Nhóm FWP gồm các sinh viên ngành Cơ – Điện tử, trường ĐH Duy Tân: Nguyễn Văn Hoàng Long, Phạm Khắc Minh Đức, Nguyễn Thanh Hùng và Nguyễn Minh Huy, ngành Quản trị Kinh doanh). ThS Phạm Ngọc Quang thuộc Trung tâm Điện - Điện tử (CEE) hướng dẫn.
Ở cuộc thi Sáng kiến năng lượng bền vững 2021 do Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) và New Energy Nexus Việt Nam tổ chức, sáng tạo của nhóm FWP tuy chỉ giành vị trí thứ ba nhưng được đánh giá rất cao về tính khả thi trong việc đem lại lợi ích cho môi trường, nhất là với các hộ gia đình.
Mô hình máy xử lý thực phẩm thừa của nhóm FWP. Ảnh: FWP |
Sáng tạo của nhóm mang tên “Máy xử lý thực phẩm thừa FWP” là thiết bị xử lý thức ăn dư thừa tại hộ gia đình thành hạt cám có thể tái sử dụng cho gia súc, gia cầm hoặc làm phân bón. Chiếc máy này đã từng mang về cho nhóm giải Nhất tại 'Hult Prize On Cam' (trường ĐH Duy Tân) để giành quyền vào vòng Chung kết 'Hult Prize Impact Summit', TP. HCM. Nhóm cũng là đại diện của trường đem sản phẩm dự thi 'Sinh viên Start Up' của Bộ GD – ĐT tổ chức năm 2020.
Trưởng nhóm Nguyễn Văn Hoàng Long cho biết, trung bình mỗi ngày, một hộ gia đình thải ra một lượng thức ăn thừa khoảng 2 đĩa. Con số này nhân lên với địa bàn một khu phố, một phường/ xã mỗi tuần sẽ cho ra một lượng khổng lồ. Lượng thức ăn thừa này chủ yếu đổ bỏ hoặc sử dụng cho vật nuôi, gia súc ăn lại, vừa làm mất vệ sinh, vừa tiềm ẩn những nguy hại cho động vật. Chưa kể, vật nuôi sau khi sử dụng lượng thức ăn thừa này lại trở thành… thức ăn cho con người.
Thêm vào đó, tại các đô thị, các hộ gia đình không được phép nuôi gia súc nên lượng thức ăn thừa càng lớn, phải mang đổ bỏ. Chính vì điều này, nhóm chủ trương thiết kế máy sao cho nhỏ gọn, dễ vệ sinh và nhắm đến đối tượng sử dụng trước mắt là các hộ gia đình đô thị.
Các thành viên nhóm FWP nhận giải 'Hult Prize Campus' tại trường ĐH Duy Tân. Ảnh: DTU |
Theo Hoàng Long, thiết kế máy chỉ cao khoảng 80 cm, cấu tạo gồm buồng nghiền thức ăn, với sức chứa khoảng 16 kg. Chỉ cần cho thức ăn vào buồng, máy sẽ tự động nghiền nát và loại bỏ phần nước, chỉ giữ lại “bã”. Phần bã này lại được sấy khô trong 3 giờ đồng hồ và lại xay mịn như bột. Phần bột này sẽ được trộn với chất vi sinh thành hạt cám. Tỉ lệ thành phẩm là 4/1, tức nếu bỏ đầy buồng chứa 16 kg, hộ gia đình sẽ thu được 4 kg cám.
Loại cám này có chất lượng ra sao và được tái sử dụng như thế nào? Theo nhóm, loại cám này sạch và có thể sử dụng để chăn nuôi gia súc, gia cầm mà không lo gây ra các bệnh đường ruột, vừa tiết kiệm, vừa đảm bảo vệ sinh.
Ý tưởng này nếu nhân rộng và ở quy mô lớn, có thể trở thành một mô hình chế biến thức ăn gia súc. Người dân có thể bán lại chính loại cám này cho cơ sở sản xuất.