Xây dựng phương pháp học tập hiệu quả, chinh phục môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025

0:00 / 0:00
0:00
SVVN - Chương trình giáo dục phổ thông 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chương trình mở, với sách giáo khoa chỉ là “học liệu” hỗ trợ phát triển năng lực học sinh. Để giúp học sinh chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 (THPT 2025) môn Ngữ văn, cô Võ Phạm Trúc Linh, tác giả của bộ sách Thưởng Văn 12, người sáng lập Thưởng Thức Sách – Chuyên trang Ôn văn dành cho các bạn học sinh đã có những chia sẻ về bí quyết học văn hiệu quả cho kỳ thi THPT 2025.

Theo cô giáo Trúc Linh, “Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 cho môn Ngữ văn của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ yêu cầu đánh giá kết quả học tập của học sinh theo hai năng lực quan trọng, đó là năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học. Hai năng lực này được thể hiện trực tiếp qua 4 kỹ năng: đọc, viết, nói và nghe. Những kỹ năng này của các bạn học sinh sẽ được nuôi dưỡng qua các thể loại văn bản. Như ở chương trình lớp 12, các bạn học sinh sẽ gặp những thể loại thơ (thơ trữ tình hiện đại có yếu tố biểu tượng, tượng trưng, siêu thực), truyện (tiểu thuyết, truyện truyền kì, truyện hiện đại/hậu hiện đại) ký (phóng sự, nhật kí, hồi kí), kịch (hài kịch) và các bạn sẽ cần nắm vững đặc điểm của những kiểu văn bản nghị luận xã hội, nghị luận văn học và văn bản thông tin tổng hợp. Song song đó, các bạn cũng cần xây dựng phương pháp làm bài cho các dạng đề viết đoạn văn nghị luận xã hội và đoạn văn nghị luận văn học 200 chữ; kỹ năng viết bài văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học 600 chữ.” Đó là những điều cơ bản mà các bạn học sinh cần nắm vững để đáp ứng được yêu cầu của đề thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông môn Ngữ văn năm 2025.

Xây dựng phương pháp học tập hiệu quả, chinh phục môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 ảnh 1
Cô Trúc Linh là người sáng lập Thưởng Thức Sách – Chuyên trang Ôn văn dành cho các bạn học sinh.

Cô cũng chia sẻ: “Sự thay đổi giữa chương trình mới và chương trình cũ vừa là một thách thức nhưng cũng vừa là một cơ hội để các bạn học sinh nâng cao tư duy và nuôi dưỡng năng lực cảm thụ văn học của bản thân. Các bạn sẽ được tiếp cận với nhiều tác phẩm văn học ở nhiều thể loại, khám phá từng ngữ liệu, văn bản theo ba mức độ nhận thức: biết, hiểu và vận dụng. Vì vậy, để đảm bảo cho một bài thi Ngữ văn vừa đủ cấu trúc, bám sát và làm rõ vấn đề nghị luận, vừa đáp ứng được các tiêu chí chấm điểm thì trước tiên các bạn học sinh cần có sự xây dựng vững chắc về kiến thức, chú ý đặc điểm riêng thuộc các thể loại, tiểu loại và các kiểu văn bản trong chương trình học. Song song đó, các bạn cần nắm được phương pháp làm bài, kỹ năng viết cho các dạng đề, các kiểu văn bản.

Đồng thời, các bạn cần học cách mở rộng tư duy, góc nhìn đa chiều của bản thân dành cho mọi vấn đề được đặt ra trong tác phẩm, trong đề bài mà mình nhận được. Khi đối diện với một tác phẩm văn học, hãy đọc thật chậm rãi và kĩ lưỡng trong tâm thế tìm tòi, khám phá cái hay, cái đẹp, nét ấn tượng hay sự hài hòa đan kết có trong tác phẩm; chủ động ngẫm nghĩ về chủ đề của tác phẩm, đặt ra những câu hỏi và tìm kiếm câu trả lời qua quá trình bóc tách, phân tích tác phẩm. Sự song hành giữa kiến thức nền tảng và năng lực cảm thụ; giữa sự chủ động với tinh thần sẵn sàng khám phá, đón nhận, học hỏi và sự kỉ luật, chăm chỉ, kiên trì trong việc luyện viết sẽ góp phần đưa các bạn tiến gần đến mục tiêu của mình.”

Xây dựng phương pháp học tập hiệu quả, chinh phục môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 ảnh 2

Với cô giáo Trúc Linh, để có thể hiểu và có những cảm nhận sâu sắc về một tác phẩm, việc rèn luyện thường xuyên là điều bắt buộc.

Điểm khác biệt nổi bật nhất trong đề thi của chương trình học cũ và chương trình học mới đó là việc không sử dụng những văn bản, đoạn trích đã được học trong sách giáo khoa để làm ngữ liệu. Với cô giáo Trúc Linh, để có thể hiểu và có những cảm nhận sâu sắc về một tác phẩm, việc rèn luyện thường xuyên là điều bắt buộc: “Các bạn học sinh cần rèn luyện kỹ năng thể hiện suy nghĩ của bản thân bằng ngôn ngữ nói và viết. Trong quá trình ôn tập, khi gặp một tác phẩm bất kỳ, các bạn đừng vội chỉ nhìn đề và bắt tay vào làm ngay lập tức theo bản năng mà phải có sự quan sát, nhận biết tác phẩm để lắng nghe và thấu hiểu những tình cảm, thông điệp đang được tác giả giãi bày. Trước tiên, các bạn cần đọc ngữ liệu thật kĩ càng, tập xác định vấn đề trọng tâm đang bao trùm toàn bộ văn bản; nhận diện chủ đề, đề tài mà văn bản đang thể hiện; chú ý các nét đặc trưng của thể loại qua tác phẩm mình đang đọc.

Sau đó các bạn dựa vào cấu tứ, hệ thống nhân vật, điểm nhìn, mạch cảm xúc chính đang chi phối diễn biến tâm trạng và hành động của nhân vật/nhân vật trữ tình trong tác phẩm để cảm nhận sâu rõ hơn về cảm xúc, tư tưởng của người viết trước đối tượng đang được hướng tới. Các bạn cần rèn luyện năng lực cảm thụ qua việc đặt ra những câu hỏi về nhân vật và suy ngẫm ý nghĩa từ những lời nói, hành động, cử chỉ của họ; đặt mình vào hoàn cảnh của nhân vật để cảm nhận được suy nghĩ, cảm xúc; dựa vào giá trị nhân đạo và hiện thực để cảm nhận sự đồng cảm, thấu hiểu, tấm lòng, sự trăn trở của tác giả về đối tượng nào đó trong cuộc sống; từ những điều này, các bạn sẽ dần hiểu rõ hơn về những vẻ đẹp phẩm chất, vẻ đẹp trong tâm hồn mà nhân vật đang có cùng bài học, thông điệp ý nghĩa mà tác giả đã gợi ra qua tác phẩm của mình. Sau quá trình nhận biết, xác định nội dung và hình thức nghệ thuật được thể hiện, các bạn sẽ tiếp tục luyện tập cách xây dựng dàn bài, lập dàn ý chi tiết để định hình cấu trúc cho bài văn, đoạn văn của mình. Bước này cần thiết cho một định hướng phân tích, bàn luận đúng đắn; hạn chế tình trạng viết lạc đề, lan man, không rõ ý, thiếu mạch lạc.

Xây dựng phương pháp học tập hiệu quả, chinh phục môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 ảnh 3
Cô giáo Trúc Linh cùng các bạn học sinh của Thưởng Thức Sách.

Cuối cùng, các bạn bắt đầu viết một bài văn hoàn chỉnh bằng sự chỉn chu, tỉ mỉ qua từng câu, từng đoạn. Hãy giải quyết vấn đề từ những điều đơn giản để nhanh chóng bắt nhịp và hòa cảm xúc vào bài văn của mình bằng cách tập viết từng câu văn nhỏ, từng đoạn văn nhỏ để rèn kĩ năng diễn giải suy nghĩ thành lời văn, thể hiện cảm xúc cá nhân lên trang viết và làm rõ nội dung chính mà mình muốn phân tích. Khi tiếp cận, nhận thức đề và hình thành được hệ thống ý đáp ứng được yêu cầu của đề một cách kĩ lưỡng, chỉn chu và tỉ mỉ qua từng bước, các bạn sẽ có thể đảm bảo được bản thân đang đi đúng hướng, không bị lan man.”

Ngoài luyện viết, chủ động tiếp cận với những văn bản mới ngoài sách giáo khoa cũng là điều cô Trúc Linh cảm thấy cần thiết để học tốt môn văn. “Các bạn học sinh nên có cho mình sự chủ động qua việc đọc thêm những tác phẩm mới ngoài chương trình học, những quyển sách phù hợp để trau dồi vốn hiểu biết và nâng cấp văn phong, làm giàu thêm cho kho tàng ngôn từ của bản thân. Đặc biệt, thói quen đọc sách báo sẽ giúp cho các bạn học tốt phần nghị luận xã hội với các dạng đề khác nhau: từ nghị luận về một vấn đề liên quan đến tuổi trẻ qua những câu chuyện, danh ngôn, những đề tài mang tính thời sự đến cách viết bài phát biểu trong những buổi lễ, những hoạt động xã hội hay viết thư trao đổi công việc hoặc một vấn đề đáng quan tâm,...

