Thức trắng vì 'cày' phim
Tối thứ Bảy, Ngọc Hân (18 tuổi, Hà Nội), ngồi cuộn tròn trong chăn, dán mắt vào màn hình laptop. Đã gần 3 giờ sáng, nhưng cô nàng vẫn quyết tâm “chinh phục” nốt hai tập cuối của bộ phim Hàn Quốc đang "hot".
Hân vẫn "miệt mài" xem phim dù đồng hồ đã điểm 3 giờ sáng. (Ảnh: NVCC) |
“Phim hay quá, dừng lại giữa chừng thì tiếc, mà cứ xem mãi cũng không biết dừng ở đâu,” Hân chia sẻ, đôi mắt mỏi mệt nhưng vẫn sáng lên khi nhắc về nội dung phim.
Nguyễn Thảo Vy (24 tuổi), hiện đang là nhân viên văn phòng tại quận Phú Nhuận, TP.HCM, bước vào công ty với đôi mắt thâm quầng và cơ thể mệt mỏi. Nguyên nhân không gì khác ngoài việc cô nàng đã thức gần trắng đêm để "cày" hết 20 tập của một bộ phim truyền hình Hàn Quốc nổi tiếng.
“Ban đầu mình chỉ định xem vài tập để giải trí, nhưng cốt truyện quá hấp dẫn khiến mình không dừng lại được. Đến lúc phim kết thúc thì đã 5 giờ sáng, chỉ kịp chợp mắt trước khi đi làm,” Vy chia sẻ.
Đây không phải lần đầu tiên Vy rơi vào tình trạng này. Từ khi còn là sinh viên, cô gái trẻ đã làm quen với việc thức khuya xem phim để giải tỏa căng thẳng. Nhưng kể từ khi chuyển sang làm việc toàn thời gian, tần suất "cày" phim của Vy thậm chí còn nhiều hơn.
“Xem một tập thì thấy chưa đã, còn đang hồi hộp. Xem hết phim thì cũng đến giờ phải làm việc", cô nàng nói với vẻ áy náy.
Tương tự, Nguyễn Hoàng Nam, 22 tuổi, sinh viên năm cuối tại Hà Nội, cũng thường xuyên thức khuya xem phim. Nam cho biết mình hình thành thói quen này từ thời học trực tuyến trong dịch COVID-19 và không thể bỏ được.
“Nếu không xem phim, mình cũng không ngủ được. Thay vì nằm trằn trọc mấy tiếng trên giường, mình bật máy tính lên và 'cuốn' theo từng tình tiết của phim,” Nam chia sẻ.
Lan Phương (22 tuổi), sinh viên ngành Marketing, cho rằng việc “cày” phim khuya đôi khi xuất phát từ nguyên nhân là áp lực học tập. “Ban ngày mình kín lịch học và làm thêm, chỉ đến tối muộn mới có thời gian cho bản thân. Xem phim trở thành cách duy nhất để thư giãn,” cô gái trẻ giải thích.
Tuy nhiên, việc lạm dụng thời gian nghỉ ngơi để xem phim cũng khiến Phương gặp không ít rắc rối. “Có hôm mình quên cả bài tập, sáng ra phải vội vàng làm cho kịp nộp. Thức khuya nhiều nên da dẻ cũng xấu đi,” cô nàng thừa nhận.
Hiện tượng "cày" phim xuyên đêm không chỉ là thói quen của riêng một số cá nhân mà đã trở thành xu hướng phổ biến, đặc biệt trong giới trẻ. Theo khảo sát của Adsota, người Việt dành trung bình gần 7 giờ mỗi ngày trên mạng. Khi kết nối Internet, 97,6% cho biết họ xem video, 61,2% người xem vlog. Trong một khảo sát khác, có 71% người dùng Internet cho biết có xem video trực tuyến hàng ngày. Bên cạnh đó, những nền tảng xem phim trực tuyến ngày càng phát triển mạnh mẽ như nấm mọc sau mưa. Với chi phí hợp lý và kho tàng phim đa dạng từ nhiều quốc gia, thể loại, các nền tảng như Netflix, iQIYI, và VieON dễ dàng thu hút khán giả trẻ.
71% người Việt dùng Internet cho biết có xem video trực tuyến hàng ngày. (Ảnh minh họa bởi AI) |
“Trước đây mình chỉ xem trên TV hoặc các trang miễn phí, nhưng giờ có tài khoản premium, phim HD, không quảng cáo nên trải nghiệm thú vị hơn rất nhiều,” Lan Phương chia sẻ.
Bên cạnh đó, sự phát triển của công nghệ và các thiết bị thông minh cũng góp phần không nhỏ. Những chiếc smartphone màn hình lớn, tai nghe không dây hay máy tính bảng tiện lợi khiến việc xem phim mọi lúc, mọi nơi trở nên dễ dàng.
Thống kê của Statista cũng cho thấy Việt Nam đứng thứ hai ở Đông Nam Á về doanh thu từ dịch vụ video theo yêu cầu (VoD), đạt 187,4 triệu USD vào năm 2022. Cùng với đó, doanh số bán các thiết bị công nghệ cao cấp như điện thoại thông minh hay máy tính bảng tiếp tục tăng, giúp người dùng dễ dàng tiếp cận nội dung giải trí mọi lúc, mọi nơi.
Hệ lụy sức khỏe và cuộc sống
Tuy nhiên, đằng sau những giờ phút thưởng thức phim ảnh là cái giá không nhỏ về sức khỏe và chất lượng sống. Bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, hiện đang công tác tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết thiếu ngủ do xem phim có thể gây ra nhiều vấn đề nghiêm trọng như giảm khả năng tập trung, mệt mỏi kéo dài, béo phì, và thậm chí là rối loạn tâm lý.
“Mắt phải làm việc quá sức trong thời gian dài, cộng thêm ánh sáng xanh từ thiết bị điện tử, sẽ khiến não bộ bị kích thích, khó thư giãn để ngủ sâu. Về lâu dài, điều này có thể dẫn đến rối loạn nhịp sinh học,” bác sĩ cảnh báo.
Để tránh các hậu quả trên, bác sĩ khuyến nghị duy trì thói quen ngủ đúng giờ, từ khoảng 22h đến 23h, với thời lượng ngủ đủ 7-8 tiếng mỗi đêm. Giấc ngủ khoa học không chỉ giúp cải thiện tâm trạng, bảo vệ sức khỏe tim mạch mà còn tăng cường khả năng ghi nhớ và làm chậm quá trình lão hóa. Bên cạnh đó, một chế độ ăn uống lành mạnh và tập luyện thể thao đều đặn cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe.