Kiên trì mài giũa thành “viên ngọc sáng”
Từ thuở bé, cô nàng sinh năm 1992 đã thường là người giành được “tấm vé” tham gia các cuộc thi kể chuyện trong trường học nhờ vào chất giọng chắc khỏe và truyền cảm của mình. Với Thanh Thanh, công việc voice talent lúc bấy giờ vẫn còn là một khái niệm mơ hồ. Chỉ đơn giản là khi thường xuyên theo dõi các chương trình truyền hình trên truyền hình, ước mơ trở thành một MC đã đến với cô một cách rất tự nhiên. Thanh Thanh cho biết, khi lớn lên, cô càng ý thức rõ hơn về năng khiếu của mình nên đã không ngồi “há miệng chờ sung” mà quyết tâm hành động ngay khi còn là sinh viên năm hai. “Thời điểm đó, mình đã chủ động gửi giọng cho một số phòng thu ở TP. HCM để tìm kiếm cơ hội. Khi ấy mình bắt đầu thu âm giọng đọc cho tổng đài điện thoại, radio, TVC trong các siêu thị, cửa hàng điện máy”, Thanh Thanh chia sẻ.
Với nỗ lực của mình, Thanh Thanh đã lọt vào Top 6 của chương trình truyền hình thực tế Gương mặt truyền hình 2018. |
Sau khi tốt nghiệp trường ĐH Luật TP. HCM, Thanh đã làm việc ở những vị trí như phóng viên Đài Truyền hình Việt Nam, BTV thể thao của kênh truyền hình FPT. Bên cạnh đó, cô cũng được chọn là người đọc lời bình cho một số phim tài liệu, phóng sự truyền hình. Nói về lợi thế của mình trong công việc, Thanh thổ lộ: “Ở TP. HCM, nơi được xem như cái nôi của lĩnh vực truyền thông quảng cáo, chất giọng Bắc của mình lại có lợi thế cạnh tranh nhất định. Ngoài ra, vì mình làm voice talent full-time cho nên có sự linh hoạt trong thời gian biểu để phục vụ tốt nhất cho công việc”.
Thanh Thanh trong một lần làm host cho sự kiện song ngữ của thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng L'Oréal. |
Tuy vậy, theo Thanh Thanh, sự linh hoạt của nghề voice talent lại đi kèm với sự thiếu ổn định. Cụ thể, những người khi mới chập chững vào nghề thường chưa có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm; thu nhập của nghề lại bấp bênh nên dễ sinh hoài nghi về bản thân và nhanh chóng từ bỏ. Thanh Thanh chia sẻ: “Để tránh khỏi tình trạng đó, mình đã học cách bình tĩnh và kiên nhẫn khi làm công việc này. Nghề voice talent lại không có trường lớp đào tạo chính quy, bản thân mình càng phải chăm chỉ tự học bằng cách xem nhiều quảng cáo trên TV, Internet và bắt chước những cái hay để vận dụng vào kỹ năng của mình; song song là tiếp thu phản hồi từ khách hàng và cải thiện từng ngày”. Cô ví người làm nghề voice talent như “người chủ của một doanh nghiệp nhỏ” và cho biết muốn theo đuổi lâu dài, bản thân cô cần phải học cách tự vận hành, sáng tạo, không ngừng đổi mới để thích nghi với hoàn cảnh.
Kênh YouTube là nơi để Thanh chia sẻ tất tần tật về công việc voice talent. |
Cũng theo Thanh Thanh, để nâng tầm thương hiệu cá nhân, cô không những trau chuốt về giọng nói mà còn trang bị kiến thức về kỹ thuật, thiết bị thu âm, xử lý hậu kỳ âm thanh, bên cạnh đó là học cách giao thiệp với khách hàng. Ngoài ra, Thanh Thanh cũng đầu tư xây dựng nội dung trên YouTube, website để tăng độ nhận diện cá nhân giữa “biển” thị trường giọng đọc. Trong đó, học ngoại ngữ là điều được Thanh đặc biệt lưu tâm. Cô cho biết: “Để phát triển tiềm năng, người Việt mình có thể mở rộng ra thị trường quốc tế thông qua các trang thương mại điện tử về giọng nói. Việc học thêm một ngoại ngữ chính là bàn đạp giúp mình có thể tiến xa hơn và có được nhiều cơ hội quý giá. Khi đó, bản thân cũng sẽ nâng cao giá trị thương hiệu cũng như giảm bớt được sức cạnh tranh trong thị trường voice talent”.
Chắp cánh cho khóa học “bán giọng”
Sau 9 năm theo đuổi công việc voice talent chuyên nghiệp cùng với những “kinh nghiệm xương máu”, Thanh Thanh đã chính thức mở khóa học đào tạo Kỹ năng bán giọng từ A đến Z cho voice talent. Nói về tên gọi “bán giọng”, Thanh chia sẻ: “Mình không mở khoá “luyện giọng” vì sự luyện tập cần thời gian rèn giũa và thành công hay không là 90% đến từ chính bản thân người học. Còn với khóa học hiện tại, mình mong muốn hướng dẫn mọi người cách sử dụng lợi thế chất giọng như một công cụ để kiếm ra tiền”.
Thanh Thanh từng đảm nhận vai trò BTV cho một số Đài truyền hình. |
Cụ thể, khóa học của Thanh Thanh hướng đến những bạn đã có kỹ năng tương đối về giọng nói, cô chú trọng vào việc giúp họ phát huy tiềm năng để trở thành voice talent toàn diện, trang bị cho họ các kiến thức về kỹ thuật để có thể tự sản xuất một kênh radio hay podcast cá nhân, chỉ dẫn họ cách xây dựng một profile chuyên nghiệp thu hút nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, trên cơ sở đó tạo cho họ nền tảng vững chắc để có thể tiến xa hơn trên thị trường trong nước lẫn quốc tế.
Để tăng cường hiệu quả cho công việc, Thanh Thanh cũng đã tự mình setup một studio làm việc tại nhà. Chia sẻ về thái độ với nghề, Thanh Thanh cho rằng có lẽ chữ “yêu” cũng chưa đủ để diễn tả sự trân trọng của cô với công việc này. “Những bạn mới vào nghề, nếu đầu tư thật sự nghiêm túc và bản thân có thực lực thì sẽ không ngại việc gặp khó khi theo đuổi con đường này. Ở mỗi dự án, khách hàng sẽ lựa chọn chất giọng phù hợp nhất chứ không phải hay nhất. Nếu bạn tiếp tục kiên trì làm việc, không ngừng học hỏi và cải thiện thì chắc chắn sẽ gặp được dự án dành cho mình”, Thanh Thanh nhắn nhủ.
Voice talent là công việc chỉ những người thu âm giọng đọc cho các sản phẩm quảng cáo (TVC), phóng sự truyền hình, radio, lồng tiếng (dubbing) phim điện ảnh, phim thuyết minh hoặc phim tài liệu, phim doanh nghiệp, các khóa học trực tuyến.