ rèn khả năng tự tin để bảo vệ những quan điểm bản thân mà sau này sẽ chính là sự tự tin để chúng ta bảo vệ lẽ phải, góp phần đem lại công lý, công bằng cho xã hội.

Có cơ hội thì chắc chắn sẽ có khó khăn. Việt Trung đã chia sẻ về khó khăn khi theo đuổi ngành Luật như sau: “Cũng giống như ngành y hay các ngành khoa học kỹ thuật, ngành Luật với đặc trưng của mình là một ngành học có “độ trễ” lớn hơn so với các ngành học khác do vậy sinh viên khi theo đuổi ngành Luật sẽ buộc cần phải có tính kiên trì, chấp nhận những khó khăn của ngành học mình theo đuổi”. Đứng trước một hệ thống kiến thức rộng lớn, đa dạng, phức tạp cả về lý luận lẫn thực tiễn và luôn không ngừng đổi mới của ngành Luật, bản thân Việt Trung cũng phải không ngừng phải học tập, trau dồi cũng như cập nhật kiến thức. “Nội dung học rộng trong khi thời lượng bài giảng có hạn, vì vậy đa số trong các giờ học giảng viên chỉ có thể bao quát và gợi mở các vấn đề để sinh viên chủ động tìm hiểu”. “Thực ra dù chúng ta học ở đâu, việc tự học là một trong những kỹ năng cần có và bắt buộc phải có ở sinh viên”. Không chỉ Việt Trung, mà mỗi sinh viên phải thực sự chủ động trong tìm hiểu kiến thức, thực sự tự tin trong việc bày tỏ và bảo vệ quan điểm cũng như chịu trách nhiệm với những quan điểm mà bản thân bảo vệ.

“Ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”

Với niềm đam mê nghiên cứu khoa học, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, chàng trai quê Hưng Yên đã có những bài viết chia sẻ trên mạng xã hội để thể hiện quan điểm, góc nhìn về những vấn đề, nhân vật hay những sự kiện. Và cũng chính từ những bài viết đó, Việt Trung có cơ hội được tiếp xúc, làm quen với nhiều thầy cô, anh chị trong đó có cả những chuyên gia, nhà nghiên cứu công tác trên nhiều lĩnh vực. Có các mối quan hệ tốt, anh chàng được giới thiệu, tạo điều kiện để tham gia những bài viết tham luận đầu tiên khi nhận thấy ở mình khả năng cùng thiên hướng đi theo con đường nghiên cứu. Đặc biệt từ khi bước vào môi trường đại học, như “cá gặp nước”, bản thân Việt Trung không ngừng theo đuổi niềm đam mê với nghiên cứu khoa học, và giờ đây có cả nghiên cứu khoa học pháp lý.

 Tuổi trẻ với lý tưởng 'Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư' ảnh 2

Ngoài ra, chàng trai cũng đạt giải khuyến khích đối với tác phẩm chính luận loại hình tạp chí của Cuộc thi chính luận tỉnh Hưng Yên về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024; nhận giấy khen, chứng nhận của Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia dành cho thành viên tình nguyện có nhiều hoạt động, đóng góp tích cực xuất sắc cho các hoạt động của Bảo tàng Lịch sử Quốc gia các năm 2020, 2021, 2022, 2023.

Với nền tảng học vấn tốt và luôn kiên trì tìm kiếm cơ hội, năm 2023, Việt Trung đã tham gia Hội thảo trọng điểm thuộc Diễn đàn Luật học và phát triển của Trường Đại học Luật Hà Nội với tham luận “Sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa - Những thành tựu và bài học kinh nghiệm”.

Việt Trung cho rằng nghiên cứu khoa học nói chung và nghiên cứu khoa học trong ngành Luật nói riêng không hề đơn giản mà luôn đòi hỏi cả một quá trình với sự cố gắng, nỗ lực không ngừng. Khi được Ban Tổ chức Hội thảo chủ động liên hệ gửi thư mời, Việt Trung đã có cơ hội để đóng góp nhiều bài viết tham luận trên các lĩnh vực khác nhau từ chính trị, kinh tế, pháp lý cho tới lịch sử, văn hóa, tâm lý, giáo dục…Bản thân chàng trai cho rằng nghiên cứu khoa học không phải thứ năng lực có thể tự nhiên sinh ra, do vậy cùng với đam mê, chúng ta luôn cần không ngừng nỗ lực để bổ sung cho bản thân cả về tri thức lẫn khả năng trình bày, lập luận để đưa những quan điểm, góc nhìn đánh giá của bản thân. “Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong; luôn cố gắng, nỗ lực và thành quả xứng đáng sẽ đến với mỗi chúng ta”, Việt Trung nhắn nhủ.

