Chu Thị Bích Cúc hiện đang là giáo viên Tiếng Anh giảng dạy tại trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở Khấu Ly, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái. Một ngôi trường cách trung tâm thị trấn khoảng 6 km với 100% học sinh đều là người dân tộc H’mong. Do hầu hết nhà các em cách xa trường học, vậy nên tất cả các học sinh ở đây đều ở lại và sinh hoạt trực tiếp tại trường. Hay, ngay cả các em nhỏ lớp một, cũng đã sớm xa gia đình, được các thầy cô nhiệt tình chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ, giống như người cha, người mẹ thứ hai.
Bích Cúc hiểu rõ được sự khó khăn, thiếu thốn của các bạn học sinh nơi đây |
Bích Cúc chia sẻ: “Mình nghĩ rằng, nếu ai cũng lựa chọn việc nhẹ nhàng thì ai lựa chọn khó khăn? Mình sinh ra và lớn lên tại huyện Trạm Tấu, một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái. Vì vậy, bản thân mình hiểu rõ được những khó khăn, thiếu thốn của các em học sinh nơi đây. Mình mong muốn các em sẽ có những cơ hội được tiếp cận, học hỏi và thực hành nói Tiếng Anh nhiều hơn, có cơ hội phát triển về mọi mặt giống như những trẻ em trên Sa Pa, hay như ở nhiều vùng khác”.
Tình yêu nghề luôn thôi thúc, góp phần công sức nhỏ bé vào sự nghiệp “trồng người” |
Bích Cúc bắt đầu giảng dạy Tiếng Anh tại huyện Trạm Tấu đến nay được 4 năm. Từ khi còn là học sinh ngồi trên ghế nhà trường, Bích Cúc đã luôn mong ước được trở thành một người giáo viên để lên vùng cao dạy học cho các em nhỏ. Giúp đỡ các em có thêm nhiều tri thức mới, xây dựng quê hương trở nên tươi đẹp hơn. Trước khi quay về quê hương và trở thành giáo viên, Bích Cúc từng làm hướng dẫn viên du lịch và lễ tân khách sạn tại thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai. Nhưng tình yêu nghề trong cô luôn thôi thúc, cùng mong muốn có thể góp phần công sức nhỏ bé của bản thân vào sự nghiệp “trồng người”, đặc biệt là giảng dạy ngoại ngữ cho các em học sinh ở quê hương. Vì vậy, Bích Cúc đã quyết tâm trở về quê đóng góp, mang theo sứ mệnh dành cho giáo dục, trở thành một cô giáo bình dị ở bản nhỏ vùng cao.
Giảng dạy Tiếng Anh vốn đã khó lại ở một nơi đầy thử thách như vùng cao. Khi mới bắt đầu, do kinh nghiệm giảng dạy còn ít, kĩ năng xử lý các tình huống sư phạm còn hạn chế. Lại không biết nói tiếng dân tộc H’mong, vì vậy Bích Cúc gặp phải rất nhiều khó khăn khi tiếp xúc và giảng dạy, truyền tải cho các em học sinh. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, với lòng yêu nghề và sự quyết tâm. Bích Cúc đã tự khắc phục được, bằng cách siêng năng trau dồi, bồi dưỡng chuyên môn và học hỏi thêm nhiều kinh nghiệm giảng dạy từ các đồng nghiệp đi trước. Cô giáo trẻ 9X, còn tự học thêm tiếng dân tộc H’mong để có thể thuận tiện giao tiếp và hiểu các em nhiều hơn.
Hiện tại, do thiếu giáo viên Tiếng Anh nên có hầu như công việc giảng dạy bộ môn đều do Bích Cúc phụ trách. Lớp đông nhất cô giảng dạy lên tới 88 học sinh. Dù vậy, mỗi ngày lên lớp đối với Bích Cúc luôn tràn ngập niềm vui, mặc dù song hành đó, đôi khi còn nhiều khó khăn nhưng Bích Cúc luôn suy nghĩ tích cực và vượt qua nó. Một kỷ niệm dạy đến nay cô giáo 9X vẫn luôn nhớ: “Trong một tiết dạy về động vật. Mình có giao bài tập cho các học sinh về nhà sưu tầm hình ảnh về các con vật nuôi. Đến buổi hôm sau, thay vì mang tranh ảnh, có một học sinh lại mang đến lớp một con gà và một con chó. Và em học sinh ấy đã nói rằng: Nhà em không có tranh ảnh, nhưng nhà em có nuôi mấy con này. Khiến mình cảm thấy vừa buồn cười vừa phải suy ngẫm. Cười vì sự đáng yêu, chân thật của các em. Suy ngẫm vì thấy được, mặc dù điều kiện còn khó khăn nhưng các em vẫn cố gắng hoàn thành bài tập được giao. Có thể thấy, các em rất nghiêm túc học tập. Điều đó càng khiến mình cảm thấy có động lực hơn”.
Cô giáo 9X cũng chia sẻ: “Dạy học ở vùng cao nói chung, và đặc biệt là dạy môn Tiếng Anh nói riêng gặp rất nhiều khó khăn. Các em học sinh ở đây, đa số là người dân tộc thiểu số, một số em còn chưa thông thạo tiếng Việt, trang thiết bị học tập còn thiếu thốn rất nhiều. Về khả năng tiếp thu của các cũng còn nhiều hạn chế hơn vì với môn Tiếng Anh, đến năm lớp 6 các em mới được tiếp xúc nên còn nhiều lạ lẫm,…Qua một thời gian công tác, mình nhận thấy như vậy. Việc áp dụng các nghiệp vụ sư phạm và phương pháp giảng dạy phải rất linh hoạt thì các em mới bắt kịp được kiến thức nền. Khi các em đã nắm bắt được bài học, mình cảm nhận được qua từng ánh mắt của các học trò. Được giúp đỡ các em, cảm nhận qua từng ánh mắt đó, mình lại càng cảm thấy yêu nghề hơn. Mong muốn lớn nhất của mình là được nhìn thấy các em lớn lên, hạnh phúc và được phát triển toàn diện”.
Với quan điểm sống: “Mọi sự cố gắng đều được đền đáp xứng đáng”. Vừa qua, Bích Cúc cũng vừa đạt giải Nhất trong hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp trường. Trong cô giáo trẻ 9X luôn tồn tại một mong ước, có được một lớp học được trang bị đầy đủ thiết bị để thực hiện giảng dạy môn Tiếng Anh tốt hơn.
Trước tình trạng ngày càng có nhiều bạn trẻ từ bỏ sư phạm, Bích Cúc cho biết: “Theo mình, do nhiều yếu tố khách quan ảnh hưởng đến suy nghĩ nên nhiều bạn trẻ từ bỏ sư phạm. Nhiều bạn trẻ suy nghĩ rằng học ra trường khó xin được việc hoặc nếu có xin được sẽ có thể phải đi đến các vùng sâu vùng xa nơi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, và một số bạn trẻ chưa thật sự tâm huyết với nghề giáo... Vì vậy, có nhiều bạn trẻ chọn ở lại thành phố tìm một công việc khác mặc dù trái ngành”.