Trong những năm đôi mươi mà người trẻ thường gọi đó là thời kì “chênh vênh” thì rất ít người có thể gắn bó lâu dài với một công ty duy nhất. Cụm từ “nhảy việc” là ý nghĩ thường trực của bất cứ ai khi vấp phải những khó khăn trong sự nghiệp. Nhưng việc chuyển đổi một công việc, hay công ty khác thực sự là một “canh bạc”, và nếu bạn không có sự tính toán kĩ càng thì rất có thể đó sẽ là một sai lầm mà bạn phải “tiếc hùi hụi”. Nếu bạn đang có ý định nhảy việc, hãy tham khảo để tránh mắc phải 5 sai lầm sau nhé
Không lập kế hoạch tài chính
Sai lầm của những người nhảy việc đó là quá hấp tấp nghỉ việc ngay khi có ý định. Trước khi nghĩ đến việc bạn sẽ làm gì khi rời khỏi công ty hiện tại, hãy dự tính đến vấn đề chi tiêu trong quá trình tìm kiếm công việc mới. Nếu bạn chưa thể tìm kiếm được ngay công việc mới phù hợp thì quãng thời gian bạn nghỉ việc cũng đồng nghĩa là bạn sẽ không có lương và có thể lâm vào khó khăn về tài chính.
Điều này có nghĩa là, khi xem xét thay đổi công việc, bạn cần lên kế hoạch trước về mặt tài chính. Hãy tìm cách để giảm chi phí, tiết kiệm thêm tiền trước khi nhảy việc hoặc xem xét nhận công việc thứ hai. Lập kế hoạch và cả kế hoạch dự phòng cho mọi tình huống trước khi quyết định nhảy việc, điều này sẽ làm cho sự thay đổi công việc ít căng thẳng và xáo trộn cuộc sống của bạn hơn nhiều.
“Nhảy việc” một cách ngẫu hứng
Làm bất kì công việc nào cũng đều có những áp lực riêng. Một trong những lí do nghỉ việc nhiều nhất là stress trong công việc hiện tại. Sai lầm của nhiều người là để những áp lực, chán nản trong công việc tích tụ quá lâu đến một ngày “bùng nổ” và ra đi vội vàng, ngẫu hứng. Bạn chỉ muốn nghỉ việc càng nhanh càng tốt khi đã quá chán ghét với công việc hiện tại và bỏ mặc mọi việc theo cảm xúc.
Nhưng hãy cân nhắc để khỏi lâm vào tình trạng sai lầm nối tiếp sai lầm. Đôi khi bạn không cần lên các trang tìm việc làm 24h để tìm việc mới mà chỉ cần điều chỉnh những vấn đề đang gặp phải. Trước khi quyết định có nên nghỉ việc hay không, hãy lấy giấy bút và gạch đầu dòng những gì tích cực và hạn chế về công việc hiện tại của bạn. Hãy suy nghĩ xem những điều bạn không hài lòng và liệu có thể thay đổi được hay không. Cách so sánh này sẽ giúp bạn rõ ràng hơn về tình cảnh hiện tại, thậm chí còn có thể giúp bạn tìm ra hướng đi mới chứ không phải là chạy trốn. Hãy bình tĩnh, suy nghĩ thấu đáo mọi việc để tránh bị cảm xúc nhất thời “dắt mũi” một cách ngẫu hứng dẫn đến ân hận về sau bạn nhé.
Quá ảo tưởng về “nhảy việc”
Rất nhiều người tự “vẽ ra những cái bánh rất to”, ảo tưởng, đặt quá nhiều hy vọng vào một công việc lý tưởng hơn khi nhảy việc. Nhưng thực tế không phải vậy!
Quá trình tìm kiếm một công việc mới của bạn có thể sẽ là một quá trình dài và đầy thách thức. Thực tế là để tìm một công việc thực sự ưng ý để bạn gắn bó bền lâu có thể sẽ mất một năm hoặc hơn. Nhưng rất nhiều người bỏ cuộc chỉ sau một hoặc hai tháng tìm việc và chấp nhận làm tạm ở đâu đó để giải quyết vấn đề tài chính.
Thậm chí nếu bạn đã tìm được công việc mới, nhưng sau khi “nhảy việc” vào làm thì thực tế cũng không như bạn mơ. Khi đó khả năng bạn sẽ phải bắt đầu ở vạch xuất phát, bất kể bạn đã thành công như thế nào trong sự nghiệp trước đó. Sự sụt giảm này có thể khó chấp nhận. Bạn sẽ có rất nhiều điều để học và phải chuẩn bị cho công việc khó khăn đi cùng với điều đó. Vì vậy, hãy luôn luôn thực tế và bớt ảo tưởng bạn nhé.
“Nhảy việc” vì mong muốn của người khác
Công việc bạn đang làm có phù hợp với bạn hay không? Bạn có nên gắn bó lâu dài hay không? Câu trả lời nhất định phải là do bạn đưa ra quyết định. Bạn không bao giờ nên “nhảy việc” chỉ bởi vì mong muốn của người khác, nếu họ nghĩ rằng việc nào đó, hay công ty nào đó tốt hơn cho bạn. Bởi dù là cha, mẹ, vợ, chồng, bạn bè thân thiết của bạn có hiểu bạn nhiều bao nhiêu, cũng không phải là người trực tiếp làm công việc đó thay bạn. Mọi ý kiến chỉ có giá trị tham khảo, nên hãy chọn công việc phù hợp với kỹ năng, tính cách và kinh nghiệm của bạn mà không phải của người khác bạn nhé.
“Nhảy việc” khi chưa thực sự biết rõ mình muốn gì
Thật khó để tạo ra một sự ổn định về nghề nghiệp nếu như bạn không thực sự biết rõ mình có thích công việc đó hay không. Sau vài lần nhảy việc và thử qua các vị trí khác nhau, bạn bắt đầu nghi ngờ về định hướng nghề nghiệp của mình. Điều quan trọng là hãy tự hỏi liệu bạn ghét công việc hay nghề nghiệp của bạn. Mọi người thường gộp cả hai và thay đổi nghề nghiệp khi tất cả những gì họ thực sự cần làm là một công việc khác.
Nếu bạn không chắc chắn, hãy tự hỏi liệu có công việc nào khác trong lĩnh vực của mình mà bạn thích hay không. Một khi đã xác định được việc mà bạn có thể làm thật tốt thì việc tìm đúng công việc phù hợp với bản thân sẽ dễ dàng hơn. Nhiều người thực hiện thay đổi nghề nghiệp thành công và tìm thấy hạnh phúc trong vai trò mới. Hãy tìm hiểu kỹ bản thân trước khi quyết định bạn nhé. Chúc bạn thành công!