Cô gái mê AI và ý tưởng kết nối ‘3 bên’ sinh viên – gia đình – nhà trường

0:00 / 0:00
0:00
Cô gái mê AI và ý tưởng kết nối ‘3 bên’ sinh viên – gia đình – nhà trường
SVVN - Nhóm sinh viên trường ĐH CNTT và Truyền thông Việt Hàn (VKU), ĐH Đà Nẵng đã phát triển dự án “SUP-Connect – Hệ thống kết nối thông minh cho trường học” để kết nối giữa sinh viên, nhà trường và gia đình.

Trưởng nhóm ý tưởng này là cô gái Phạm Vũ Thu Nguyệt, cùng các bạn cùng trường là Nguyễn Văn An, Nguyễn Quang Chung, Nguyễn Ngọc Nhẫn, Hồ Thanh Phong. Giải pháp của nhóm giành giải Nhất Hội nghị sinh viên nghiên cứu khoa học của trường năm 2021.

Kết nối gia đình, hiệu quả cho nhà trường

Câu hỏi mà nhóm đặt ra và trả lời trong sáng tạo này là: “Làm sao để tăng cường kết nối giữa nhà trường, sinh viên và phụ huynh?”. Theo nhóm, vấn đề của nhiều sinh viên khi sống xa gia đình là việc kết nối với người thân và nhà trường.

Cô gái mê AI và ý tưởng kết nối ‘3 bên’ sinh viên – gia đình – nhà trường ảnh 1

Ứng dụng SUP-Connect cho phép sinh viên đặt ra mục tiêu điểm số và AI phân tích, đưa ra lời khuyên để hoàn thành.

Theo trưởng nhóm Thu Nguyệt, ở xa gia đình, sinh viên được tự do hơn nên thiếu sự quan tâm sát sao. Việc liên lạc và kết nối giữa gia đình và nhà trường lại khá lỏng lẻo, dẫn đến việc đã không ít bạn sao nhãng việc học, thậm chí có trường hợp bỏ học nhưng gia đình không biết.

Theo nhóm, dù đã có những sản phẩm hệ thống quản lý sinh viên trên thị trường, nhưng hầu hết các dự án đi trước đều dừng lại ở mức độ sử dụng thẻ thông minh, không có nhiều chức năng và tốn khá nhiều chi phí cho việc lắp đặt các thiết bị hỗ trợ đọc thẻ. Với SUP-Connect, việc tích hợp thêm ứng dụng di động sẽ giúp sản phẩm tạo ra sự khác biệt, nhất là so với hệ thống website của các trường đang dùng và tiết kiệm chi phí vận hành hệ thống quản lý.

SUP-Connect xây dựng một hệ thống quản lý thông qua thẻ sinh viên thông minh và ứng dụng di động (thông tin cá nhân, điểm số, điểm danh...), hỗ trợ việc kết nối giữa sinh viên, gia đình và nhà trường trở nên thuận tiện hơn. Mục tiêu xa hơn nữa trong dự án này là chuyển đổi số trong việc thanh toán các tiện ích trong trường.

Cô gái mê AI và ý tưởng kết nối ‘3 bên’ sinh viên – gia đình – nhà trường ảnh 2

Phạm Vũ Thu Nguyệt thuyết trình về dự án nghiên cứu tại cuộc thi nghiên cứu khoa học.

Phương án lưu trữ thông tin cá nhân cơ bản của sinh viên và giảng viên trên SUP-Connect giúp việc kết nối giữa hai bên thuận tiện hơn. Tính năng điểm danh nhanh chóng và dễ dàng thông qua công nghệ QR Code và NFC (near-field communication). SUP-Connect còn tích hợp AI để tự động gửi cảnh báo cho những sinh viên nghỉ học nhiều, tính toán và đánh giá khả năng đạt học bổng và khả năng tốt nghiệp của sinh viên.

Ứng dụng cho phép sinh viên đặt mục tiêu điểm số dự kiến, AI sẽ hỗ trợ tính toán, dự đoán khả năng và đưa ra lời khuyên dựa trên các điểm số đã có. Bên cạnh đó là theo dõi điểm các học phần, gửi yêu cầu phúc khảo trực tiếp cho giảng viên.

