Với chủ đề “Trải nghiệm món ngon điểm tâm”, lễ hội mang đến nhiều món ẩm thực Việt (trà, cà phê, dừa, nước mát, rau má…), thực phẩm Hoa (dimsum, mì vịt tiềm, sủi cảo...). Bên cạnh đó là những hoạt động trải nghiệm dành cho du khách và người dân như: các workshop chế biến Dimsum, làm tranh thủy tinh, tham quan không gian triển lãm văn hóa Chợ Lớn…
“Chợ Lớn Food Story” gửi gắm câu chuyện về văn hóa thưởng lãm “ẩm” và “thực” cùng phong tục, tập quán của cộng đồng người Hoa tại Chợ Lớn. Đồng thời, lễ hội tạo điều kiện giao lưu về văn hóa giữa các tỉnh thành trong nước và bạn bè quốc tế.
Nhiều bạn trẻ thích thú trải nghiệm điệu múa nón lá mang đậm tinh thần Việt Nam. |
Đây là sự kiện mở đầu cho quá trình quảng bá, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Hoa - Việt, đặc biệt là văn hóa ẩm thực theo hướng kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Lễ hội cũng là cơ hội để quảng bá, phát triển du lịch, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của quận 5 nói riêng và TP. HCM nói chung.
Biết đến Lễ hội “Chợ Lớn Food Story” qua các kênh mạng xã hội, Hồ Khánh Hưng (20 tuổi, Q. Bình Thạnh) đã chọn lễ hội làm điểm đến vào cuối tuần cùng bạn bè: “Mình cảm thấy đây là hoạt động trải nghiệm rất độc đáo đối với giới trẻ. Các món ăn mình đã thưởng thức khá đa dạng về hương vị và màu sắc. Mình thích nhất món bánh mì xíu mại tại gian hàng Bánh mì Tăng”, Khánh Hưng cho biết.
Nhiều du khách chờ thưởng thức những món ăn đặc sắc tại gian hàng Cửu Long Quán. |
Là một trong những “tín đồ” của món Hoa, Nguyễn Việt Trung (20 tuổi, Q. Bình Thạnh) bày tỏ sự hào hứng. Việt Trung chia sẻ: “Mình chỉ mới thưởng thức ẩm thực người Hoa ở một vài quán ăn chứ chưa từng được trải nghiệm theo hình thức lễ hội. Theo cảm nhận của mình, các món ăn tại lễ hội được trang trí rất bắt mắt, mình khá ấn tượng với món bánh cuốn Tứ Xuyên”.
Ngoài tìm hiểu về hương vị, câu chuyện sau những món ăn của hai nền ẩm thực, nhiều bạn trẻ còn tham gia giao lưu văn hóa thông qua workshop học múa truyền thống Việt - Hoa, làm tò he, không gian đa chiều về tranh dân gian kính…
Trải nghiệm không gian đa chiều về tranh dân gian kính là một trong những hoạt động thu hút sự quan tâm của giới trẻ. |
Lần đầu tham gia lễ hội ẩm thực về giao lưu văn hóa Việt - Hoa, bạn Nguyễn Thanh Hương (18 tuổi, Q. 12) thích thú với gian hàng nặn tò he. Trước khi đến lễ hội, Thanh Hương đã từng tìm hiểu về loại hình nghệ thuật dân gian quen thuộc này và biết tò he được làm từ các nguyên liệu tự nhiên, có thể ăn được.
“Tò mò về quá trình làm ra món đồ chơi này nên mình đã đặt một chiếc tò he nặn hình người theo yêu cầu. Mình thấy loại hình này rất thú vị vì nghệ nhân làm từng chi tiết rất tỉ mỉ và công phu, mong là nghề tò he mang đậm bản sắc Việt sẽ được gìn giữ mãi cho các thế hệ sau”, Nguyễn Thanh Hương chia sẻ.
Dòng người xếp hàng chờ trải nghiệm món bánh mì xíu mại tại gian hàng Bánh mì Tăng. |
Đến với “Chợ Lớn Food Story”, du khách được trải nghiệm đa dạng hoạt động văn hóa với mức giá phù hợp tại các gian hàng. Nhiều bạn trẻ mong muốn các hoạt động này sẽ được truyền bá rộng rãi và thường xuyên hơn. Đồng thời, du khách kỳ vọng những đợt lễ hội sau sẽ có đa dạng gian hàng hơn về văn hóa nghệ thuật và ẩm thực truyền thống Việt - Hoa.
Ngoài việc trải nghiệm những món ăn mang đậm dấu ấn người Hoa, Nguyễn Như Nhật Hạ (20 tuổi, Q. 3) còn tham gia tọa đàm “Người trẻ và câu chuyện bảo tồn văn hóa Chợ Lớn”.
Giới trẻ hòa mình vào gian hàng nghệ thuật dân gian tò he đầy màu sắc. |
“Mỗi thương hiệu chỉ có một gian hàng nhỏ thôi nhưng các món ăn vẫn chất lượng, hương vị không khác nhiều so với khi mình thưởng thức tại nhà hàng. Riêng tại tọa đàm, mình được truyền cảm hứng bảo tồn văn hóa thông qua những câu chuyện tiếp nối, gìn giữ nét văn hóa Hoa Chợ Lớn trong nhịp sống thời hiện đại”, Nhật Hạ nói.
Lễ hội “Chợ Lớn Food Story” lần thứ nhất được tổ chức đến ngày 3/12 tại Trung tâm Văn hóa Q. 5 dưới sự chỉ đạo của UBND Q. 5; Phòng Kinh tế Q. 5 và Trung tâm Văn hóa Q. 5 phối hợp tổ chức.