Từng tham gia “chắp bút” cho nhiều bài viết liên quan lĩnh vực khoa học pháp lý, chàng trai tân cử nhân của Trường Đại học Luật Hà Nội vẫn tâm đắc nhất về tham luận tại Hội thảo “Hiến pháp năm 2013 - 10 năm triển khai thi hành” với chủ đề “Hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam”. Việt Trung lựa chọn chủ đề này là bởi bản thân nhận thấy rằng, Hiến pháp là đạo luật cơ bản, có giá trị pháp lý cao nhất, chứa đựng trong nó những nguyên tắc mang ý nghĩa nền tảng, bao quát nhất của hệ thống pháp luật quốc gia. Như lý luận về nhà nước pháp quyền đã khẳng định: nhà nước pháp quyền sinh ra để bảo vệ các quyền con người, quyền tự do của công dân được quy định trong Hiến pháp. Việt Trung tin rằng, Hiến pháp là biểu tượng giá trị, là “vương miện” của nhà nước pháp quyền. Với vị trí nền tảng chính trị - pháp lý của quốc gia, việc bảo vệ tính toàn vẹn và tính tối thượng, bảo đảm các giá trị, nguyên tắc của Hiến pháp luôn là nhu cầu khách quan và là đặc trưng tất yếu không thể thiếu trong nhà nước pháp quyền nói chung và nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói riêng.

Qua bốn năm học Luật, chàng trai có cơ hội được tiếp xúc với những giảng viên hàng đầu trong lĩnh vực luật học, học tập ở các thầy cô “không chỉ là cái tầm mà còn là cái tâm đối với ngành Luật, nghề luật”. Ngoài ra, trên chặng đường đã đi qua, Việt Trung cũng có được những người bạn đồng hành, được làm quen với những anh chị khóa trên, những người đi trước để học tập kinh nghiệm.

 Tuổi trẻ với lý tưởng 'Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư' ảnh 3

Được thực tập tại các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp, chàng sinh viên trẻ cũng được học hỏi thêm ở những cô chú, anh chị, những người bạn và cả những đối tác. “Thông qua quá trình thực tập chuyên môn, mình được trải nghiệm và vận dụng những kiến thức được học ở trường để giải quyết những vấn đề, những tranh chấp phát sinh trong đời sống thực tiễn”.

Với Việt Trung, mỗi sai lầm, mỗi lời góp ý, hướng dẫn của mọi người, đều giúp cậu nhận ra được những hạn chế còn tồn tại để từ đó khắc phục, góp phần hoàn thiện bản thân hơn nữa. “Ngành Luật với những đặc thù của nó không cho phép có sai lầm bởi chỉ một sai lầm dù rất nhỏ của bạn cũng sẽ gây ra những hậu quả ảnh hưởng tới không chỉ một vài cá nhân”.

Trưởng thành từ những kinh nghiệm khi tham gia các hoạt động bên lề lớp học ở các vai trò khác nhau như diễn giả chính trong Đêm sách do Câu lạc bộ Sách và Hành động Trường Đại học Luật Hà Nội tổ chức, hay là quản lý trực tiếp các hoạt động tình nguyện của Câu lạc bộ Tình nguyện viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia; Việt Trung đã có những bài học quý giá, và trên hết là bổ sung kiến thức, rèn bản thân tính kỷ luật, ý thức đoàn kết và tinh thần trách nhiệm đối với công việc mình đảm nhận. “Dù là trong học tập hay công việc thì những yếu tố trên luôn là những yêu cầu không thể thiếu đối với mỗi chúng ta”.

Vững một niềm tin về công lý - công bằng

Rời khỏi giảng đường và môi trường đại học để bước vào một “môi trường”, một “giảng đường” mới - chính là cuộc sống, do vậy cảm giác lưng chừng, mông lung là điều khó tránh khỏi không chỉ với riêng bản thân Việt Trung. Mặc dù vẫn luôn mong muốn theo đuổi tiếp ngành học này với ý định đăng ký học Cao học hay lớp đào tạo nghề luật sư nhưng Việt Trung thừa nhận rằng, với một ngành học đòi hỏi cả kiến thức, kinh nghiệm và trải nghiệm như ngành Luật, những gì tiếp thu được qua bốn năm Đại học tuy nhiều nhưng chưa đủ. Chính vì vậy, chàng trai lựa chọn sẽ tiếp tục ứng tuyển thực tập tại các văn phòng hành nghề, các công ty luật để tích lũy thêm vốn kiến thức và kinh nghiệm cho bản thân.