SUP-Connect có thể chuyển đổi tiền mặt thành điểm thanh toán các dịch vụ (bãi đỗ xe, thư viện, canteen…) và đóng học phí của sinh viên, giải quyết việc chờ đợi lâu, tụ tập đông người và hạn chế giao tiếp trực tiếp. Bên cạnh đó, gia đình có thể cập nhật thông tin từ nhà trường, theo dõi điểm học tập, các khoản phí phải nộp, và chuyển tiền trực tiếp thành điểm thanh toán vào thẻ sinh viên.

Nữ trưởng nhóm mê AI

Trưởng nhóm Phạm Vũ Thu Nguyệt là gương mặt nữ sinh viên nổi bật của trường. Cô bạn quê Đắc Lắc là sinh viên khoa Khoa học Máy tính và cực kỳ mê Trí tuệ nhân tạo (AI). Nguyệt cho biết, do khả năng tiếng Anh tốt, gia đình định hướng Nguyệt theo các ngành Kinh tế hoặc Ngoại ngữ nhưng cô lại thích ngành Y. Tuy nhiên, khi tìm hiểu sâu, Nguyệt nhận thấy ngành Y ngày càng hiện đại hóa thông qua ứng dụng công nghệ, nhất là AI vào điều trị, nên “quay xe” và theo đuổi AI. Suốt 3 năm đại học, Phạm Vũ Thu Nguyệt luôn đạt điểm số loại Giỏi với kết quả toàn khóa đạt 3,92/4,0.

Cô gái mê AI và ý tưởng kết nối ‘3 bên’ sinh viên – gia đình – nhà trường ảnh 3

Thu Nguyệt đại diện nhóm nhận giải Nhì tại GBA 2020.

Tuy nhiên, Thu Nguyệt được các thầy cô nhớ vì đam mê nghiên cứu khoa học. Ngoài dự án SUP-Connect kể trên, Nguyệt còn giành rất nhiều giải thưởng và có báo cáo đăng trong kỷ yếu Hội thảo Khoa học quốc gia CITA 2021. Năm ngoái, Nguyệt cùng bạn bè lập nhóm nghiên cứu ứng dụng AI để xây dựng sàn thương mại điện tử cho cây tiêu và giành giải Nhì tại GBA Business Challenge 2020, do Hiệp hội Doanh nghiệp Đức tổ chức, với đề tài “Xây dựng sàn thương mại điện tử cho hồ tiêu”. Đây là ý tưởng được đánh giá cao vì ứng dụng AI vào việc quản lý và phân phối, kết nối nông dân với doanh nghiệp thu mua góp phần tăng giá trị sản phẩm và giảm khâu trung gian.

Với khả năng tiếng Anh tốt và kiến thức về công nghệ thông tin, Phạm Vũ Thu Nguyệt còn là thành viên đội tuyển Olympic tin học sinh viên của trường và từng giành giải Nhất cuộc thi lập trình “Best Website Design 2021” và giải Ba Olympic tiếng A của Trường tổ chức; giải Khuyến khích Kỳ thi tiếng Anh sinh viên toàn quốc Star Award 2020, cụm Đà Nẵng. Thu Nguyệt cũng được trao thưởng “Nữ sinh viên tiêu biểu trong lĩnh vực khoa học - công nghệ” năm 2021.

Nguyệt chia sẻ, lĩnh vực AI ngày càng trở nên quan trọng và được ứng dụng trong mọi lĩnh vực. Mục tiêu mà cô hướng đến là trong tương lai sẽ nghiên cứu để ứng dụng AI vào các lĩnh vực nông nghiệp, y tế.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Tình yêu môi trường xóa tan những nỗi sợ, thúc đẩy bạn trở thành ‘chiến binh’

Tình yêu môi trường xóa tan những nỗi sợ, thúc đẩy bạn trở thành ‘chiến binh’

SVVN - Phạm Khắc Tùng hiện đang theo học hệ đào tạo từ xa ngành Quản trị Kinh doanh tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân. Bằng ước mong cống hiến cho môi trường, Khắc Tùng đã tham gia Hà Nội Xanh, nhóm tình nguyện độc lập được thành lập vào tháng 12 năm 2022, bởi anh Nguyễn Tiến Huy cùng các bạn trẻ khác với mục tiêu bảo vệ môi trường tại Hà Nội. Sau thời gian hoạt động và cống hiến với tất cả trách nhiệm và cái tâm chân thành, hiện tại, anh là Trưởng Ban Sự kiện tại Hà Nội Xanh.