Do ảnh hưởng của COVID-19, cuộc thi "Future Ready ASEAN 2020" phải tổ chức qua hình thức trực tuyến. Buổi Chung kết cuộc thi diễn ra ấn tượng, với sự tham dự của Việt Nam, Myanmar và Indonesia.
Đội Việt Nam gồm Nguyễn Ngô Hoài Linh, Nguyễn Hoàng Lâm và Đào Tiến Minh, với bài trình bày mang tên: “Bảo tồn các điệu múa truyền thống ASEAN bằng khoa học dữ liệu” đã giành giải Nhất. Hai vị trí tiếp theo thuộc về Myanmar và Indonesia.
Cuộc thi "Future Ready ASEAN 2020" là sân chơi để giới trẻ trên toàn khu vực đưa ra các giải pháp sử dụng dữ liệu nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa của ASEAN. Năm nay, cuộc thi thu hút đến 70 đội đến từ các nước ASEAN tham gia, 9 đội xuất sắc nhất đã lọt vào vòng chung kết và chọn ra 3 đội dẫn đầu tham dự buổi chung kết trực tuyến. Các đội phải tạo và gửi video trình bày giải pháp theo hướng dữ liệu giúp quảng bá văn hóa và di sản của ASEAN, đồng thời có cơ hội giành được tổng giải thưởng trị giá 3.000 USD.
Với chủ đề “Thúc đẩy Văn hóa và Di sản của ASEAN thông qua Khoa học dữ liệu”, cuộc thi năm nay thúc đẩy những người bạn trẻ mê khoa học dữ liệu trong khu vực đóng góp kỹ năng và kiến thức của bạn để giải quyết một số vấn đề cấp bách trong khu vực thông qua một giải pháp dựa trên dữ liệu.
Để tham gia, các ứng viên phải phát triển và gửi video dài 3 - 5 phút giới thiệu các giải pháp sáng tạo theo hướng dữ liệu có thể giúp quảng bá văn hóa và di sản của ASEAN. Các thí sinh còn phải hoàn thành một số khóa học trực tuyến do Ban tổ chức quy định nhằm có thêm trải nghiệm và kiến thức.
Nhận xét về phần trình bày của các đội thi, bà Jasmine Tang, đồng sáng lập Empire Code, thành viên Ban Tổ chức nói: "Điều làm tôi ấn tượng ở các bạn trẻ là khả năng sáng tạo – một khía cạnh quan trọng của khoa học máy tính nhưng thường bị lãng quên. Chúng tôi đã nhận được một số tác phẩm dự thi rất đáng kinh ngạc. Các bạn trẻ đã tập hợp được một bộ dữ liệu tuyệt vời, điều mà tôi biết là chẳng dễ dàng gì vì dữ liệu văn hóa tại ASEAN rất khan hiếm. Các đội lọt vào vòng chung kết đã thể hiện được năng lực triển khai khoa học dữ liệu xuất sắc và tôi hy vọng họ sẽ tiếp tục cải thiện kỹ năng khoa học dữ liệu của mình sau cuộc thi này. Bạn không bao giờ biết kỹ năng của bạn có thể đưa bạn đến đâu. Vậy nên đừng bao giờ ngừng học tập".
Với dân số trẻ và năng động, quá trình hội nhập kinh tế và đô thị hóa nhanh chóng, nhu cầu về lực lượng lao động có kỹ năng và sẵn sàng kỹ thuật số là rất cao trong khu vực ASEAN.
"Future Ready ASEAN" là một nền tảng trực tuyến được phát triển với sự hợp tác giữa ASEAN Foundation, Empire Code và Microsoft, như một phần của chương trình Đổi mới Kỹ thuật số ASEAN. Ra mắt vào tháng 3 năm 2019, chương trình này nhằm mục đích đào tạo 520 giáo viên và 46.000 thanh niên từ 15 đến 35 tuổi chưa được đào tạo về kỹ năng kỹ thuật số vào năm 2020. Các khóa đào tạo sẽ thúc đẩy nền tảng và được thực hiện bởi Empire Code với tư cách là giảng viên chính tại 8 quốc gia ASEAN (Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam).