Cô giáo gen Z, Đinh Sao Mai, sinh năm 1998, hiện đang công tác tại khoa Tiếng Nhật (bộ môn Thực hành tiếng và Ngoại ngữ 2), trường ĐH Hà Nội. Trên trang Facebook, nữ giảng viên thu hút khoảng 15.000 lượt người theo dõi, kênh YouTube hơn 43.000 lượt đăng ký và TikTok hơn 93.000 người theo dõi. Bên cạnh sự nổi tiếng trên mạng thì cô giáo Mai cũng gặp phải vài rắc rối, những bình luận tiêu cực xuất hiện, thậm chí còn có người nhắn tin làm phiền cô và gia đình.
Cô Đinh Sao Mai - nữ giảng viên của trường ĐH Hà Nội, khiến nhiều người chú ý bởi vẻ ngoài xinh đẹp, trong trẻo. |
Cô Sao Mai chia sẻ: “Khi còn là sinh viên, mình từng là thành viên của CLB thời trang Waseda và Piano, thỉnh thoảng, mình cũng tham gia trình diễn thời trang hoặc biểu diễn piano trong các sự kiện của trường. Ngoài ra, mình cũng đã được chọn là gương mặt sinh viên đại diện cho trường trong các hoạt động quảng bá hình ảnh trên tạp chí và mạng Internet. Có lẽ nhờ vậy, mình được nhiều bạn trẻ ở Nhật Bản lẫn Việt Nam biết đến và theo dõi qua các kênh mạng xã hội như YouTube, TikTok…”.
Cô Sao Mai là một giảng viên trẻ, những ngày đầu đi dạy, đôi lần cô bị mọi người, thậm chí cả các bạn sinh viên tưởng nhầm là... sinh viên. Mặc dù còn rất trẻ nhưng cô Mai đã sở hữu bằng JLPT N1 tiếng Nhật và TOEIC 915 tiếng Anh.
JLPT N1 là cấp độ khó nhất trong 5 cấp độ của bài kiểm tra năng lực tiếng Nhật. Còn TOEIC 915 thì gần như chạm mốc tuyệt đối (TOEIC 990) của bài kiểm tra tiếng Anh giao tiếp quốc tế dành cho người đi làm không phải là người sử dụng tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ.
Thỉnh thoảng cô giáo Mai vẫn nhận được câu hỏi: "Em là sinh viên năm thứ mấy?". |
Những năm THPT, Sao Mai có ước mơ du học ở ĐH Waseda nên đã nộp hồ sơ ứng tuyển. Vượt qua ba vòng xét duyệt khắt khe, cô trúng tuyển du học tại trường, nhưng năm đầu tiên, phải tự túc chi phí. Sau năm thứ nhất đại học, cô dùng bảng điểm, chuẩn bị hồ sơ, viết bài luận đăng ký ứng tuyển học bổng và đỗ học bổng 1,2 triệu yên/năm học, nhận hỗ trợ đến khi ra trường.
Đến năm 2022, cô tốt nghiệp ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Waseda (Tokyo, Nhật Bản). Đây là ngôi trường thuộc top đầu tại Nhật, đào tạo rất nhiều chính trị gia và người nổi tiếng. Tại đây, việc học của cô Mai cũng có nhiều áp lực, bởi những thầy cô đều có học hàm, học vị. Họ ra bài tập có độ khó cao, sinh viên phải chuyên cần học vững lý thuyết lẫn thực hành.
Nữ giảng viên với phong cách trang phục mang vẻ đẹp Nhật. |
“Một lần, mình lựa chọn lớp ‘Văn hoá truyền thống Nhật Bản’. Nhà trường đã mời một giảng viên thỉnh giảng là geisha thực tế đến giảng dạy. Khi đấy, cô giáo hướng dẫn tụi mình tham quan địa điểm của những nàng geisha còn sinh sống và làm việc giữa Tokyo hiện đại. Cả lớp được trải nghiệm công việc của ‘geisha’ và học văn hoá ‘omotenashi – tinh thần hiếu khách của người Nhật’. Học kỳ đó, mình học hỏi kỹ năng thuyết trình, tư duy phản biện, có những giờ học thực tế và bổ ích”, cô Mai kể.
Khi học tập tại Nhật, Sao Mai sinh sống tại ga Korakuen, gần sân vận động Tokyo Dome. Theo cô, nơi đây thường diễn ra những sự kiện văn hoá lớn như concert J-Kpop. Bên cạnh, cô đi bộ là đến vườn Korakuen – công viên giải trí lớn, có cả quần thể suối nước nóng onsen. Mỗi cuối tuần, cô thường có thói quen đi dạo xung quanh công viên, ngâm mình trong onsen, để thư giãn.
Cô Mai tốt nghiệp Đại học Waseda. |
Sau khi ra trường, Sao Mai cũng tham gia nhiều sự kiện với tư cách là MC hoặc phiên dịch viên tiếng Nhật. Dù thu nhập đến từ những công việc này khá ổn định, nhưng cô lại muốn theo đuổi công việc liên quan đến giáo dục. Trong gia đình, cô có mẹ là giảng viên, một người thầy và cũng là người bạn của cô.
“Hình ảnh đẹp của mẹ trên bục giảng và ngoài đời khiến mình nuôi ước mơ trở thành ‘người truyền lửa’, chia sẻ kiến thức và niềm đam mê học tập với mọi người. Hiện tại, mình đã hiện thực hóa ước mơ đó. Trong cuộc sống, mẹ Mai như người bạn, lắng nghe những chia sẻ, trăn trở trong học tập, giảng dạy lẫn nghiên cứu của mình, từ đó, mẹ gợi ý những lời khuyên giá trị cho Mai”, cô giáo 9X tâm sự.
Hiện tại, ngoài việc giảng dạy tại khoa Tiếng Nhật, cô Sao Mai tiếp tục theo học thạc sĩ ngành Ngôn ngữ Nhật: “Mình cảm thấy ngôn ngữ là chìa khóa mở ra góc nhìn mới về cuộc sống và văn hóa cho bản thân. Cụ thể, tiếng Nhật rất thú vị và mình rất muốn lan tỏa niềm yêu thích ngôn ngữ này đến gần hơn với các bạn trẻ. Sắp tới, mình muốn phát triển một nền tảng, một môi trường dạy tiếng Nhật trên mạng xã hội để mọi người có thể cùng nhau học và chinh phục tiếng Nhật”.
Lời khuyên của cô giáo gen Z cho mọi người khi bắt đầu học tiếng Nhật, đó là, người học phải có sự kiên trì, một mục tiêu để phấn đấu. Từ đó, các bạn sẽ lựa chọn phương pháp học phù hợp, như học qua các kênh online, lớp học offline truyền thống.
Điều quan trọng của việc học ngoại ngữ, mỗi người phải dành thời gian cố định trong ngày để duy trì thói quen và bắt đầu nghiêm túc học tập để có thể thông thạo hơn.