TS Vũ Tuấn Anh - Trưởng khoa Truyền thông và Văn hoá đối ngoại, Học viện Ngoại giao. Ảnh: Dương Triều |
Thưa tiến sĩ Vũ Tuấn Anh, chủ đề "Xây dựng thương hiệu cá nhân" đang rất “hot”, bởi nếu nói về marketing mà không nhắc đến xây dựng thương hiệu cá nhân thì chưa đủ. Theo anh, nên hiểu thế nào cho đúng về “xây dựng thương hiệu cá nhân” trong bối cảnh hiện nay?
Tiến sĩ Vũ Tuấn Anh: Chúng tôi đang giảng dạy về “Xây dựng thương hiệu” dưới 3 cấp độ khác nhau: Đầu tiên là xây dựng thương hiệu quốc gia. Thứ hai, là xây dựng thương hiệu của một công ty, một tổ chức. Và cấp độ thứ ba, cũng là cấp độ nhỏ nhất, đó là thương hiệu của một cá nhân.
Trong giảng dạy tại khoa Truyền thông và Văn hoá đối ngoại, chúng tôi thường đề cập đến thương hiệu của những người nổi tiếng hay các chính trị gia như hình ảnh của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump "nổi lên" trên các trang mạng xã hội như thế nào hoặc hình ảnh tổng thống Nga Putin trên truyền thông ra sao. Ví dụ, trước cuộc xung đột Nga – Ukraine, tổng thống Nga được báo chí Nga và báo chí quốc tế ca ngợi là một người hào hoa, lịch thiệp, yêu thích thể thao, hào sảng,... Hoặc, thủ tướng Canada Justin Trudeau nổi tiếng với việc làm hình ảnh cho mình bằng những đôi tất, những đôi tất của ông ấy sẽ có "sức mạnh" ở trong những thời điểm nhất định. Khi muốn kêu gọi ủng hộ phong trào LGBT, ông ấy sẽ đeo những đôi tất lục sắc; Khi làm hình ảnh cho đất nước Canada, ông ấy sẽ đi những đôi tất có hình lá phong,… Vì thế khi nói đến hình ảnh của một quốc gia, không thể không nhắc đến hình ảnh của từng cá nhân, đặc biệt là các chính trị gia đại diện cho quốc gia đó.
Quay lại với chủ đề “Xây dựng thương hiệu cá nhân”, đó là cách một cá nhân xây dựng hình ảnh cho mình, người đó có thể đại diện cho một tập thể, có thể một quốc gia, một khu vực. Tuy nhiên, họ là những cá nhân thể hiện được giá trị cốt lõi bên trong và bên ngoài của mình, bằng chính năng lực bản thân của họ. Những người khác, nhỏ là trong cộng đồng, lớn hơn là trong xã hội, hay toàn thế giới chấp nhận những đặc trưng, đặc điểm hoặc cá tính đó, nhận ra sự đặc biệt của người đó trong vô vàn những người khác. Nói đến “Xây dựng thương hiệu cá nhân” là phải nói đến xây dựng được giá trị của người đó, cái cốt lõi đó phải thông qua những năng lực thật sự, những chân giá trị và điểm mạnh của riêng bản thân họ.
Nói đến “Xây dựng thương hiệu cá nhân” là phải nói đến xây dựng được giá trị của người đó, cái cốt lõi đó phải thông qua những năng lực thật sự, những chân giá trị và điểm mạnh của riêng bản thân họ.
Về lợi ích của làm thương hiệu cá nhân, đầu tiên giúp cho cá nhân đó tự tin hơn về bản thân mình, với những giá trị mà họ tạo ra cho cộng đồng và xã hội, nó tạo nên những giá trị đích thực trong cuộc sống. Tiếp theo, là tạo nên mối quan hệ trong những cộng đồng, xã hội đó, tạo nên những giá trị tích cực hơn.
Có những người sẽ xây dựng thương hiệu cá nhân của mình bằng những chiêu trò, từ xì-căng-đan, tuy nhiên, tôi nghĩ rằng xây dựng thương hiệu cá nhân như thế sẽ không bền vững và gây ảnh hưởng xấu đến danh tiếng của người đó cũng như gây ảnh hưởng đến toàn xã hội.
Theo anh, khi xây dựng thương hiệu cá nhân, điều gì là quan trọng nhất?
Tiến sĩ Vũ Tuấn Anh: Có 2 câu nói tôi rất thích, đó là “Hãy tỏa sáng theo cách của bạn” và “Tuy bạn không cao nhưng người khác phải ngước nhìn”. Đó là 2 giá trị cốt lõi mà tôi nghĩ một người muốn làm thương hiệu cá nhân cho mình, hay cho một ai đó phải biết đến.
