Giới trẻ hào hứng truy cập ChatGPT
Trả lời câu hỏi một cách tự nhiên, lưu loát, tạo cho người dùng cảm giác như đang trò chuyện với người thật, ChatGPT nhanh chóng thu hút cộng đồng mạng truy cập, đăng ký sử dụng. Tuy nhiên công cụ này hiện chưa hỗ trợ đăng ký ở Việt Nam, để đăng ký tài khoản, người dùng cần phải sử dụng các phần mềm đổi VPN và đăng ký số điện thoại quốc tế ở những khu vực cho phép.
Giao diện của ChatGPT đơn giản, tự động trả lời theo ngôn ngữ quốc gia của người dùng |
Điều này không ảnh hưởng đến độ “hot” của ChatGPT khi nó nhanh chóng tạo thành xu hướng trên mạng xã hội, thậm chí nhiều người đã nhanh chóng tạo các tài khoản và rao bán trên các diễn đàn và có không ít người đã chi tiền để giải toả sự tò mò về công cụ này. Một người bán tài khoản ChatGPT tiết lộ rằng, hai ngày qua anh bán được hơn 50 tài khoản, lượng truy cập tăng làm cho web thường xuyên quá tải, nhất và vào buổi tối.
Có phải ChatGPT cái gì cũng biết?
Trên các trang mạng xã hội, nhiều bạn trẻ chia sẻ cho nhau những câu trả lời thú vị, nhờ ChatGPT làm toán, làm thơ… thậm chí cố tình “gài bẫy để bắt lỗi” công cụ sử dụng trí thông minh nhân tạo này. Anh Trần Tuấn (32 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Mình đặt ra yêu cầu cho ChatGPT là viết một bài SEO quảng bá cho lĩnh vực kinh doanh của tôi và thấy rất ấn tượng, chỉ cần chỉnh sửa một ít là mình có một bài viết mà tiết kiệm thời gian và công sức rất nhiều”.
ChatGPT bị người dùng Việt Nam phát hiện nhiều lỗi sai. |
Có nhiều trải nghiệm tốt với chatbot AI này nhưng cũng không ít tình huống ChatGPT sai kiến thức cơ bản khi cho rằng tác phẩm Tắt đèn của nhà văn Ngô Tất Tố là của Nguyễn Hữu Trí, tự ý khẳng định những vấn đề về văn hoá, chính trị, lịch sử…khiến người dùng hoang mang. Điều này là do cách vận hành của công cụ dựa trên dữ liệu văn bản sẵn có, AI chọn ra các từ có khả năng cao đi liền nhau để ghép thành câu và đoạn, tạo thành câu trả lời chứ không phải thực sự hiểu biết như bao người lầm tưởng. Trước khi người dùng bắt đầu trò chuyện với “siêu AI” ChatGPT, OpenAI – Công ty chủ quản của công cụ này cũng đã đưa ra cảnh báo về việc “có thể tạo ra thông tin không chính xác” và “có thể đưa ra các hướng dẫn có hại hoặc nội dung sai”.
Theo nhiều chuyên gia, tất cả những thông tin con người giao tiếp với nó đều được ghi nhận và giúp AI này thông minh hơn, nhưng đây cũng là lỗ hổng của ChatGPT. “Chúng ta không thể chắc chắn là công cụ này không đưa ra những thông tin sai lệch hay những lời khuyên có hại, điều sợ nhất là một ngày nào đó nó đưa ra những thông tin mà không ai kiểm chứng được nguồn gốc, dẫn chứng các kiến thức không có thật” – Ông Aljoscha Burchardt – Chuyên gia nghiên cứu AI chia sẻ.
Dù vẫn còn nhiều hạn chế nhưng sự thích ứng nhanh với ngữ cảnh, giải quyết nhiều vấn đề một cách nhanh chóng đã giúp ChatGPT cán mốc 10 triệu người sử dụng sau 40 ngày. Những gì công cụ này làm được ngoài khẳng định sự phát triển của khoa học máy tính nhưng kéo theo đó cũng là nỗi lo “mất việc” của nhiều người.
Phản ứng trước trí thông minh nhân tạo ChatGPT
Trước những thông tin về sự thay đổi của thị trường lao động khi những công cụ AI ngày càng phát triển, nhiều bạn trẻ cảm thấy lo lắng khi cơ hội ít đi và còn phải cạnh tranh với “robot”.
Hương Mai hiện đang là sinh viên trường Đại học KHXH&NV chia sẻ: “Những ngày qua mình thường lên mạng đọc các bài báo về ChatGPT và nhận thấy tác động không nhỏ của những công cụ thế này đến nguồn lao động đặc biệt là về content, marketing hay quảng cáo. Tuy với ngôn ngữ Việt, ChatGPT có thể chưa mượt mà nhưng nếu ngày càng phát triển thì những bài viết SEO, báo cáo hay thậm chí thống kê đơn giản sẽ được AI xử lý nhanh gọn, khi đó chúng mình có thể phải tiếp cận với các kỹ năng mới hoặc là công việc khác.”
Hiện nay, nhiều người dùng trên thế giới đã sử dụng ChatGPT để hỗ trợ lập trình, viết báo cáo, sáng tạo nội dung và thậm chí nhiều trường hợp bị phát hiện sử dụng công cụ này để viết khoá luận. Từ đó dấy lên lo ngại về việc các công cụ ứng dụng trí thông minh nhân tạo “lấy đi công việc” của những người khác. Cụ thể như mới đây vụ việc một nhà báo người Anh đã dùng “ChatGPT viết bài báo trị giá 600USD trong 30 giây” làm dư luận càng nghi ngờ về khả năng những công việc liên quan đến viết lách sẽ dần bị thay thế.
Trao đổi với chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, báo Tiền Phong về vấn đề này, Ths. Đinh Ngọc Sơn, Phó trưởng khoa Phát thanh truyền hình – Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ: “Cùng với sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học – công nghệ hiện đại, sự xuất hiện của các công cụ thông minh ứng dụng trí tuệ nhân tạo đã giúp chúng ta giải quyết rất nhiều những vấn đề ở những mức độ tư duy khác nhau. So sánh với các cuộc cách mạng công nghiệp trước kia, con người cũng rất sợ máy móc thay thế mình trong các nhà máy nhưng rồi con người cũng đã làm chủ và tạo ra các giá trị mới, những công việc mới. ChatGPT hay những công cụ tương tự là xu hướng tất yếu. Điều quan trọng là chúng ta học cách làm chủ và vận dụng nó một cách đúng đắn.”
Ths. Đinh Ngọc Sơn thường nhận được nhiều câu hỏi của sinh viên về AI tác động đến việc làm. |
“Các chương trình ứng dụng trí thông minh nhân tạo (AI) cũng sẽ có những hạn chế bởi cơ chế hiện nay của chúng đa phần vẫn là sự tổng hợp thông tin và thích ứng. Những yếu tố về cảm xúc, tình cảm, những sự đánh giá chủ quan…là những thứ mà AI còn rất lâu nữa và cũng khó có thể thay thế được con người”.
“Cơn bão” ChatGPT đổ bộ vào thị trường khởi động một cuộc đua về các công cụ ứng dụng trí thông minh nhân tạo, kéo theo đó là một cuộc đua khác, nơi mà những người trẻ phải chủ động hơn, sáng tạo hơn để nắm bát, áp dụng và làm chủ những công nghệ này.