Khi đọc một tác phẩm văn học hay một cuốn sách về các khía cạnh trong xã hội, các bạn nên cho mình những “khoảng lặng” khi dừng lại để cảm nhận, đồng sáng tạo với tác giả qua quá trình suy ngẫm, phân tích, soi chiếu vấn đề từ nhiều góc độ để thể hiện suy nghĩ, quan điểm riêng, cảm xúc cá nhân và rút ra bài học cho riêng mình. Càng tiếp xúc nhiều với văn chương và những cuốn sách hay, các bạn sẽ càng có thêm những góc nhìn mới, càng được đào sâu suy nghĩ, mở rộng góc nhìn, nâng cao tư duy của bản thân và có thêm sự thấu hiểu về các văn bản, các tác phẩm ở những tiểu loại, thể loại khác nhau. Có như thế, khi đối diện với những ngữ liệu mới trong đề thi, các bạn học sinh mới không bị bối rối hay lo sợ mà vẫn bình tĩnh làm bài, từng bước khám phá, phân tích tác phẩm.”

Một yếu tố quan trọng khác để hoàn thành tốt bài thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông đó là sự sáng tạo và màu sắc cá nhân trong bài viết. “Khi đối diện với một tác phẩm mới, nhiều bạn có thói quen đọc văn mẫu để tham khảo, định hình cách phân tích. Bản chất của việc tham khảo thêm diễn đạt, gợi ý từ văn mẫu để mở rộng vốn từ và góc nhìn của bản thân vốn không sai, nhưng nếu các bạn thực hiện việc tìm kiếm văn mẫu ngay khi vừa đọc văn bản thì các bạn sẽ dễ rơi vào hố sâu của nó, dần rập khuôn trong cách tiếp cận và bó hẹp trong tư tưởng, chấp nhận sự định hình theo suy nghĩ của người khác, dễ dàng bỏ qua những cảm nhận riêng của bản thân và thiếu đi màu sắc của chính mình.

Vì vậy, thay vì tìm kiếm sự trợ giúp hay những bài văn tham khảo ngay lập tức, các bạn hãy cố gắng tập quan sát, suy nghĩ về vấn đề được đặt ra thông qua văn bản, định hình trước các ý chính theo các bước: xác định đề tài, chủ đề của văn bản; tìm ý và lập dàn ý. Khi các bạn đã có một “khung xương” bài viết cho mình, các bạn có thể tham khảo, đọc thêm những gợi ý để được bổ sung ý tưởng khi chuẩn bị viết bài, củng cố định hướng của bản thân qua những góc nhìn bên ngoài để đúc rút ra được những nhận định vừa sâu sắc nhưng lại vừa có sự riêng biệt, mang theo cá tính sáng tạo của mỗi người; sau đó xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm cho bài viết sau”, cô chia sẻ.

Để học tốt môn Văn, mỗi bạn học sinh không chỉ cần có sự rèn luyện về kiến thức, kỹ năng mà cần có cả sự nghiêm túc, cố gắng. “Người Nhật có thuật ngữ “Ikigai” để nói về lẽ sống, lý do thức dậy mỗi sáng từ những điều mang lại cảm hứng và động lực mỗi ngày. Vì thế, mỗi bạn học sinh đều nên xác định được mục tiêu, lý tưởng mà bản thân đang hoặc muốn theo đuổi và xác định rõ những nhiệm vụ cần thực hiện để chinh phục nó bằng năng lực, bản lĩnh của mình. Khi đã xác định được mục tiêu, các bạn cần cố gắng xây dựng một kỷ luật nghiêm khắc và thói quen nghe, nói, đọc, viết thật chăm chỉ. Nếu các bạn biết biến lý tưởng trong tâm trí thành hành động cụ thể mỗi ngày, kiên trì rèn luyện với một kế hoạch rõ ràng và những thói quen tốt được thiết lập phù hợp với môn Văn, các bạn sẽ có được sự vững vàng về cả kiến thức lẫn kỹ năng của mình trước kỳ thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông 2025.”

Xây dựng phương pháp học tập hiệu quả, chinh phục môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 ảnh 4

Cô giáo Trúc Linh cùng các bạn học sinh của Thưởng Thức Sách.