Với câu đầu tiên, phải làm sao để cho giá trị cốt lõi của bản thân tỏa sáng, có thể theo cách riêng của bạn. Nhưng sáng ở mức độ nào, ra sao, để đạt được chân giá trị của mình, từ đó đóng góp cho xã hội, cho cộng đồng một cách hiệu quả nhất. Mỗi người sẽ tìm những con đường khác nhau để biết được chân giá trị của mình.
Câu thứ hai tôi muốn đề cập đến việc trong xã hội luôn có người đề cao vấn đề này, vấn đề kia, nhưng phải làm sao để mình có thể tự tin nhất về bản thân, tin về những giá trị bản thân mình tạo ra bằng cách này hay cách khác. Có thể mình không mạnh mặt này nhưng mình mạnh mặt khác, và thật sự mình phải tự tin với những thế mạnh đó. Có thể bạn là người mẫu chỉ cao 1m60, nhưng người ta thấy phong cách của bạn phù hợp với đại chúng, thì bạn hoàn toàn có thể là một người mẫu nổi tiếng. Vậy nên, trong xây dựng thương hiệu cá nhân thì xây dựng giá trị cốt lõi của bản thân là điều quan trọng nhất.
Hiện anh đang giảng dạy tại Học viện Ngoại giao - ngôi trường nổi tiếng với những sinh viên năng động, giỏi ngoại ngữ và có tư duy mở. Anh có nhận xét gì về việc xây dựng thương hiệu cá nhân của sinh viên mình?
Tiến sĩ Vũ Tuấn Anh: Với sự phát triển của mạng xã hội ngày nay, sinh viên hay các KOL có rất nhiều kênh khác nhau để phát triển thương hiệu của mình trên mạng xã hội như Instagram, Facebook, TikTok,... Mỗi người sẽ lựa chọn cho mình một nền tảng riêng để trở thành một Influencer (người ảnh hưởng) trên mạng xã hội, nhưng điều quan trọng là làm sao để bản thân nổi bật giữa hàng ngàn người khác và tạo nên thương hiệu cá nhân của mình?
Đối với sinh viên Học viện Ngoại giao, tôi nghĩ các bạn ấy có nhiều cách để xây dựng thương hiệu cho mình. Có nhiều bạn sẽ chọn những cách truyền thống như trở thành những sinh viên giỏi trong mắt thầy cô, tham gia nhiều hoạt động... Cách thứ hai, có những sinh viên rất năng động, tham gia các cuộc thi, làm việc tại các công ty từ rất sớm. Cách thứ ba, sinh viên tham gia các hoạt động xã hội và hướng đến phát triển bản thân thông qua các hoạt động xã hội của mình…
Có thể nói, có rất nhiều cách tạo nên thương hiệu. Tuy nhiên, với sinh viên Học viện Ngoại giao, tôi có một đánh giá chung, đó là các bạn đều rất ngoan, năng động và tạo nên một danh tiếng khá tốt cho trường. Nhắc đến sinh viên Ngoại giao là nhắc đến những sinh viên có kỹ năng mềm, ngoại ngữ tốt, thích ứng nhanh với nhiều môi trường xã hội khác nhau… Đấy cũng có thể không còn là thương hiệu của riêng cá nhân nữa mà là của một tổ chức, và mỗi bạn sinh viên lại thể hiện bằng một cách khác nhau.
Nhìn rộng ra với các bạn trẻ nói chung, anh có lời khuyên gì dành cho các bạn trẻ trong việc xây dựng thương hiệu cá nhân?
Tiến sĩ Vũ Tuấn Anh: Quay lại những điều đầu tiên, tôi muốn nói, mặc dù bạn tỏa sáng, mặc dù bạn có cao hay không cao thì bạn hãy là chính mình. Nếu các bạn là chính mình, bạn sẽ tìm được những giá trị đích thực, những điểm hay ho, thú vị của mình để “bán” được bản thân. Tuy nhiên, không nên quá đánh bóng bản thân mình, vì khi bạn quá đánh bóng bản thân mình thì kiểu gì người khác cũng nhận ra. Còn khi có giá trị cốt lõi của bản thân thì dù ở đâu, đến một thời điểm nhất định bạn sẽ tỏa sáng. Chỉ cần các bạn có thêm một vài quan tâm, kỹ năng, kỹ xảo nhỏ trong lĩnh vực truyền thông, thì bạn sẽ thành công trong tương lai.
Có một câu tôi muốn chia sẻ với các bạn trẻ và nhiều người: Khi bạn có những giá trị nhất định thì có thể mọi người sẽ tự biết đến bạn nhiều hơn. Đặc biệt trong thời đại ngày nay, mạng xã hội sở hữu tốc độ lan truyền một cách chóng mặt, như những con virus lan tràn trong xã hội. Đừng sợ, mà hãy cứ tạo nên những điều bản thân bạn mong muốn, những chân giá trị mà các bạn muốn tạo ra cho cho bản thân mình, cho cộng đồng mình, cho xã hội thì đến một lúc nào đó bạn sẽ tỏa sáng một cách rất tự nhiên.
Cảm ơn anh.