Nghệ thuật thư pháp đã tồn tại song hành cùng suốt chiều dài lịch sử của dân tộc, gắn liền với văn hóa cổ truyền của đất nước. Tuy nhiên, nghệ thuật thư pháp không còn được phổ biến như trước bởi sự thay đổi và phát triển của thời đại.
Đứng trước thực trạng này, một nhóm sinh viên trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội nhận thấy cần phải có những hành động để giữ gìn và phát huy, lan tỏa nghệ thuật thư pháp.
“Cổ Pháp Tân Thư: Nét cũ - Hình mới" ra đời với mục đích đem những kiến thức đầy dù và trọn vẹn về nghệ thuật thư pháp. Đây không phải là bộ môn khó hiểu, khó tiếp cận, ngược lại còn có thể giúp mọi người rèn luyện bản thân, tu dưỡng tâm hồn.
"Cổ Pháp Tân Thư: Nét cũ - Hình mới" ghi hình tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. |
Chương trình muốn truyền tải thông điệp: “Lan tỏa tinh hoa thư pháp, khơi nguồn cảm hứng sáng tạo và phát triển bộ môn nghệ thuật này trong nhịp sống hiện đại”. Sự kiện góp phần định hướng giới trẻ tìm hiểu những giá trị tốt đẹp của thư pháp. Từ đó vun đắp tình yêu dành cho bộ môn nghệ thuật này.
"Cổ Pháp Tân Thư: Nét cũ - Hình mới" được ghi hình trước đó tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và công chiếu trực tuyến vào ngày 17/12/2021 trên fanpage chính thức của chương trình.
Sự kiện gồm 3 hoạt động chính. Đầu tiên là “Dòng chảy thư pháp”, tái hiện lịch sử thư pháp từ truyền thống đến hiện đại. Qua phần trình diễn thời trang kết hợp thư pháp, người xem có thể nhìn lại những thăng trầm cũng như phát triển sau này của thư pháp.
Tiếp theo là trải nghiệm viết thư pháp với khách mời là: Thư pháp gia Châu Hải Đường - người viết thư pháp Hán Nôm và anh Ngẫu Thư Nguyễn Thanh Tùng - người viết thư pháp chữ Quốc ngữ.
Trải nghiệm viết thư pháp cùng khách mời. |
Cuối cùng là phần talkshow cùng khách mời. Trong vai trò MC, TS. Trịnh Lê Anh cùng hai khách mời bàn luận về thực trạng, những vấn đề đặt ra cho thư pháp trong thời đại 4.0. Cùng với đó là bàn luận những ý kiến trái chiều của công chúng xoay quanh các dòng thư pháp.
Chia sẻ sau sự kiện, TS Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết: “Đây là hoạt động văn hóa rất có ý nghĩa do các bạn trẻ tổ chức. Tôi mong rằng qua những sự kiện như thế này, cộng đồng yêu thích thư pháp sẽ tiếp tục gìn giữ và phát triển nghệ thuật thư pháp; đồng thời cùng phát triển cả dòng thư pháp Hán Nôm và thư pháp chữ Quốc ngữ”.