Khi ngoại ngữ là cơn "ác mộng"
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuẩn đầu ra về ngoại ngữ được thiết lập dựa trên Khung trình độ quốc gia Việt Nam, ban hành theo quyết định số 1982/QĐ-TTg năm 2016. Cụ thể, người tốt nghiệp đại học phải đạt năng lực ngoại ngữ bậc 3/6 theo Khung năng lực ngoại ngữ của Việt Nam, tương đương với trình độ B1 theo Khung tham chiếu châu Âu. Hiện nay, chứng chỉ B1 là tiêu chuẩn tối thiểu mà phần lớn các cơ sở giáo dục đại học áp dụng để đánh giá điều kiện ngoại ngữ đầu ra.
Tuy nhiên, mỗi trường đại học, tùy thuộc vào ngành đào tạo, sẽ có những điều chỉnh khác nhau về chuẩn đầu ra ngoại ngữ. Ngoài Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam (VSTEP), nhiều trường còn chấp nhận quy đổi các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEIC, TOEFL và các ngôn ngữ khác.
Bảng tham chiếu quy đổi chứng chỉ ngoại ngữ của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. |
Theo đó, sinh viên cần đạt mức B1 theo Khung châu Âu, hoặc đạt từ 4.5 - 6.5 điểm IELTS hay 450 - 550 điểm TOEIC. Đối với các ngành đào tạo chất lượng cao, ngành ngôn ngữ hoặc các chương trình quốc tế, yêu cầu về ngoại ngữ sẽ được nâng lên. Sinh viên có thể lựa chọn các chứng chỉ này hoặc tham gia kỳ thi nội bộ do trường tổ chức để đạt đủ điều kiện xét tốt nghiệp.
P.K.P, sinh viên năm 4 Học viện Báo chí và Tuyên truyền đều đặn dành ba buổi tối mỗi tuần để ôn luyện Tiếng Anh cùng gia sư. Theo yêu cầu của trường, sinh viên các ngành thuộc khối lý luận cần đạt chứng chỉ tiếng Anh trình độ B1 hoặc HSK3 đối với tiếng Trung, trong khi khối nghiệp vụ yêu cầu cao hơn với chứng chỉ tiếng Anh B2 hoặc HSK4.
K.P cho biết: “Ban đầu, vì mất căn bản tiếng Anh, mình quyết định theo học khóa TOEIC, một chứng chỉ phổ biến và tương đối dễ hơn do chỉ phải thi hai kỹ năng chính là nghe và đọc. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu kỹ, mình mới biết trường yêu cầu cả bốn kỹ năng đối với chứng chỉ này. Hơn nữa, học khối nghiệp vụ nên chuẩn đầu ra của mình còn cao hơn. Sau khi cân nhắc, mình đã chuyển sang học VSTEP để rút ngắn thời gian và giảm rủi ro vì có thể thi nội bộ tại trường nếu chưa đạt yêu cầu.”
Nhiều sinh viên coi chứng chỉ ngoại ngữ như một cơn ác mộng. (Ảnh minh họa bởi AI) |
Tương tự K.P, dù đã hoàn thành tất cả các môn học tại trường và thậm chí đã đi làm, H.N.Y. (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM) vẫn chưa thể nhận bằng tốt nghiệp do thiếu chứng chỉ ngoại ngữ. Để đáp ứng điều kiện ra trường, Y. đã chọn thi lấy chứng chỉ VNU-EPT (kỳ thi đánh giá năng lực tiếng Anh của Đại học Quốc gia TP.HCM), với yêu cầu tối thiểu là 176/400 điểm.
Dù vậy, sau ba lần thi, Y. vẫn chưa đạt đủ điểm. Nữ sinh chia sẻ rằng mỗi lần thi đều thiếu từ 10 đến 20 điểm, chủ yếu do mất điểm ở phần nghe, tiếp đến là đọc vì gặp nhiều chủ đề lạ và thiếu vốn từ vựng.
Mỗi lần thi tốn chi phí 650.000 đồng, nhưng với Y., thiệt hại tài chính không đáng lo bằng những áp lực tinh thần. Y. thừa nhận: “Nguyên nhân khiến mình thất bại chính là do tâm lý chủ quan, đã trì hoãn việc học tiếng Anh trong một thời gian dài. Đồng thời, mình cũng không thể cân bằng giữa việc làm và việc học, dẫn đến hiệu quả học tập không cao. Vì mong muốn tốt nghiệp đúng hạn, mình đã đăng ký thi liên tiếp, dẫn đến việc không đủ thời gian ôn luyện.”
