Hãy cùng tham khảo một số bí quyết viết thư ứng tuyển cho sinh viên mới ra trường dưới đây để tự tin hơn trong hành trình tìm việc nhé.
Chọn mẫu thư ứng tuyển phù hợp
Sẽ không hiệu quả nếu bạn sử dụng một mẫu thư xin việc bất kỳ nào đó mà thiếu sự nghiên cứu thông tin tuyển dụng việc làm, cũng như chưa hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu của sinh viên mới ra trường.
Nhà tuyển dụng có rất ít thời gian để đọc, thậm chí chỉ lướt qua vài giây nên một mẫu thư không phù hợp sẽ nhanh chóng bị bỏ qua. Sử dụng mẫu thư ứng tuyển dành cho ứng viên giàu kinh nghiệm khiến điểm yếu của bạn bị lộ rõ. Hoặc cố tình “làm quá” sẽ khiến thư ứng tuyển trở nên rối mắt.
Hãy lựa chọn mẫu thư ứng tuyển phù hợp với ứng viên còn non kinh nghiệm. Có thể là các mẫu đơn giản nhưng đủ chuyên nghiệp, chỉn chu và điều quan trọng nó giúp bạn làm nổi bật điểm mạnh của bản thân.
Ngắn gọn nhưng trau chuốt
Nhiều bạn suy nghĩ, viết càng dài thì kể được càng nhiều về bản thân. Điều đó đồng nghĩa năng lực của bạn cao, kỹ năng của bạn nhiều. Tuy nhiên quan điểm này là sai lầm vì thư ứng tuyển không phải để kể lể dài dòng. Chưa nói đến với sinh viên mới ra trường, bạn không có nhiều thứ để nói vì khoảng trống kinh nghiệm. Kể cả liệt kê bằng cấp, hay hoạt động ngoại khóa cho tới giải thưởng thì sự va chạm thực tế của bạn gần như không có. Thế nên viết dài, bạn càng dễ lộ ra điểm yếu.
Vì mang tính chất giới thiệu nên với thư ứng tuyển, bạn chỉ cần khái quát bản thân với giá trị nổi bật nhất thông qua một số thế mạnh nổi bật. Đó là điều mà nhà tuyển dụng đang tìm kiếm ở ứng viên.
Sau đó, bạn cần chắt lọc câu từ và viết ngắn gọn trong khoảng 1/2 thậm chí chỉ nên ở 1/3 trang A4. Như vậy là đủ để nhà tuyển dụng tò mò muốn tìm hiểu kỹ hơn về bạn qua CV và vòng phỏng vấn trực tiếp.
Tập trung vào thế mạnh
Có một điểm phải thừa nhận, kinh nghiệm là yếu tố mà sinh viên mới ra trường không thể so sánh với ứng viên đã đi làm lâu năm. Nhưng điều đó không có nghĩa là bạn thiếu năng lực.
Theo đó, khi viết thư ứng tuyển cho sinh viên mới ra trường hãy tập trung vào điểm mạnh như trình độ, thành tích học tập, các hoạt động ngoại khóa… để qua đó cho thấy bạn có đủ năng lực, phẩm chất nhà tuyển dụng cần. Điều quan trọng hơn, vì có ít nên bạn cần phải làm nổi bật nó.
Ví dụ để khắc họa sâu về năng lực chuyên môn, bạn nên cụ thể hóa bằng số liệu với thông tin cụ thể. Ví dụ: Thay vì nói “Em đạt kết quả học tập tốt”, nên nói “Em đã xuất sắc đạt kết quả học tập tốt với điểm trung bình môn chuyên ngành 8.5”.
Đưa ra phẩm chất phù hợp
Lợi thế vượt trội của sinh viên mới ra trường so với ứng viên nhiều kinh nghiệm là năng lượng tuổi trẻ. Bạn có đam mê, khao khát, nhiệt huyết và sức khỏe để làm việc và cống hiến với tất cả tâm huyết và sức lực. Bạn sẵn sàng công tác xa, làm thêm giờ, đi sớm, về muộn... Chưa kể, bạn tiếp cận công nghệ nhanh, nắm bắt xu hướng tốt, học hỏi và dễ thay đổi hơn so với ứng viên đã ra trường lâu năm.
Điều đó có nghĩa, sự bứt tốc của ứng viên mới ra trường sẽ rất nhanh nếu gặp đúng việc, đúng môi trường. Do đó, chỉ cần cho thấy nguồn năng lượng tích cực đó trong thư ứng tuyển, nhà tuyển dụng sẽ bị thu hút bởi bạn.
Cá nhân hóa thư ứng tuyển
Nhiều bạn nghĩ thư ứng tuyển chỉ mang tính hình thức nên chỉ viết qua loa, thậm chí không viết. Họ không biết đây là “mảnh đất” tốt để kết nối và tạo thiện cảm với nhà tuyển dụng.
Hãy tìm hiểu về nhà tuyển dụng. Nếu có thông tin chính xác, thay vì “kính gửi” chung chung, bạn hãy nhắc đến tên của họ ngay ở phần đầu của thư. Biết đâu vì chi tiết nhỏ này mà nhà tuyển dụng lại tò mò muốn gặp bạn ở buổi phỏng vấn trực tiếp.
Bạn cũng đừng ngại bày tỏ mơ ước được làm việc tại công ty. Hãy thể hiện sự mong chờ và quyết tâm muốn trở thành đồng nghiệp của nhà tuyển dụng, trở thành một phần trong trang vàng lịch sử của doanh nghiệp.
Cuối cùng, hãy kiểm tra kỹ các lỗi chính tả, câu từ, thông tin, địa chỉ email để kịp thời sửa chữa. Bạn phải đảm bảo khi bấm nút gửi thư ứng tuyển, mọi thứ phải thật hoàn hảo cả nội dung và hình thức.
Nếu áp dụng tốt các bí quyết viết thư ứng tuyển cho sinh viên mới ra trường trên đây, cơ hội được vào vòng trong của bạn sẽ rất cao. Dù đang ở giai đoạn nào của quá trình tìm việc, chỉ cần bạn cần hiểu rõ giá trị của bản thân, tự tin vào hành trình đang đi và biết làm nổi bật lợi thế mình có thì chắc chắn công việc mơ ước sẽ sớm đến với bạn.