Báo cáo được các chuyên gia thuộc Chương trình Nghiên cứu Chiến lược Mekong – Trung Quốc (MCSS) của VNUA thực hiện ngay trong thời gian dịch COVID-19 đang diễn ra, do đó rất sát thực và kịp thời. Báo cáo xem xét thực trạng ngành dệt may Việt Nam, tìm ra và chẩn đoán những điểm yếu của ngành, từ đó đánh giá tác động của đại dịch COVID-19 đến kết quả của ngành trong năm 2020 và xa hơn nữa. Báo cáo rà soát tổng thể nhiều nguồn số liệu để đưa ra đề xuất chính sách cho ngành dệt may Việt Nam trong một khuôn khổ rộng hơn, liên quan đến thể chế và sáng tạo, cơ hội và thách thức mới mà các hiệp định thương mại tự do mang lại đặc biệt liên quan đến chuỗi cung ứng và công nghệ tạo ra cho ngành.
Phát biểu tại hội thảo PGS. TS Phạm Bảo Dương, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết: Tại Việt Nam, dệt may là một trong những ngành kinh tế quan trọng. Với 2,6 triệu lao động, ngành đang giải quyết gần 5% tổng số lao động và đóng góp 12,4% vào tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2019 của Việt Nam. Dệt may là mặt hàng xuất khẩu chủ lực thứ ba với giá trị gần gấp đôi giá trị xuất khẩu hàng nông sản. Nhưng đại dịch COVID-19 đã khiến ngành dệt may gặp rất nhiều khó khăn. Lần đầu tiên, tất cả các mặt hàng xuất khẩu của ngành dệt và ngành may mặc đều bị suy giảm.
Trong bối cảnh đó, Báo cáo nghiên cứu “Dệt may Việt Nam: Tác động của COVID-19 và xa hơn nữa”, nhằm phân tích thực chứng những tác động của tình hình kinh tế thế giới đến triển vọng ngành dệt may Việt Nam là một nghiên cứu có nhiều ý nghĩa khoa học và thực tiễn không chỉ đối với ngành dệt may, mà với cả công chúng và truyền thông. PGS. TS Phạm Bảo Dương nhấn mạnh.
TS Phạm Sỹ Thành, Trưởng nhóm nghiên cứu thực hiện báo cáo và là Giám đốc Chương trình MCSS cho biết: “Dệt may Việt Nam tạo việc làm cho gần 2,6 triệu lao động, giải quyết 20% lao động ngành công nghiệp và gần 5% tổng số lao động cả nước. Năm 2019, ngành dệt may là ngành có mức xuất khẩu lớn thứ ba với kim ngạch gần 40 tỷ USD, đóng góp khoảng 15% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. EVFTA sẽ giúp giảm thuế bình quân với hàng may mặc Việt Nam từ 12% về 0%. Chúng tôi tin rằng COVID-19 và các thay đổi về chính sách đòi hỏi ngành dệt may Việt Nam cần mạnh dạn thay đổi, tập trung đổi mới và nâng cao giá trị tăng thêm của các sản phẩm ngành. ”
Báo cáo – thông qua nhiều số liệu thuyết phục, đã chỉ rõ “COVID-19 tác động rất tiêu cực đến cả nguồn cung và đầu ra của ngành dệt may. Xét theo các thị trường xuất khẩu chủ chốt, năm tháng đầu năm 2020, xuất khẩu vào thị trường Mỹ giảm 14,9%, thị trường EU (28) giảm 19%. Với hiệu ứng của việc hiệp định thương mại tự do giữa VN và EU được phê chuẩn, dệt may Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào sáng tạo để tạo ra nhiều giá trị tăng thêm cho ngành. Để làm được việc đó, rất cần nhà nước có những thay đổi mạnh mẽ về chính sách và cơ cấu thuế, giá phù hợp.”
Chị Phan Lê Huyền Gấm, nhân viên công ty Molax Vina tại Bình Tân, TP. HCM chia sẻ: “Tôi đã làm việc ở công ty này bốn năm nay, và chưa bao giờ gặp phải khó khăn như bây giờ. Từ đầu năm đến nay các đơn hàng liên tục bị hủy hoặc không xuất đi được, nhiều anh chị em đã phải nghỉ việc, giãn lương hoặc không nhận lương. Chúng tôi rất mong nhà nước có các chính sách hỗ trợ cụ thể để chúng tôi có thể tồn tại được với nghề, vượt qua thời kỳ khó khăn này”.
Đây là nghiên cứu đầu tiên trong chuỗi các hoạt động hợp tác nghiên cứu giữa ActionAid Quốc tế tại Việt Nam và chương trình MCSS. “Chúng tôi kỳ vọng các kết quả nghiên cứu có tính đột phá và thực tế như thế này sẽ được MCSS tiếp tục trong các nghiên cứu tiếp theo, đặc biệt quan tâm đến hiệu ứng của các chính sách vĩ mô tới cuộc sống và sinh kế của các nhóm yếu thế, như công nhân nhập cư trong ngành dệt may chẳng hạn”, bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện của ActionAid Quốc tế tại Việt Nam nói.