Hiện tại, Y. đã đi làm nhưng phải xin nghỉ phép để tập trung ôn luyện. Cô nàng đang tham gia các khóa học tiếng Anh tại trung tâm của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, chuẩn bị cho lần thi vào tháng tới.
T.H.L, sinh viên năm cuối Trường Đại học Thương mại cũng đang đối mặt với áp lực khi phải hoàn thành chứng chỉ tiếng Anh để đủ điều kiện tốt nghiệp. Gần cuối kỳ 2, năm học thứ 4, nữ sinh quyết định theo học một khóa ôn tập ngắn hạn tại trung tâm trong vòng 2 tuần rồi gấp rút thi chứng chỉ APTIS bên ngoài để kịp nộp cho trường. Theo L., việc học ở trung tâm giúp cô nàng tiết kiệm thời gian và có phương pháp ôn thi hiệu quả hơn.
Dù vậy, nữ sinh thừa nhận rằng cách học này chỉ mang tính đối phó, chủ yếu nhằm đáp ứng yêu cầu thi cử thay vì nắm vững kiến thức như khi học chính khóa. Điều duy nhất nữ sinh đạt được là tiết kiệm thời gian, nhưng kiến thức thì không thực sự gia tăng. Tổng chi phí để hoàn thành yêu cầu chuẩn đầu ra ngoại ngữ là 7,5 triệu đồng, bao gồm cả học phí tại trường, chi phí ôn luyện và lệ phí thi.
Cần lên kế hoạch học tập hiệu quả
Theo Th.S Phạm Thị Hà, giảng viên khoa Ngôn ngữ Anh, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc nhiều sinh viên năm cuối gặp khó khăn trong việc đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh là do thiếu kế hoạch ôn tập cụ thể và lộ trình học rõ ràng: "Nhiều sinh viên năm nhất và năm hai dành phần lớn thời gian cho việc học chuyên ngành và đi làm thêm, dẫn đến việc học tiếng Anh bị bỏ ngỏ. Khi bước vào năm ba hoặc năm tư, các bạn mới bắt đầu tập trung ôn tập, nhưng lúc này lại phải đối mặt với lịch kiến tập và thực tập dày đặc, khiến việc học ngoại ngữ trở nên áp lực. Đặc biệt, một số sinh viên còn phải làm việc full-time, càng khiến cho việc ôn tập trở nên khó khăn hơn", bà cho biết.
Th.S Phạm Thị Hà: "Học ngoại ngữ không chỉ đòi hỏi kế hoạch và sự kiên trì mà còn cần sự hướng dẫn đúng đắn để đạt được hiệu quả tốt nhất" (Ảnh: NVCC) |
Th.S Phạm Thị Hà chia sẻ một số phương pháp học ngoại ngữ hiệu quả: "Trước hết, sinh viên cần có một kế hoạch học tập cụ thể và rõ ràng. Đặc biệt, đối với những sinh viên có nền tảng ngoại ngữ chưa vững, việc đặt ra mục tiêu cụ thể là rất quan trọng.
Thứ hai, việc có một giáo viên giỏi hoặc một người bạn đồng hành có khả năng tiếng Anh tốt sẽ giúp sinh viên chia sẻ kinh nghiệm và cải thiện kỹ năng. Những người bạn này chính là người định hướng, nguồn động lực, giúp sinh viên duy trì tinh thần học tập. Bên cạnh đó, ý thức tự học đóng vai trò quyết định. Với sự phát triển của công nghệ, hiện nay có rất nhiều tài liệu học ngoại ngữ trực tuyến để sinh viên tận dụng. Tuy nhiên, điều quan trọng là có người hướng dẫn để giúp sinh viên xác định đúng lộ trình học, bởi dù tài liệu có phong phú đến đâu, việc biết cách khai thác và áp dụng mới là yếu tố then chốt.
Cuối cùng, học ngoại ngữ cần được duy trì đều đặn hàng ngày, tránh học dồn dập. Mỗi ngày, sinh viên nên rèn luyện đầy đủ bốn kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết, đồng thời củng cố và mở rộng vốn từ vựng và ngữ pháp, đặc biệt là các cấu trúc ngữ pháp có thể áp dụng vào giao tiếp và viết lách. Những kỹ năng này sẽ rất cần thiết khi sinh viên sử dụng ngoại ngữ trong công việc sau này.
Tóm lại, học ngoại ngữ không chỉ đòi hỏi kế hoạch và sự kiên trì mà còn cần sự hướng dẫn đúng đắn để đạt được hiệu quả tốt nhất".