Ngày 29/11, Viện Chính sách và Quản lý (IPAM), trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) phối hợp với Quỹ Rosa Luxemburg, khu vực Đông Nam Á đã tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Khung chỉ báo cho cộng đồng bền vững hướng tới chuyển đổi sinh thái - xã hội: Nghiên cứu trường hợp tại Việt Nam".
Dự Toạ đàm, có TS Joachim Spangenberg, Chủ tịch danh dự Viện nghiên cứu châu Âu bền vững (SERI) Đức, Trung tâm Nghiên cứu Juelich, Đức, Thành viên Ủy ban Khoa học của Cơ quan môi trường châu Âu (EEA), Thành viên Hội đồng Kinh tế Sinh học Đức; PGS. TS Đào Thanh Trường; Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Viện trưởng Viện Chính sách và Quản lý (ĐHQG Hà Nội); GS. TSKH, Trương Quang Học, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào Tạo, Viện Tài nguyên và Môi trường, VNU; PGS. TS Nguyễn An Thịnh - Trưởng khoa Kinh tế Phát triển, trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội); PGS. TS Bùi Ngọc Quý, ông Nghiêm Tuấn Anh, Quản lý dự án của Quỹ Rosa Luxemburg, khu vực Đông Nam Á.
Toàn cảnh toạ đàm quốc tế. |
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, PGS. TS Đào Thanh Trường cho biết, chuyển đổi sinh thái - xã hội là một vấn đề đang được nhiều quốc gia quan tâm trong tiến trình thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Những tác động trái chiều từ tăng trưởng và phát triển kinh tế không gắn với bảo vệ môi trường sinh thái - xã hội đã tạo ra những hệ lụy gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai phát triển của cộng đồng.
Vì thế, sự hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo vệ môi trường hay bảo vệ môi trường để phát triển kinh tế bền vững là cơ sở đầu tiên để bảo đảm sự phát triển bền vững nói chung, phát triển kinh tế nói riêng. Trong đó, con người không chỉ là đối tượng thụ hưởng mà còn là chủ thể điều chỉnh tính cân bằng của tất cả những yếu tố trên. Sự chung tay của mỗi thành viên trong xã hội, sự thay đổi nhận thức của từng cá nhân đến cộng đồng chính là yếu tố quan trọng nhất để các mục tiêu phát triển bền vững đi vào cuộc sống”, PGS. TS Đào Thanh Trường nhấn mạnh.
PGS. TS Đào Thanh Trường - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn phát biểu tại toạ đàm. |
Theo PGS. TS Đào Thanh Trường, trong những năm qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực đáng ghi nhận trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Gần đây nhất, tại Hội nghị Thượng đỉnh khí hậu COP26 diễn ra ở Glasgow (Scotland), Việt Nam cùng với nhiều nước trên thế giới đã cùng cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050. Cùng với đó là những hành động thiết thực như việc ban hành Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, Chiến lược quốc gia và Kế hoạch hành động về Tăng trưởng xanh, Chiến lược quốc gia về Biến đổi khí hậu giai đoạn đến năm 2050…
Vấn đề phát triển cộng đồng bền vững liệu đã được đảm bảo khi Việt Nam vẫn được coi là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, tình trạng tài nguyên thiên nhiên bị khai thác cạn kiệt, đa dạng sinh học bị suy giảm, ô nhiễm môi trường vẫn còn tồn tại và ảnh hưởng nghiêm trọng.
Nắm bắt được sự cần thiết của vấn đề này, từ năm 2018 đến nay, Viện Chính sách và Quản lý, Quỹ Rosa Luxemburg khu vực Đông Nam Á đã triển khai hàng loạt các dự án trong hợp phần chuyển đổi sinh thái - xã hội, bao gồm các hoạt động như tổ chức hội thảo quốc tế, xuất bản sách, tài liệu nghiên cứu và tổ chức trại Hè khoa học SETY cho các học viên trẻ đam mê khoa học môi trường và phát triển bền vững. Trong giai đoạn 2022 - 2025, IPAM tiếp tục phát huy các kết quả dự án hiện có và tiếp thực triển khai các nghiên cứu mang tính ứng dụng vào các hoạt động phát triển cộng đồng, hoạch định chính sách tại địa phương.
TS Joachim Spangenberg, Chủ tịch danh dự của Viện nghiên cứu châu Âu bền vững (SERI) Đức phát biểu tại Tọa đàm. |
Toạ đàm khoa học quốc tế đã thu hút nhiều diễn giả nổi tiếng như PGS. TS Nguyễn An Thịnh, một trong 10 cá nhân được nhận Giải thưởng Môi trường Việt Nam năm 2021; TS Joachim Spangenberg; Chủ tịch danh dự của Viện nghiên cứu châu Âu bền vững (SERI) Đức nghiên cứu liên ngành và đa ngành. Ông nghiên cứu về chiến lược phát triển bền vững, xung đột môi trường, tiêu thụ bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học qua giảm tải áp lực, dịch vụ sinh thái và giá trị của chúng dưới giới hạn của đo lường kinh tế; GS. TSKH Trương Quang Học có vai trò cố vấn trong các dự án nghiên cứu về bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh cho các bộ ngành khác nhau; PGS. TS Nguyễn Thu Hương nghiên cứu các vấn đề an ninh con người như bạo lực giới, thảm họa thiên tai, đa dạng giới và tình dục, và các vấn đề an ninh khác tại Việt Nam và Philippines…