 Tuổi trẻ với lý tưởng 'Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư' ảnh 4

Mặc dù tự cho rằng ít khi tự nhận định về chính bản thân mình, nhưng có lẽ nếu để nói về bản thân thì “thẳng thắn”, “nguyên tắc”, “trách nhiệm” chính là 3 từ mà Việt Trung lựa chọn.

Kể từ khi quyết tâm bước đi trên con đường này, Việt Trung luôn vững một niềm tin vào sứ mệnh mà xã hội và ngành học đặt ra cho mỗi người học luật: góp phần bảo vệ công lý, xây dựng một xã hội thực sự dân chủ, công bằng và văn minh để “Thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trở thành chuẩn mực ứng xử của mọi chủ thể trong xã hội”. Đối với bất cứ một quốc gia nào trên thế giới thì công lý và đảm bảo công bằng cho xã hội luôn là một trong những yêu cầu được đặt ra hàng đầu.

Câu nói tâm đắc nhất mà chàng trai Hưng Yên luôn ghi nhớ trên con đường làm nghề của mình chính là “Trải qua biết bao khó khăn mới hiểu ra rằng: Không phải chúng ta có hy vọng chúng ta mới kiên trì, mà từ đầu, chúng ta phải kiên trì, rồi chúng ta mới có hy vọng”. Cổng trường Đại học khép lại cũng là khi con đường cho những người luôn phấn đấu vì một xã hội công bằng như Việt Trung rộng mở. Bốn năm để bắt đầu cho một hành trình đầy thử thách, nhưng đó cũng là minh chứng một tình yêu nhiệt huyết của tuổi trẻ luôn hướng về Tổ quốc. “Khi dám thử, chúng ta có thể vượt qua hoặc không nhưng ít nhất chúng ta đã dám thử thách, dám làm”. Kiên trì và hy vọng, tất cả đều chỉ nhằm hướng tới một điều duy nhất là làm sao để bảo vệ và đem lại công lý cho xã hội; để xứng đáng với 8 chữ vàng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, đó chính là: “Phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư”.

(Ảnh: NVCC)

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Nam sinh nhiệt tình trong công tác tình nguyện, cứu trợ cho nhiều vùng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi

Nam sinh nhiệt tình trong công tác tình nguyện, cứu trợ cho nhiều vùng bị ảnh hưởng bởi bão Yagi

SVVN - Đinh Chí Hào đang là sinh viên năm 4, Học viện Ngoại giao. Ngay sau khi nghe tin cơn bão Yagi càn quét miền Bắc, để lại hậu quả nặng nề, nam sinh đã nhanh chóng tới nhiều tỉnh, thành bị ảnh hưởng để tham gia công tác cứu trợ, bao gồm: Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang, Bắc Giang và Ninh Bình. Được biết, nam sinh cũng là một MC quen mặt của nhiều chương trình Phật giáo, đồng thời là nhà sáng lập của kênh “Anh HaHa làm khóa tu” và dự án tranh Phật giáo cho người trẻ mang tên “Họa Pháp”.
Nam Đảng viên xuất sắc trường Nhân văn là MC tài năng với ‘bộ sưu tập’ thành tích ấn tượng

Nam Đảng viên xuất sắc trường Nhân văn là MC tài năng với ‘bộ sưu tập’ thành tích ấn tượng

SVVN - Đào Xuân Việt (sinh năm 2004) là sinh viên năm 3, ngành Khoa học Quản lý Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Xuân Việt không chỉ đạt GPA ấn tượng 3.74/4.0 cùng hai năm liên tiếp nhận Học bổng Khuyến khích học tập, mà còn ghi dấu ấn mạnh mẽ trong vai trò MC khi chinh phục nhiều thành tích cao. Ngoài ra, Việt còn là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, tích cực tham gia công tác Đoàn - Hội, góp phần thúc đẩy phong trào sinh viên và gắn kết cộng đồng.
Nam sinh tài năng của Học viện Cán bộ TP.HCM là đại biểu nhiều chương trình giao lưu quốc tế

