Hành trình trưởng thành của chàng trai trẻ tài năng
Diệp Phan Anh Tài từng là học sinh của lớp Tăng cường tiếng Anh tại trường THCS & THPT Nguyễn Khuyến, vốn được biết đến là một trong những trường tư thục nổi tiếng về kỷ luật nghiêm khắc như quân đội và thành tích “khủng” trong kỳ thi THPTQG. Có lẽ chính vì thế mà chàng trai này sở hữu bảng thành tích đáng nể: 12 năm đạt học sinh Giỏi, IELTS 7.5, giải ba Tuần cuộc thi “Đường Lên Đỉnh Olympia” năm thứ 18, giải Bạc Quốc gia Kỳ thi Tiếng Anh trên Internet (IOE), giải Khuyến Khích cấp Quận cuộc thi “Vận dụng Kiến thức liên môn để giải quyết các tình huống thực tiễn”, top 40 cuộc thi “Thực Hiện Ước Mơ” lần thứ 6. Chưa dừng lại ở đó, Anh Tài còn trúng tuyển nhiều trường đại học hàng đầu như ĐH Ngoại Thương, ĐH Kinh Tế Quốc Dân, ĐH Bách Khoa TPHCM và ĐH Kinh Tế TPHCM. Và sau tất cả, cậu bạn này đã lựa chọn con đường du học với một học bổng ngành Công Nghệ Thông Tin tại trường ĐH Công Nghệ Sydney, thuộc bang New South Wales, Úc.
Du học Úc là một trải nghiệm khó quên!
Anh Tài chia sẻ: “Khoảng thời gian ở Úc đã khiến mình tự lập hơn rất nhiều. Mình sử dụng thành thạo Google Map, mình không còn lười đi bộ và cũng đã học được cách đi xe buýt. Điều đặc biệt là mình có được những người bạn mới tuy không cùng chủng tộc nhưng lại đồng điệu về tâm hồn”. Chàng trai không chỉ hoàn thành tốt việc học ở trường của mình với GPA 6.8/7.0 mà còn tích cực tham gia nhiều hoạt động, điển hình như là làm việc trong Hội Du Học Sinh Việt Nam tại Úc và làm biên tập của các chương trình dành cho du học sinh.
Thế nhưng, trong một năm đầy biến động của thế giới dưới sự tác động của đại dịch Covid-19, cuộc sống của chàng du học sinh cũng bất ngờ có sự thay đổi lớn. Anh Tài tâm sự: “Tháng 3 năm 2020 mình đã bay về Việt Nam theo nguyện vọng của gia đình. Trên chuyến bay ấy, mình tình cờ gặp được hai vợ chồng cô chú bay sang Úc để thăm con và bây giờ thì vội bay về Việt Nam để tránh dịch. Được biết người con ấy đang học Thạc Sĩ, mình đã có những phút giây suy nghĩ về tương lai của mình: nếu tiếp tục học tại Úc, có thể mình sẽ có nhiều cơ hội và lương cao, nhưng mình sẽ không được theo đuổi đam mê Marketing của bản thân. Mà ba mẹ mình mỗi lần qua thăm cũng sẽ tốn rất nhiều chi phí và cực kỳ vất vả, mình thương ba mẹ và gia đình mình lắm! Thời điểm đó, mình biết dịch bệnh có thể khiến gia đình, người thân xa nhau rất nhiều nên khi mình trở về, mình đã giành ra 2 tuần cách ly để suy nghĩ về tương lai của bản thân. Và mình đã chọn Marketing, rút hồ sơ khỏi trường ĐH ở Úc. Nhiều bạn bè và thầy cô chỉ nghĩ đơn giản là do dịch nên mình quay về, nhưng thật sự đây là quyết định mà mình đã cân nhắc và suy nghĩ rất kỹ, Covid chỉ là một phần nhưng không phải là nguyên nhân chính”.
Và, chưa bao giờ là quá trễ để học!
Điều khó khăn hơn cả đối với chàng trai này lúc đó là sẽ phải thuyết phục ba mẹ mình để được học RMIT, thuyết phục bản thân rằng không bao giờ là trễ để học, để theo đuổi đam mê. Cuối cùng, Anh Tài đã theo học ngành Digital Marketing (Tiếp Thị Số) tại trường Đại Học RMIT Việt Nam. Trong khi bạn bè đều đã hoàn thành chương trình năm nhất thì chàng trai lại một lần nữa phải bắt đầu từ con số 0 (vì đã đổi ngành nên không thể nào quy đổi hết toàn bộ tín chỉ các môn đã học được).
Thế nhưng thay vì bị đánh bại bởi những suy nghĩ tiêu cực, Anh Tài mỉm cười: “Everything happens for a reason, chuyện gì xảy ra đều có lý do của nó! Có thể mình phải bắt đầu lại, có thể mình phải kêu “Hải! Quay xe!” nhưng biết đâu, đây lại là định mệnh, nó sẽ dẫn dắt mình đến hàng ngàn cơ hội tuyệt vời khác! Khi cánh cửa này đóng lại thì có nghĩa là nó không dành cho bạn, nhưng sẽ có một cánh cửa dành cho bạn được mở ra, quan trọng là ta phải biết lạc quan bước tiếp! Mình đã học sự lạc quan này từ mẹ, bởi mẹ mình luôn nở nụ cười trên môi dù có những vất vả gian khó đến cỡ nào. Với mình, mẹ luôn là niềm động lực lớn nhất, để mình có được những thành công nhỏ trong bước đầu tuổi trẻ”.
Thông qua câu chuyện của chính mình, chàng trai này cũng mong muốn nhắn nhủ đến những ai đang còn chật vật trong cuộc sống hay băn khoăn về ngành học của bản thân rằng: “Thật khó để biết rằng mình có thích, có phù hợp với ngành hay công việc mình đã chọn. Nhưng chính vì đời người chỉ được sống một lần, sao ta không thử để xác định xem chúng ta là ai, chúng ta thích cái gì, chúng ta thực sự giỏi điều gì? Mình đã thử, nhưng mình vẫn đang thử, và sẽ còn thử thêm nhiều lĩnh vực khác nhau để có thể hiểu được chính mình! Việc “thử” không giúp mình tìm ra mình là ai, mà chính những trải nghiệm đó sẽ giúp hình thành và hoàn thiện con người của mình!”.
Life is not about finding yourself, life is about creating yourself - George Bernard Shaw