BHYT là chính sách nhằm chia sẻ gánh nặng tài chính cho những người không may ốm đau, bệnh tật. |
Số tiền đóng giảm dần
Từ ngày 1/1/2015, Luật BHYT (sửa đổi) đã thay BHYT tự nguyện bằng BHYT theo nhóm hộ gia đình, nhằm tăng tính chia sẻ, khi gia đình có nhiều người tham gia mức đóng càng giảm. Cụ thể, người tham gia BHYT hộ gia đình gồm: Toàn bộ người có tên trong hộ khẩu, tạm trú, hoặc cùng đăng ký thường trú, tạm trú cùng một chỗ ở hợp pháp (trừ người đã tham gia BHYT theo các đối tượng khác); Chức sắc, chức việc, nhà tu hành; Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội (trừ người đã tham gia BHYT theo nhóm khác).
Đặc biệt, với hình thức tham gia BHYT theo hộ gia đình, mức đóng sẽ giảm dần theo số người tham gia. Người thứ nhất trong gia đình tham gia BHYT sẽ đóng bằng mức chung, tức bằng 4,5% mức lương cơ sở, tương ứng hơn 67 nghìn đồng/tháng theo mức lương cơ sở hiện hành (tổng 804 nghìn đồng/năm). Người thứ 2 tham gia BHYT, mức đóng chỉ còn bằng 70% của người thứ nhất (giảm 30%), người thứ 3 đóng bằng 60% của người thứ nhất (giảm 40%), người thứ 4 đóng bằng 50% người thứ nhất (giảm 50%), từ người thứ 4 trở đi chỉ đóng bằng 40% người thứ nhất (giảm 60%, tức chỉ còn hơn 26 nghìn đồng/tháng).
Người tham gia BHYT hộ gia đình được chọn đóng định kỳ một lần cho 3 tháng, 6 tháng hoặc cả năm. Việc đăng ký tham gia BHYT mới, gia hạn, nộp tiền, đại diện hộ gia đình có thể đóng tại cơ quan BHXH gần nhất (cấp huyện, tỉnh), hoặc các đại lý dịch vụ thu BHXH, BHYT (như xã/phường, bưu điện).
Không giới hạn số tiền thanh toán
Về quyền lợi KCB với người tham gia BHYT hộ gia đình, quy định hiện hành không giới hạn về phạm vi, số tiền chi trả, nên có người được quỹ BHYT thanh toán hàng tỷ đồng mỗi năm chi phí điều trị bệnh.
Trường hợp KCB BHYT đúng tuyến, người tham gia được quỹ BHYT chi trả toàn bộ chi phí tại các cơ sở y tế tuyến xã/phường; chi phí KCB thấp hơn 15% mức lương cơ sở tại thời điểm sử dụng (từ 223 nghìn đồng trở xuống); tham gia đủ 5 năm liên tục có số tiền cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trên 8,94 triệu đồng/năm, trừ trường hợp tự đi KCB không đúng tuyến). Các trường hợp còn lại được quỹ BHYT thanh toán 80% tổng chi phí KCB.
Với trường hợp KCB BHYT không đúng tuyến, được thanh toán 100% chi phí nếu KCB nội và ngoại trú ở bệnh viện tuyến huyện, điều trị nội trú ở bệnh viện tuyến tỉnh. Trường hợp vượt tuyến lên bệnh viện tuyến trung ương được thanh toán 40% chi phí KCB.
Về giá trị sử dụng thẻ BHYT, với trường hợp tham gia lần đầu, hoặc không liên tục từ 3 tháng trở lên trong năm thì thẻ BHYT có giá trị sử dụng sau 30 ngày kể từ ngày nộp tiền.
BHXH Việt Nam khuyến cáo, trước khi thẻ BHYT hết hạn sử dụng, người tham gia cần nộp tiền gia hạn thẻ để có giá trị sử dụng liên tục, không bị gián đoạn và không ảnh hưởng đến quyền lợi được hưởng khi tham gia BHYT 5 năm liên tục. “Tham gia BHYT là hình thức đóng góp khi lành, để dành khi ốm. Vì vậy, mọi người dân nên tích cực tham gia để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, cũng là cách chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng và xã hội”, đại diện BHXH Việt Nam nói.
Tới hết tháng 6/2022, cả nước có trên 64,2 triệu lượt người KCB BHYT nội trú và ngoại trú, với số chi phí KCB trên 46.294 tỷ đồng. Thời gian qua, quỹ BHYT là nguồn tài chính đóng góp đáng kể cho công tác KCB, chăm sóc sức khỏe nhân dân và đảm bảo an sinh xã hội, chia sẻ kinh tế với nhiều gia đình không may có người ốm đau, bệnh tật không rơi vào cảnh nghèo đói.