Nam sinh tài năng của Học viện Cán bộ TP.HCM là đại biểu nhiều chương trình giao lưu quốc tế

SVVN - Thái Nguyễn Đăng Khoa (sinh năm 2004) là sinh viên Học viện Cán bộ TP.HCM. Với thế mạnh tiếng Anh cùng một loạt thành tích học tập và hoạt động nổi bật, Đăng Khoa nhiều lần được chọn là đại diện Việt Nam góp mặt trong các chương trình giao lưu quốc tế. Mới đây nhất, chàng trai vinh dự là một trong 15 đại biểu thanh niên Việt Nam tham gia chương trình Tàu Thanh niên Đông Nam Á - Nhật Bản (SSEAYP) lần thứ 48 năm 2024.
Nữ du học sinh Việt giàu lòng nhân ái, vận dụng đam mê Hóa sinh cho các dự án vì sức khỏe cộng đồng

Nữ du học sinh Việt giàu lòng nhân ái, vận dụng đam mê Hóa sinh cho các dự án vì sức khỏe cộng đồng

SVVN - Phan Dương Thục Quyên (sinh năm 2007) hiện theo học tại Oxford International College, Anh. Dù đang du học ở nước ngoài, Thục Quyên vẫn tích cực tham gia các chương trình thiện nguyện tại Việt Nam. Từ niềm đam mê Hóa sinh, cô bạn mong muốn được vận dụng những hiểu biết của bản thân để đóng góp cho các dự án vì cộng đồng và giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.
Kỳ thực tập mùa hè đáng nhớ của những 'nhà báo' năm nhất đến từ Học viện Ngoại giao

Kỳ thực tập mùa hè đáng nhớ của những 'nhà báo' năm nhất đến từ Học viện Ngoại giao

SVVN - Thực tập ngay từ năm nhất là một cơ hội lớn đối với các sinh viên ngành Truyền thông Quốc tế - Học viện Ngoại giao. Trải qua kỳ thực tập mùa hè 2024 đầy ý nghĩa tại Ban Sinh  viên, báo Tiền Phong, 5 sinh viên Ngoại giao đã thêm vào hành trang của riêng mình những bài học và kinh nghiệm quý giá trên hành trình theo đuổi giấc mơ “cầm bút” trong tương lai.
Mọi sự nỗ lực đều sẽ được đền đáp xứng đáng!

Mọi sự nỗ lực đều sẽ được đền đáp xứng đáng!

SVVN - Vốn là một người không thích xuất hiện trước ống kính, tuy nhiên sau khi được tiếp xúc với nghệ thuật, Minh Trang dần cảm thấy bén duyên và yêu nghề nhiều hơn. Bắt đầu đi lên từ mảng kid, sau đó là mẫu teen và hoạt động cho đến hiện tại, Minh Trang càng khẳng định sự quyết tâm chinh phục niềm đam mê diễn xuất nhiều hơn, sau 2 lần thi đại học và trở thành tân sinh viên chuyên ngành Diễn viên kịch, điện ảnh – truyền hình của trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
Chân dung nữ thủ khoa khối D07 tỉnh Thái Nguyên sau một năm 'chọn Ngoại giao'

Chân dung nữ thủ khoa khối D07 tỉnh Thái Nguyên sau một năm 'chọn Ngoại giao'

SVVN - Trần Thu Trang (sinh năm 2005) hiện là sinh viên năm hai khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại Học viện Ngoại giao. Với số điểm 28.25 tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023, cô đã xuất sắc trở thành Thủ khoa khối D07 của tỉnh Thái Nguyên. Mang theo nhiều kỳ vọng khi bước vào cánh cửa đại học, Thu Trang đã không ngừng học tập, phát triển và chứng tỏ bản thân trong năm đầu tại Học viện.
Hoa khôi duyên dáng Ngoại thương 2022 rạng rỡ ngày tốt nghiệp

Hoa khôi duyên dáng Ngoại thương 2022 rạng rỡ ngày tốt nghiệp

SVVN - Trần Hà Linh - Cựu sinh viên K59 chương trình Chất lượng cao Kinh tế chuyên ngành Kinh tế đối ngoại, Hoa khôi cuộc thi Duyên dáng Ngoại thương năm 2022 vừa chính thức nhận bằng tốt nghiệp vào cuối tuần vừa qua. Cùng lắng nghe những chia sẻ của Hoa khôi Ngoại thương trong thời điểm chính thức rời xa giảng đường đại học.