La Chiến Thắng (dân tộc Tày) sinh ra và lớn lên tại xã Đắk Liêng, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk (một trong số những huyện khó khăn nhất cả nước). Thắng là con út trong gia đình và trên cậu là ba người chị gái. Cũng bởi hủ tục “trọng nam khi nữ” và không coi trọng sự học nên phần lớn những đứa trẻ nơi Thắng ở theo học không học đến nơi đến chốn, thay vào đó ở nhà phụ giúp gia đình, đi làm ăn xa hoặc phải kết hôn sớm... Để có tiền lo cho các con ăn học và chạy tiền thuốc men cho Thắng, bố mẹ Thắng đã phải bươn chải bằng nhiều công việc khác nhau.
La Chiến Thắng (sinh năm 2002).
Từ nhỏ, bị suy dinh dưỡng cấp độ hai, Thắng không chỉ gặp nhiều khó khăn trong việc học mà còn là gánh nặng viện phí, thuốc men đối với bố mẹ. Thắng cho biết, hồi nhỏ Thắng rất áp lực mỗi khi nghĩ đến sức khỏe bản thân và cả định kiến "học hành chi cho nhiều" của người dân xung quanh.
Thấy bố mẹ lam lũ mưu sinh, ngay từ khi bắt đầu cắp sách đến trường, Thắng đã nỗ lực không ngừng để học tập và luôn là học sinh khá, giỏi trong lớp. Đặc biệt, dù phải phụ giúp ba mẹ làm nông để trang trải cuộc sống nhưng những năm học THPT, Thắng vẫn đạt Học sinh Giỏi ba năm liên tiếp. Cậu học trò vùng cao La Chiến Thắng tâm sự: “Tuy lúc đến lớp cố tỏ ra là một cậu bé đầy nỗ lực nhưng bên trong mình lại thấy tự ti về bản thân vì không được khoẻ mạnh như bạn bè. Cho nên mình không tham gia được nhiều hoạt động của lớp và nhiều khi cảm thấy khó hoà đồng với các bạn. Đến khi bước vào THPT mình mới bắt đầu lấy lại sự tự tin và từ đó việc học cũng khởi sắc lên hẳn”.
Với quyết tâm báo đáp tình yêu thương, sự chăm lo tận tình của bố mẹ và các chị, Chiến Thắng càng nỗ lực để đạt được thành tích cao trong kỳ thi Tốt nghiệp phổ thông quốc gia. Thắng đã đậu vào ngành Giáo dục Tiểu học, khoa Sư phạm, trường ĐH Tây Nguyên với thành tích thủ khoa đầu vào. Điều ý nghĩa hơn, cậu cũng đồng thời là học sinh có điểm thi cao nhất ở trường THPT nơi mình từng theo học. “Chọn học sư phạm phần vì mình muốn nối nghiệp gia đình, đồng thời trở thành người truyền đạt những kiến thức bổ ích để giúp các em học sinh có được một nền tảng kiến thức vững chắc”, Thắng bộc bạch.
Chia sẻ về chặng đường tiếp theo với những khó khăn trước mắt, Thắng cho biết đã đặt mục tiêu trong những năm tới sẽ tập trung hết mình vào việc học nhằm giành các suất học bổng mỗi kỳ để có thêm chi phí trang trải cuộc sống và việc học. “Sang năm thứ hai đại học, mình sẽ đi dạy ở các trung tâm gia sư để có thêm kinh nghiệm dạy học cũng như có thể phụ giúp thêm cho gia đình. Ước mong của mình khi ra trường là muốn trở về quê hương làm nghề giáo để góp một phần nhỏ bé vào công việc trồng người”, Thắng tự tin nói.
“Khó khăn nhất là năm mình học lớp 12 cũng là thời điểm bùng phát dịch COVID-19. Mọi người đều phải học online mà mình lại không có điện thoại hay máy tính để học. Tích góp, tằn tiện mãi bố mẹ mua cho mình một cái điện thoại. Xem đó như một phần thưởng sớm của bố mẹ nên mình quyết tâm hết sức để vượt qua kỳ thi tốt nghiệp THPT với điểm số cao nhất có thể”, Thắng chia sẻ.