Ngoài siêng năng rèn luyện, các bạn học sinh cũng cần học cách tự nhìn nhận, đánh giá bản thân qua mỗi giai đoạn ôn thi. “Có một từ “Kaizen” trong tiếng Nhật để nói về việc thay đổi từng chút một để trở nên hoàn thiện hơn. Các bạn có thể vận dụng nó trong quá trình học Văn của mình bằng các bước: Lên kế hoạch – Hành động – Kiểm tra, cải tiến để tốt hơn – Duy trì thói quen này mỗi ngày, mỗi tuần. Các bạn cần chủ động nhìn lại sau một quá trình cố gắng để soi chiếu những điều bản thân chưa làm được hoặc chưa làm tốt, khắc phục những lỗi còn tồn đọng và phát huy những ưu điểm để tạo ra kết quả tốt hơn trong các giai đoạn tiếp theo. Cho nên trong giai đoạn ôn thi, ngoài xác định cho mình mục tiêu, lý tưởng và xây dựng những kế hoạch chi tiết để ôn tập và rèn luyện qua từng mốc thời gian, qua từng giai đoạn quan trọng, thì các bạn luôn cần có cho mình những phương pháp học tập phù hợp với bản thân.

Có một kỹ thuật được đặt theo tên của nhà vật lý nổi tiếng Richard Feynman tên là kỹ thuật Feynman - một phương pháp học tập tập trung vào việc đơn giản hóa và giải thích các khái niệm phức tạp bằng ngôn ngữ dễ hiểu. Từ đó, các bạn học sinh có thể vận dụng kỹ thuật này để học Văn một cách hiệu quả hơn qua bốn bước: Chọn một khái niệm, chủ đề hoặc tác phẩm văn học mà bạn muốn học; sau đó đặt mình vào vị trí của một người đang cần truyền tải kiến thức cho một người khác để cố gắng giải thích khái niệm, nội dung của tác phẩm bằng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu nhất có thể; từ đó nhìn nhận và xác định lỗ hổng kiến thức trong quá trình giải thích khi nhận ra những điểm mình chưa hiểu rõ, ghi chú lại và tiếp tục ôn tập những điều mình chưa nắm vững. Sau khi đọc một tác phẩm văn học, các bạn có thể thử tóm tắt nội dung, chủ đề, các nhân vật chính và ý nghĩa của tác phẩm bằng ngôn ngữ đơn giản của riêng mình; tiếp đó chọn một đoạn trích ngắn hoặc một nhân vật trong tác phẩm để tìm ý, lập dàn ý phân tích số phận, tính cách, hành động, vẻ đẹp phẩm chất,... của nhân vật bằng văn phong, diễn giải của bản thân.

Xây dựng phương pháp học tập hiệu quả, chinh phục môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 ảnh 5

Ngoài ra, các bạn có thể tìm một người bạn hoặc thành viên trong gia đình và thử giải thích cho họ về một tác phẩm, một nhân vật hoặc một khái niệm văn học mà bạn đã học qua để hiểu sâu hơn về tác phẩm và nâng cao sự tự tin trong cách truyền tải, cảm thụ và diễn đạt của bản thân về một vấn đề nào đó. Khi các bạn luôn chủ động để tìm ra phương pháp phù hợp với bản thân, nhìn nhận sự tiến bộ qua từng quá trình, các bạn sẽ biết sửa đổi những điều chưa tốt và tiếp tục hoàn thiện những điều mình đã làm tốt. Có như vậy, quá trình ôn thi mới hiệu quả và giúp các bạn không bỏ lỡ giấc mơ của chính mình.”

“Tổng kết lại, các bạn cần phải cố gắng xây dựng kiến thức nền tảng thật vững vàng về các thể loại, tiểu loại và các kiểu văn bản. Song song đó thì hãy nâng cao kỹ năng viết, kỹ năng cảm thụ và 4 kỹ năng quan trọng đọc, viết, nói và nghe của bản thân mình, trau dồi năng lực ngôn ngữ và năng lực văn học. Trong quá trình đó, chúng ta cần có sự nghiêm túc, kỷ luật và luôn luôn chăm chỉ để có thể biến mong muốn, ước muốn của bản thân mình thành hiện thực.”, cô giáo Trúc Linh chia sẻ.

(Ảnh: NVCC)

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài dự Lễ khai giảng năm học mới

Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài dự Lễ khai giảng năm học mới

SVVN - Sáng ngày 5/9, thầy và trò trên cả nước háo hức dự Lễ khai giảng năm học 2024 - 2025, toàn ngành giáo dục gửi gắm nhiều kỳ vọng cho năm học bản lề này. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đến dự và đánh trống tại Lễ khai giảng năm học mới tại trường THCS Giảng Võ (Q. Ba Đình, TP. Hà Nội).